Không được tạo cơ hội cho hành vi làm giàu bất chính

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:29, 14/03/2015

(HNM) - Để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài, Ban Nội chính Trung ương đề nghị cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài.


Đồng thời đề nghị nếu người kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc của tài sản tăng lên một cách đáng kể thì ngoài việc đối tượng kê khai bị xử lý theo quy định của pháp luật, tài sản tăng lên đó phải bị tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới nhận được nhiều ý kiến từ độc giả.

Thiệt hại do tham nhũng gây ra ngày càng lớn
Đây là quy định giúp phòng ngừa, phát hiện tội phạm về tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phòng ngừa khả năng đối tượng tham nhũng tạo dựng cơ sở kinh tế để trốn ra nước ngoài sau khi đã thực hiện hành vi tham nhũng ở trong nước. Thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra ngày càng lớn. Tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ giá trị tài sản tham nhũng được thu hồi qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên phạm vi cả nước. Song theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2014 giá trị tài sản thu hồi chỉ đạt trên 22%. Nếu so sánh con số trên với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trên thực tế thì tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều.

Bà Vũ Thu Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương

Dòng tiền chuyển ra nước ngoài có vẻ ngày càng tăng
Những con số hàng tỷ đô la Mỹ của Việt Nam chảy ra nước ngoài không hợp pháp từ năm 2008 đến 2013 là có thật và đặc biệt là mức chảy ra nước ngoài tăng mạnh từ sau năm 2008. Vấn đề có thể là do tình hình làm ăn không hợp pháp của người có quyền ở Việt Nam ngày càng tăng và điều này được chứng tỏ bằng việc chuyển tiền trở về nước ngày càng lớn qua dạng kiều hối. Bởi như đã tính toán, khả năng kiều bào chuyển tiền về nước cho gia đình cao như hiện nay là khó tin. Tất nhiên đem tiền về là tốt nhưng nếu tạo cơ hội cho việc làm giàu bất chính là điều khó chấp nhận.

TS Vũ Quang Việt - Chuyên gia về thống kê

Có không hoạt động rửa tiền?
Khi ở California (Mỹ) tôi đã chứng kiến nhiều người Việt chồng cả vali tiền mặt (có khi lên tới hàng trăm nghìn USD) để mua nhà, mua biệt thự ở đây. Câu hỏi đặt ra là tiền mặt ở đâu lớn thế? Rất nhiều phương tiện truyền thông đã nói tới những hình thức rửa tiền nhằm hợp thức hóa lượng tiền chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam. Đây là một trong những cách đó. Ví dụ một người A ở trong nước có người thân là B ở nước ngoài. Người A muốn chuyển ngoại tệ cho người B chỉ cần giao dịch qua người C ở trong nước và người C sẽ giao dịch với người D ở nước ngoài. Giao dịch được thực hiện khi người A chuyển tiền cho người C trong nước một lượng tiền nội tệ tương đương với số ngoại tệ người A muốn B sở hữu ở nước ngoài. Sau đó người C sẽ báo cho người D ở nước ngoài chuyển cho người B một số ngoại tệ tương đương... Theo kịch bản này, đồng nội tệ được dịch chuyển ở trong nước và đồng ngoại tệ được chuyền tay ở nước ngoài. Sau đó, nếu những tài sản tại nước ngoài đó được bán đi hay thế chấp thì số tiền thu được từ những giao dịch trên trở thành tiền sạch và tránh khỏi sự truy sát của các cơ quan an ninh tiền tệ.

TS Nguyễn Trí Hiếu -Chuyên gia kinh tế

HNM