Đổ thêm dầu vào lửa!
Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 14/03/2015
Xe bọc thép đa năng Humvee sẽ được Mỹ viện trợ cho quân đội Ukraine. |
Theo nhận định của giới phân tích quốc tế, gói viện trợ quân sự cho Ukraine được tung ra vào thời điểm này một phần vì các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ và đồng minh nhằm vào Nga dường như không tạo ra sự thay đổi trong cách tiếp cận cuộc khủng hoảng Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, phương Tây không thể tìm được giải pháp khả dĩ để giành thế thượng phong trong "ván cờ" tại Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu viện trợ quân sự có tạo nên sự khác biệt cho cục diện của cuộc xung đột tại Ukraine hay không? Giới quân sự cho rằng vũ khí đổ vào Ukraine chỉ thuộc hàng ưu tiên thứ yếu. Trong một báo cáo của các cựu quan chức Mỹ gần đây cũng nhấn mạnh, điểm yếu của Ukraine không phải là vũ khí bởi nước này từng là nhà sản xuất vũ khí lớn thứ tư thế giới. Mấu chốt nằm ở khả năng lãnh đạo, quản lý và công tác hậu cần. Do đó, viện trợ quân sự chưa hẳn là giải pháp tối ưu giúp Mỹ đạt tham vọng trong cuộc đấu với Nga. Ngược lại, khí tài Mỹ công khai tại chiến trường miền Đông Ukraine sẽ khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng.
Hiện tại, thỏa thuận Minsk II vẫn là lựa chọn tốt nhất cho Ukraine để có thể có những phương án cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng lâu dài. Việc quân đội Ukraine được trang bị thêm vũ khí chỉ càng làm tăng ảo tưởng rằng quân đội Chính phủ Ucraine có thể thắng trên chiến trường và như vậy, các chiến dịch quân sự đẫm máu sẽ có thể kéo dài.
Thêm vào đó, một yếu tố cần xét đến là các loại khí tài quân sự của Mỹ cung cấp đều đòi hỏi người sử dụng phải được huấn luyện đặc biệt. Như vậy, cùng với khí tài mới, quân đội của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ xuất hiện tại Ukraine - một bước đi có thể khiến quan hệ Nga - phương Tây càng thêm tồi tệ. Đây là điều các nước Liên minh Châu Âu (EU) không mong đợi vì cuộc khủng hoảng Ukraine kéo theo các lệnh trừng phạt lẫn nhau đã khiến cả hai bên thấm mệt. Trong bối cảnh nền kinh tế EU đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát sâu một lần nữa thì những bất ổn tại Ukraine và quan hệ "đóng băng" với Nga không hứa hẹn triển vọng tốt đẹp nào cho Cựu lục địa. Vì thế, hoàn toàn có thể hiểu được vì sao Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine đã không nhận được sự đồng tình của các đồng minh bên kia Đại Tây Dương.
Ngày 12-3, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã một lần nữa cảnh báo Washington cần cân nhắc kỹ khi chi viện cho chính quyền Kiev. Bởi việc Chính phủ Mỹ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine có thể làm cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine leo lên một nấc thang căng thẳng mới. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi cách đây vài ngày, Nga đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng vũ trang thông thường ở Châu Âu (CFE) - một văn bản quy định mức giới hạn về số lượng vũ khí thông thường như xe tăng, xe thiết giáp, trực thăng, máy bay chiến đấu... mỗi nước tham gia ký kết được phép sở hữu. CFE là một trong những thỏa thuận quan trọng giúp hạn chế cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực thời hậu Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, việc Mỹ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ buộc Nga phải lựa chọn đáp trả. Đó là việc Mátxcơva sẽ buộc phải tìm cách tăng cường hỗ trợ cho lực lượng đối lập tại miền Đông. Rõ ràng, các biện pháp hỗ trợ quân sự dù bất kỳ từ bên nào chắc chắn sẽ làm gia tăng bạo lực, làm sâu thêm vết thương trên đất nước bên bờ Biển Đen.