Khai mạc chương trình "Hành động vì quyền người tiêu dùng" năm 2015

Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 13/03/2015

(HNM) - Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới (15-3), tối 12-3, tại Công ty TNHH Thương mại VHC - Hệ thống siêu thị điện máy HC tại 102 Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội), Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức lễ khai mạc chương trình "Hành động vì quyền người tiêu dùng" năm 2015 với thông điệp "Người tiêu dùng hãy lên tiếng".

Chương trình năm nay tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông và thông điệp qua các hoạt động như phối hợp cùng Đoàn thanh niên phát miễn phí Sổ tay hướng dẫn người tiêu dùng để tác động trực tiếp đến ý thức của người tiêu dùng tại các điểm công cộng trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng vào đúng ngày 15-3, kêu gọi người tiêu dùng hãy lên tiếng bảo vệ quyền lợi của bản thân; treo banner tuyên truyền trên các tuyến phố…

Tháng Hành động năm nay diễn ra từ ngày 1-3 đến ngày 31-3 với 246 điểm bán hàng vì người tiêu dùng, tăng 20% so với năm ngoái, trong đó có 103 điểm của các doanh nghiệp sản xuất, tăng 32% so với năm 2014. Nhiều thương hiệu lớn đã đồng hành cùng chương trình trong nhiều năm qua như Công ty TNHH Thương mại VHC, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), VNPT Hà Nội, siêu thị Big C, Công ty Giày Thượng Đình, siêu thị Sài Gòn Co.opmart… Người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn từ các doanh nghiệp tham gia như giảm giá 50% nhiều sản phẩm của 5 ngành hàng điện tử, điện lạnh, gia dụng, IT, mobile…

Để biết địa chỉ các "Điểm bán hàng vì người tiêu dùng" và thông tin của chương trình, khách hàng có thể truy cập website: www.hangvietchinhhang.vn hoặc gọi điện tới tổng đài 04.1081.

Nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng (15-3), nhóm làm việc Vì sự tham gia của người dân (PPWG), Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và Tổ chức Tín thác và đoàn kết vì người tiêu dùng (CUTS) đã phối hợp tổ chức cuộc hội thảo "Quyền của người tiêu dùng Việt Nam: Các vấn đề và giải pháp" vào sáng 12-3, tại Hà Nội.

Theo kết quả cuộc khảo sát trực tuyến trên 1.200 người do Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thực hiện, có một tỷ lệ rất lớn người tiêu dùng có những trải nghiệm tiêu dùng không tốt: Gần một nửa (46%) mua phải hàng kém chất lượng/số lượng so với quảng cáo, 40% mua phải hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, khoảng một phần ba số người tham gia khảo sát đã mua phải thực phẩm hết hạn sử dụng, mua phải hàng giả, hàng nhái... Trên một phần tư (27,75%) số người tham gia khảo sát cho rằng mình bị đối xử "không tốt" hoặc "rất không tốt".

Thanh Hiền - Thùy Ngân