Không dung túng, bao che cho sai phạm
Giao thông - Ngày đăng : 06:41, 13/03/2015
Xe quá tải đã giảm đáng kể
Xác định công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, kiềm chế tai nạn, một năm qua các lực lượng chức năng từ trung ương tới các địa phương đã tích cực tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng tăng cường siết chặt công tác kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường; sử dụng dữ liệu giám sát từ camera, thông tin phản ánh qua đường dây nóng và báo chí; kiểm tra, xử lý các cơ sở đóng thùng hàng không đúng thiết kế; thực hiện việc cấp trọng lượng toàn bộ của xe, trọng tải cho phép phù hợp với tải trọng giới hạn của cầu, đường bộ theo quy định…
Do áp dụng tốt các chế tài xử lý, thời gian qua tình trạng xe quá tải đã giảm đáng kể. |
Theo ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT), sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng xe quá tải nghênh ngang trên các tuyến đường. Điều đáng nói, một số nơi sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương thì tình hình xe vi phạm chở quá tải gần như không còn, điển hình như: Hà Tĩnh, Hòa Bình (thực hiện theo chế độ lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác này hằng tuần, lãnh đạo Công an tỉnh, Sở GT-VT kiểm tra đôn đốc hằng ngày và ra hiện trường để chỉ đạo, giám sát thực hiện). Tuy nhiên, tại một số địa bàn vẫn còn tình trạng lái xe, chủ xe, chủ hàng chở hàng quá trọng tải lén lút hoạt động vào ban đêm, đi trốn tránh, né các điểm KSTTX; một số địa phương còn e ngại khi làm quyết liệt công tác KSTTX sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, chậm tiến độ các dự án, công trình giao thông, xây dựng của địa phương mình...
Nâng chế tài, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Chủ đề của "Năm An toàn giao thông 2015" tiếp tục được Bộ GT-VT lựa chọn là "Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện". Nhằm thực hiện được mục tiêu chấm dứt tình trạng xe quá tải phá nát kết cấu hạ tầng giao thông ngay trong năm 2015, Bộ GT-VT đã yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương bố trí các điểm KSTTX lưu động tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô vận tải. Điều này sẽ giúp lực lượng chức năng xử lý, ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá trọng tải trước khi lưu thông trên các tuyến đường và xử lý vi phạm về kích thước thùng xe đồng thời nâng cao công tác quản lý nhà nước về vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, Bộ GT-VT cũng đã giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý kho, cảng, bến bãi, nhà ga, các doanh nghiệp, chủ xe, quản lý chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ô tô ngay tại gốc, bảo đảm đúng trọng tải mới cho xe xuất phát; các cơ quan, đơn vị cũng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện ký cam kết đối với các đơn vị chưa thực hiện và mở rộng đối tượng như bến, cảng thủy nội địa, ga, cảng hàng không, các đơn vị thi công các công trình lớn…
Đặc biệt, trong tháng 4-2015, Bộ GT-VT sẽ đưa vào khai thác thí điểm 3 trạm thu phí không dừng kết hợp KSTTX trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Đáng chú ý, lần đầu tiên, Bộ GT-VT triển khai áp dụng công nghệ cân xe tự động cảm biến thạch anh thay thế cho hệ thống cân tĩnh đang được sử dụng hiện nay. Công nghệ này được đánh giá phù hợp với nhiều loại hình thái thời tiết, tốc độ xe có thể dao động 1-230km/giờ, độ chính xác tới 98%. Khi xe đi qua hệ thống cân tự động này, thông tin về tải trọng phương tiện quá tải sẽ được hiển thị trên bảng điện tử VMS đặt bên lề đường. Tất cả hình ảnh, thông tin, dữ liệu chi tiết về tải trọng mọi phương tiện đi qua trạm cân đều được chuyển về lưu trữ tại trung tâm dữ liệu. Kết quả cân xe sẽ được sử dụng để xử phạt các phương tiện vi phạm tải trọng.
Ủy ban ATGT quốc gia đã kiến nghị Chính phủ, ngay trong tháng 3-2015 lực lượng chức năng được nâng chế tài xử phạt lên mức rất nặng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt quá tải trọng cho phép. Trong đó, với mức chở quá tải vượt hơn 150%, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tới 25 triệu đồng, tước giấy phép lái xe một năm đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe. Chủ phương tiện còn phải nộp phạt 40 triệu đồng, hoặc bị tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt (nếu chủ phương tiện là cá nhân); nộp phạt 80 triệu đồng, hoặc bị tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt (nếu chủ phương tiện là tổ chức).
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính từ ngày 1-4 đến ngày 31-12-2014, các trạm KSTTX lưu động của 63 địa phương và 2 trạm KSTTX cố định Dầu Giây (Đồng Nai), Quảng Ninh đã kiểm tra được hơn 430.000 lượt xe, phát hiện hơn 57.000 xe vi phạm, chiếm 13,3% trong tổng số xe được kiểm tra. Ngoài ra, lực lượng chức năng các địa phương còn kiểm tra xử lý bằng cân xách tay và các biện pháp khác; bắt buộc và vận động cắt chiều cao đối với những xe cơi nới trái phép kích thước thùng chở đối với 1.152 xe. Riêng trong tháng 1 và 2-2015 các trạm KSTTX lưu động đã dừng, kiểm tra hơn 56.000 xe ô tô, phát hiện, lập biên bản 5.900 trường hợp vi phạm, tỷ lệ xe vi phạm trên tổng số xe được kiểm tra khoảng 10,4%... |