Hội thảo khoa học vui: Vỏ cua làm sạch nước thải

Giáo dục - Ngày đăng : 11:22, 14/03/2015

(HNMO) – Ngày 13-3 tại Hà Nội, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về chuyển giao công nghệ và tái chế chất thải, tiến sỹ người Anh Emma Goosey đã giới thiệu cách tái chế đồ vật bằng phương pháp hóa học cho 70 học sinh tiểu học.


Theo Emma Goosey, vỏ cua hay vỏ của nhiều loài động vật biển khác là một loại vật liệu rất hữu dụng. Vỏ cua chứa chất nhựa thiên nhiên hay còn gọi là chất kitin. Kitin là một loại hóa chất có thể hút các loại hóa chất khác như kim loại và các chất bẩn khác rất hiệu quả. Vì vậy, Emma Goosey cho rằng chúng ta có thể dùng vỏ cua và chất kitin để hấp thụ các hóa chất độc hại trong nước thải.


Các em nhỏ thực sự vui thích với các thí nghiệm tạo “dung dịch đổi màu liên tục” từ đá khô do tiến sỹ Từ Minh Hiệu thực hiện. Cũng với nguyên liệu này, tiến sỹ hướng dẫn các em nhỏ lựa chọn loại nước quả yêu thích và thực hiện thí nghiệm làm nước uống có ga. Các em được quan sát toàn bộ quá trình bốc khói, tạo bong bóng và cùng lý giải về hiện tượng. Các em cũng đặc biệt hào hứng với thí nghiệm trang bạc thủy tinh bằng dung dịch hóa học và cùng viết điều ước đặt vào mỗi chiếc lọ.

Bên cạnh đó, các em nhỏ còn được xem màn biểu diễn 3D kỳ thú với chủ đề “Nước” tại Rạp hát Ảo thuật của Trung tâm Khoa học Toán Lý Panasonic Risupia Việt Nam. Đây là một mô hình bảo tàng khoa học thực nghiệm, nơi trẻ em được trải nghiệm sự kỳ thú của khoa học và tìm hiểu những phong cách sống xanh với các sản phẩm công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường của Panasonic.

Chương trình năm trong hội thảo “Khoa học vui – Science is fun” do Hội đồng Anh tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giáo dục STEM (Khoa học-Công nghệ-Kỹ thuật-Toán) thuộc khuôn khổ Quỹ Newton, một sáng kiến mới trong chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cho Việt Nam của Vương quốc Anh.

H.H