Đại biểu Quốc hội: Tử tù Hồ Duy Hải có bị oan hay không?

Đời sống - Ngày đăng : 10:33, 13/03/2015

Đây là câu hỏi được ĐBQH Đỗ Văn Đương đặt ra đối với Chánh án TANDTC tại phiên chất vấn sáng 13/3.

Tại phiên chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trong Phiên họp 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng đặt vấn đề, tại sao khi Chủ tịch nước bác đơn giảm án và chính bị cáo Hồ Duy Hải (tử tù trong vụ án giết hai nhân viên bưu điện Cầu Voi - Long An) có đơn yêu cầu thi hành án nhưng vụ việc vẫn kéo dài?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết vụ việc đang được xem xét một cách thận trọng để đảm bảo oan thì kết luận oan và giải oan, nếu có tội thì phải xác định rõ căn cứ buộc tội theo đúng pháp luật để không bỏ lọt tội phạm.

Ông Trương Hòa Bình cho biết chưa có căn cứ kháng nghị vụ Hồ Duy Hải.


Vụ Hồ Duy Hải tại thời điểm đó gây bức xúc trong công luận và gia đình bị hại, xã hội yêu cầu điều tra làm rõ để trừng trị tội phạm. Cơ quan điều tra đã tiến hành vụ án truy xét nên việc thu thập chứng cứ khó khăn như sau đó phát hiện nghi can Hồ Duy Hải.

“Hải cũng nhận tội, quá trình điều tra có luật sư dự cung. Cơ quan điều tra đã xác minh chứng cứ gián tiếp chứng minh lời nhận tội của Hải. Viện Kiểm sát truy tố, đưa ra tòa án xét xử, tại tòa sơ thẩm bị cáo nhận tội và không nhận có bức cung, nhục hình. Bản án kết luận có tội. Sang bản án phúc thẩm bị cáo có phần nói không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không chắc. Việc kiểm tra sau đó khẳng định quá trình điều tra vụ án này có thiếu sót nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án, nên tòa tuyên tử hình”, Chánh án cho biết.

Ông Trương Hòa Bình cũng cho biết Chủ tịch nước cũng có quyết định bác đơn đề nghị giảm án của bị cáo. Việc có oan hay không phải căn cứ người có thẩm quyền có kháng nghị hay không, Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao khi đưa ra xét xử mới khẳng định có oan hay không oan. Hiện bản án đã có hiệu lực và chưa có căn cứ kháng nghị.

“Bản án này có giám sát của Quốc hội, Tổ liên ngành do VKS chủ trì đã làm việc tích cực, phúc tra quá trình lấy cung đối với Hải. Hải vẫn nhận tội và đơn của Hải chỉ xin được giảm án tử hình hoặc thi hành án ngay. Chưa có căn cứ khẳng định oan hay không nhưng chúng tôi sẽ xem xét thận trọng, đủ căn cứ kháng nghị sẽ kháng nghị, nếu không phải thực thi đúng pháp luật”, Chánh án TANDTC nói.

Lý giải vì sao chưa thi hành án vụ Hồ Duy Hải, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, ngoài vấn đề pháp lý cũng cần phải xử lý vấn đề tôn trọng nguyện vọng của gia đình bị cáo và công luận.

“Mẹ bị cáo xin giảm thi hành án và có đơn gửi Chủ tịch nước, dư luận cũng phản ảnh tình hình như thế, Chủ ịch nước xem xét kỹ và có ý kiến yêu cầu xem lại có oan hay không. Đoàn liên ngành xem lại vụ án một cách thận trọng để đánh giá toàn diện, đầy đủ, khách quan về chứng cứ, về áp dụng pháp luật để đi đến cách xử lý đúng đắn”, ông Trương Hòa Bình nói.

Cho rằng Chánh án “trả lời theo đúng hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm và tờ trình không kháng nghị”, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh chỉ quan tâm bản án kết tội có đủ căn cứ không.

“Là người trực tiếp được phân công nghiên cứu hồ sơ, vào trại làm việc với bị cáo, nghe ý kiến luật sư, tiếp công dân (mẹ và gì bị cáo). Qua xem xét tổng thể thì đoàn giám sát đang nghiên cứu. Với tư cách cá nhân đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng bản kết tội chưa đủ chứng cứ vững chắc. Tôi đã có bản kiến nghị 10 trang chỉ ra hàng chục điểm sai sót và vi phạm trong bản án; có kiến nghị đến Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát”, đại biểu cho biết và đề nghị Chánh án xem xét thận trọng vụ án này.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết Bộ này đang phối hợp với Tòa án, VKS để xem xét lại vụ Hồ Duy Hải; đồng thời cho biết qua chứng cứ có thể nói Hải gây ra tội, nhưng quá trình thu thập chứng cứ cần đánh giá rõ hơn.

Liên quan đến tình hình oan sai trong công tác điều tra, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng chúng ta chưa tập trung tôn trọng chứng minh sự thật khách quan.

“Quan điểm xem xét đánh giá chứng cứ chủ yếu trọng cung hơn chứng cứ, trong khi ngược lại, không dễ tin gì các lời khai. Đây là vấn đề tố tụng. Còn năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của cán bộ điều tra có người chưa tuân thủ, có trường hợp có tư tưởng thành tích nên dẫn đến có bức cung, nhục hình, oan sai”, ông Lê Quý Vương thẳng than.

Tháng 12/2008, trong phiên toà sơ thẩm, TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt Hồ Duy Hải tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản.

Đến tháng 4/2009, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm. Tháng 5 và tháng 10/2011, lần lượt Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao đều không có kháng nghị đối với bản án. Sau đó, Chủ tịch nước cũng bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải và quyết định thi hành án vào ngày 5/12/2014. Tuy nhiên, đến ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản hoãn thi hành án đối với Hải đến ngày 4/1/2015.

Sau khi kết thúc thời hạn tạm hoãn thi hành án đối với tử tù Hồ Duy Hải, Chủ tịch nước đã đề nghị Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải. Đồng thời, yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không.

Theo Ngọc Thành