Cơ sở giết mổ thủ công gây ô nhiễm môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 07:31, 14/03/2015
Tìm hiểu được biết, trên địa bàn xã Hữu Văn hiện có 27 hộ làm nghề giết mổ lợn, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực chợ Sáng thuộc hai thôn Mỹ Hạ và Mỹ Thượng với 20 hộ; số hộ còn lại nằm rải rác ở các thôn trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã Hữu Văn Phùng Xuân Toàn cho biết, 2 thôn Mỹ Hạ và Mỹ Thượng có nghề giết mổ lợn từ lâu đời, song số hộ làm nghề rất ít. Những năm gần đây, nghề này phát triển mạnh, quy mô giết mổ cũng theo đó tăng lên. Hiện, các hộ giết mổ bình quân 5-10 con/ngày, cá biệt có hộ mổ trên 20 con/ngày. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về thực trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở giết mổ gây ra, ông Phùng Xuân Toàn thừa nhận là có thật, song mấy năm trở lại đây tình trạng xả nước thải, chất thải sau giết mổ trực tiếp ra môi trường đã được hạn chế rất nhiều. Cụ thể, thôn Mỹ Hạ 15 hộ có cơ sở giết mổ thủ công thì đến nay có trên 50% số hộ đã xây dựng được hầm biogas để xử lý nước, chất thải sau giết mổ. Đối với các hộ chưa xây được hầm biogas, do thường xuyên được chính quyền thôn, xã tuyên truyền, vận động, nhắc nhở thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường nên công tác thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình giết mổ cũng được các hộ quan tâm hơn.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi thu thập được, không chỉ xả nước thải sau giết mổ ra môi trường, nhiều hộ dân tại thôn Mỹ Hạ và Mỹ Thượng (chủ yếu các hộ giết mổ quy mô 5-7 con/ngày) còn xả cả phân lợn ra kênh mương, ruộng, ao… Nhiều hộ sau khi nhập lợn về còn rửa xe ô tô chở gia súc, xả phân lợn xuống đường đi, gây ô nhiễm môi trường. Nghiêm trọng hơn, vào khung giờ giết mổ từ 2h đến 4h sáng, khi người dân đang chìm trong giấc ngủ thì tiếng lợn kêu, tiếng xe máy, ô tô ra vào các lò mổ lấy hàng… gây ồn ào, làm mất giấc ngủ của không ít người.
Thực tế tại một số cơ sở giết mổ, do không phải giờ giết mổ nên tại khu vực giết mổ đã được dọn dẹp sạch sẽ, tuy nhiên mùi tanh, hôi thối của phân trong khu vực nhốt lợn, kênh mương trong làng vẫn bốc lên rất khó chịu. Trong số các lò mổ chúng tôi đến, chỉ có một vài lò mổ được đầu tư xây dựng sạch sẽ (nền nhà lát gạch, có hầm biogas - PV), số còn lại vẫn là nền xi măng, nhìn bẩn thỉu, nhếch nhác. Đáng nói, tất cả các cơ sở giết mổ đều nằm trong khu dân cư, tại khu vực giết mổ được bố trí nơi nhốt lợn sống nên không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Không ít hộ đã bị xử phạt vi phạm hành chính vì giết mổ ngay tại nhà, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường thế nhưng xử phạt xong rồi "đâu lại vào đấy". Ông Nguyễn Văn Trận, thôn Mỹ Thượng làm nghề giết mổ lợn 20 năm nay cho biết, mỗi ngày gia đình ông giết mổ 20-30 con, ngày cao điểm có thể lên tới 40-50 con. Do không có khu giết mổ tập trung nên gia đình ông và nhiều gia đình khác phải chấp nhận giết mổ lợn ngay tại nhà riêng. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, từ năm 2009 gia đình ông đã xây dựng hầm biogas nhưng vẫn không khắc phục triệt để được ô nhiễm do nghề này gây ra.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do các lò giết mổ thủ công, từ năm 2012, trong quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt, xã Hữu Văn đã dành khoảng 1,7ha đất tại khu đồng Giếng của xã để xây dựng khu giết mổ tập trung nhằm đưa tất cả các hộ giết mổ lợn trên địa bàn ra nhưng đến nay quy hoạch vẫn chỉ là quy hoạch. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải sống chung với ô nhiễm. Vậy, đến bao giờ tình trạng giết mổ thủ công không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại xã Hữu Văn mới được khắc phục? Bao giờ người dân mới được sống trong môi trường không ô nhiễm?