Tòa án ngại chính quyền đồng cấp?

Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 13/03/2015

(HNM) - E ngại mối quan hệ hành chính với chính quyền địa phương không thuận lợi, những năm qua, TAND cấp huyện có tâm lý không muốn xét xử những khiếu kiện đối với các quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND hay chủ tịch UBND cùng cấp.

Án do TAND cấp huyện xử bị hủy, sửa chiếm tỷ lệ cao

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một thẩm phán cấp huyện (đề nghị giấu tên) cho biết, định hướng cải cách tư pháp là tòa án phải độc lập, phải được tăng thẩm quyền nhưng thực tế năng lực, bản lĩnh của thẩm phán tòa cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu. Tòa án cấp huyện rất ngại xử những khiếu kiện đối với các QĐHC của UBND cùng cấp vì ít nhiều có lệ thuộc về quan hệ hành chính. Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ giới hạn cơ quan này không xét xử các QĐHC trong lĩnh vực quản lý đất đai. Do vậy, nếu có đưa ra xét xử các khiếu kiện hành chính thì trong nhiều trường hợp, UBND rất dễ thắng kiện, còn người khởi kiện phải trông chờ vào phiên phúc thẩm.

Người dân đến dự một phiên tòa lưu động của tòa án nhân dân huyện Hoài Đức.


Để khắc phục thực trạng trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Ty cho rằng, cần hạn chế tối đa những tác động tiêu cực có thể nảy sinh từ các cơ quan thực hiện quyền hành pháp ở địa phương đối với thẩm phán, hội thẩm. Đây cũng là một trong các nội dung "nóng" được TAND Tối cao cân nhắc đề xuất trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Cơ quan này khẳng định, thời gian qua, bản án, QĐHC của TAND cấp huyện bị hủy, sửa chiếm tỷ lệ cao. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giao cho TAND cấp huyện giải quyết các khiếu kiện QĐHC, HVHC của chủ tịch UBND huyện và UBND cấp huyện là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới việc giải quyết vụ án của TAND không bảo đảm khách quan vì có sự ảnh hưởng, tác động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương. Bởi vậy, quy định về thẩm quyền sơ thẩm các khiếu kiện hành chính của TAND cấp huyện cần được cân nhắc lại theo hướng TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết các khiếu kiện QĐHC, HVHC của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện mà giao cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ giải quyết sơ thẩm.

Chẩn bệnh có đơn giản?

Để bảo đảm không xảy ra hiện tượng khởi kiện tràn lan và hoạt động tư pháp không can thiệp vào công tác nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước nhiều chuyên gia đề xuất cần loại trừ các QĐHC, HVHC mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao khỏi đối tượng khởi kiện hành chính. Song, nếu xét kỹ, việc "chẩn bệnh" như trên có phần còn đơn giản.

Một vấn đề nhận được nhiều quan tâm là lệ phí xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đã bổ sung quy định mới về lệ phí giám đốc thẩm để tránh việc gửi đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tràn lan, với ý thức cầu may hoặc nhằm kéo dài thời gian thi hành án, gây khó khăn cho bên được thi hành án.

Theo lập luận của TAND Tối cao, đương sự có đơn đề nghị giám đốc thẩm rất nhiều, nhưng số lượng đơn đề nghị được chấp nhận kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm lại chiếm tỉ lệ thấp. Nhiều trường hợp đương sự làm đơn và sao gửi nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau và tất cả các đơn này sau đó đều được gửi về tòa án và tòa án phải xem xét. Triển khai hướng trên để ràng buộc trách nhiệm của các đương sự; đồng thời quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm bảo đảm quyền lợi của người có đơn đã nộp lệ phí và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này. Tuy nhiên, quy định này có thể sẽ làm hạn chế quyền của đương sự.

Việc xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là nhiệm vụ, quyền hạn của người có quyền kháng nghị nhằm khắc phục những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án của tòa án. Đơn đề nghị của đương sự còn là một kênh giúp cho người có quyền kháng nghị phát hiện vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần cân nhắc khi đưa ra quy định thu lệ phí này, nhất là trong trường hợp không bảo đảm thời hạn giải quyết kháng nghị mà thu lệ phí xem xét đơn đề nghị sẽ gây những phản ứng tiêu cực không đáng có.

Theo sát tiến độ thẩm tra chất lượng văn bản của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp dễ nhận thấy, trong hàng trăm văn bản lỗi về thể thức và nội dung bị cơ quan này phát hiện có cả công văn hoặc thông báo chứa đựng nội dung của QĐHC. Do đó, cần có các quy định cụ thể hơn về hình thức ban hành văn bản hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, cần có tiêu chí, hướng dẫn để phân biệt QĐHC và HVHC mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức; QĐHC và các văn bản có chứa đựng nội dung của QĐHC để các tổ chức, cá nhân dễ dàng xác định quyết định nào là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.

Hải Hà