"Đánh thức" tiềm năng du lịch tâm linh vùng Kinh Bắc
Du lịch - Ngày đăng : 07:36, 14/03/2015
Nơi truyền bá đạo Phật đầu tiên
Ông Nguyễn Hồng Đài - Tổng Giám đốc APT Travel cho biết, một trong những "báu vật tâm linh" của tỉnh Bắc Ninh là chùa Dâu. Đây là nơi đầu tiên các tu sĩ Ấn Độ đặt chân đến để truyền bá đạo Phật tại Việt Nam. Chùa được khởi công xây dựng vào năm 187 và hoàn thành vào năm 226. Những tài liệu, cổ vật còn lại ở chùa Dâu, đặc biệt là bản khắc "Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh", cùng kết quả nghiên cứu của các nhà sử học và Phật học đã khẳng định chùa Dâu là tổ đình của Phật giáo Việt Nam, được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử ngày 28-4-1962.
Đền Đô là một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Ảnh: Nhật Nam |
Một báu vật khác của Bắc Ninh là chùa Bút Tháp. Chùa có hệ thống tượng tròn đặc sắc, trong đó, độc đáo nhất là tòa Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và 954 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau, được công nhận là Bảo vật quốc gia kể từ năm 2012. Chùa còn có tòa cửu phẩm liên hoa bằng gỗ, 9 tầng, 8 mặt.
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư" thì chùa Phật Tích được xây dựng vào năm 1057. Nhưng theo bộ ván khắc còn lưu ở chùa Dâu, huyện Thuận Thành và truyền thuyết dân gian thì có thể chùa Phật Tích có từ cuối thế kỷ thứ III. Điểm độc đáo của chùa Phật Tích không chỉ là những công trình kiến trúc mỹ miều, mà còn là các tác phẩm điêu khắc đá cổ kính. Trước hết phải kể đến pho tượng đá A Di Đà, được khắc từ thời Lý. Thân tượng được tạo bằng chất liệu đá xanh nguyên khối. Cả phần thân tượng và phần bệ có chiều cao 4,7m, trong đó phần bệ đá hoa sen có chiều dài 1,7m, chiều rộng 0,8m, chiều cao 0,36m. Bên cạnh đó, chùa còn rất nhiều tác phẩm điêu khắc đáng chú ý khác như: Tượng mình người đầu chim đang vỗ trống, chân cột bằng đá chạm hình ảnh dàn nhạc đang hoạt động, hàng linh thú trước sân chùa... Chùa Phật Tích được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa ngày 28-4-1962. Ngoài ra, Bắc Ninh còn có đền Lý Bát Đế, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015; đền thờ và lăng Kinh Dương Vương, nơi được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ các bậc đế vương, mỗi lần quốc lễ đều cho quân đến tế lễ, dân thờ phụng trang trọng.
Chưa phát triển xứng tầm
Bắc Ninh có gần 1.300 di tích, trong đó có hơn 490 di tích được xếp hạng, 194 di tích được xếp hạng cấp quốc gia cùng hơn 600 lễ hội truyền thống đậm chất dân gian, trong đó có 10 lễ hội có ý nghĩa đặc biệt và có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Tuy nhiên, năm 2014, tổng lượng khách đến với Bắc Ninh chỉ đạt 477.000 lượt khách. Thực tế cho thấy, khách đến tham quan chủ yếu tập trung vào mùa xuân, mùa lễ hội, còn ngày thường thì các điểm tâm linh rất vắng khách. Nguyên nhân của tình trạng này là đa số di tích "chưa hướng về du lịch". Hiện tại, ngoại trừ chùa Dâu, lăng Kinh Dương Vương, chùa Phật Tích, đền Đô, chùa Dạm, lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương đã được quy hoạch, lập dự án đầu tư, tôn tạo theo hướng phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, đa số di tích đang trong quá trình lập dự án đầu tư để trùng tu, tôn tạo là chính. Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Ninh Lê Đắc Thuật khẳng định: Tuy số lượng doanh nghiệp làm du lịch mấy năm nay có tăng nhưng các loại hình kinh doanh lữ hành, vui chơi giải trí, nhất là hoạt động kinh doanh phục vụ du lịch tại các điểm du lịch tâm linh hầu như không chuyển biến về số lượng, chất lượng và do đó, các sản phẩm dịch vụ kém phong phú, chưa hấp dẫn đối với du khách. Hơn nữa, trình độ nghiệp vụ của lực lượng lao động du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên còn yếu.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Anh Giang - Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Truyền thông du lịch Việt cho biết: "Điểm chưa được trong tất cả các điểm du lịch tâm linh mà đoàn đi qua, gồm chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương... là việc thu phí vệ sinh. Đây là điều rất không nên vì nó tạo ra tâm lý không thoải mái cho khách hành hương. Người dân đầu năm đi lễ thường mang theo một cái tâm rất lớn và hầu hết đều công đức. Giá trị tiền công đức lớn hơn rất nhiều so với tấm vé vào khu vệ sinh có giá một vài nghìn đồng", bà Phạm Thanh Tâm - đại diện Vietrantour đặc biệt nhấn mạnh tới khu vệ sinh tại các nhà hàng. "Vừa bước vào khu vệ sinh, tôi muốn quay ra luôn. Nếu là ở Hà Giang hoặc các tỉnh vùng cao thì khách có thể thông cảm được phần nào vì người ta hiểu rằng điều kiện địa phương chỉ có như vậy. Nhưng, Bắc Ninh là một tỉnh gần Hà Nội, tại sao không khắc phục được điều này?", bà Phạm Thanh Tâm nêu vấn đề.
Một vấn đề nữa của du lịch
Bắc Ninh là công tác truyền thông. Các doanh nghiệp lữ hành cho biết, họ có rất ít thông tin về du lịch Bắc Ninh, đặc biệt là thông tin về du lịch tâm linh. Xưa nay, nhắc đến Bắc Ninh, người ta thường biết đến các làng quan họ, các làng nghề, chứ ít ai biết về du lịch tâm linh. Khi nói về du lịch tâm linh tại các tỉnh phía Bắc, người ta thường kể Bái Đính, Tràng An, Quảng Ninh... còn Bắc Ninh thì hầu như chưa được biết đến. Chính vì vậy, trong buổi giao lưu với lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành, không ít doanh nghiệp tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi được biết thông tin chùa Dâu là nơi đầu tiên của Việt Nam được truyền bá đạo Phật.
Theo các chuyên gia du lịch, để tiềm năng du lịch tâm linh của tỉnh được "đánh thức," thời gian tới, ngành du lịch Bắc Ninh cần có những chiến lược cụ thể như: làm truyền thông mạnh hơn, xây dựng những tour - tuyến du lịch hợp lý, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức văn hóa, lịch sử, cũng như đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm... "Trước mắt, Bắc Ninh nên làm các mô hình nhỏ như lập các làng du lịch, tập trung các làng nghề xung quanh các điểm du lịch tâm linh như tranh Đông Hồ, mây tre đan Xuân Lai, đồng Đại Bái... để khách đến đây nhiều hơn và ở lại lâu hơn. Kéo khách ở lại 2-3 ngày thì tỉnh sẽ thu được nhiều hơn là khách chỉ đến tham quan, trả 15.000-20.000 đồng tiền vé vào cửa ở mỗi điểm tham quan rồi về", Giám đốc Công ty Du lịch Phượng Hoàng Đặng Bích Thọ đưa ra ý kiến.