Tín dụng chính sách: Tăng trưởng cao, nợ xấu thấp, nông dân được hưởng lợi
Kinh tế - Ngày đăng : 16:10, 12/03/2015
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chủ trì hội nghị cùng Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng, ngoài ra cùng làm việc còn có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH TP...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi làm việc. |
Bình quân mỗi năm tăng 25,4%
Theo ông Nguyễn Kim Phung, Giám đốc NHCSXH TP cho biết: Tính đến ngày 31/12/2014, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại Chi nhánh NHCSXH Thành phố đạt 4.737 tỷ đồng, tăng 4.340 tỷ đồng, gấp 11,9 lần so với năm 2003, bình quân mỗi năm tăng 25,4%. Cụ thể nguồn vốn Trung ương điều chuyển là 3.443 tỷ đồng, tăng 3.095 tỷ đồng, gấp 16 lần so với năm 2003; Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 1.097 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng so với năm 2003, chiếm 23% tổng nguồn vốn. Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu đến nay, Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý trên 293 nghìn khách hàng vay vốn. Tổng doanh số cho vay trong 12 năm đạt 14.053 tỷ đồng, doanh số cho vay năm sau đều cao hơn năm trước, bình quân mỗi năm đạt 1.171 tỷ đồng. Trong 12 năm qua, đã có 1.240 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, trong đó, có 615 ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn, mức dư nợ bình quân hiện nay là 18,5 triệu đồng/hộ nghèo, góp phần giúp cho trên 160 ngàn hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 430 ngàn lao động, giúp cho trên 138 ngàn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, xây dựng cải tạo trên 320 ngàn công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo. Cùng với việc tăng trưởng dư nợ tín dụng, Chi nhánh thường xuyên quan tâm, chú trọng tới việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nợ quá hạn liên tục giảm, từ mức 3,4% thời điểm nhận bàn giao (đầu năm 2003) xuống còn 0,03% vào thời điểm cuối năm 2014, nhiều món nợ khó đòi, nợ quá hạn nhận bàn giao từ trước đây đã được xử lý thu hồi dứt điểm.
Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng khẳng định: NHCSXH chi nhánh TP Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu về nguồn vốn, dư nợ và các phong trào trong hệ thống NHCSXH Việt Nam. Với sự quan tâm của TP Hà Nội, NHCSXH TP đã xây dựng một bộ máy đồng bộ, hoạt động hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể, chính quyền địa phương, đưa đồng vốn đến với các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, hiệu quả. Nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo từ nay đến 2020 của TP Hà Nội còn hết sức nặng nề, việc giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, tổng số hộ nghèo, cận nghèo lớn do dân số lớn, do đó NHCSXH TP cần phát huy hơn nữa vai trò, vị trí, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của NHCSXH trên địa bàn Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế, đối tượng hộ mới thoát nghèo, hộ tái nghèo và những hộ vay có nhu cầu vốn giải quyết việc làm tại khu vực đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mất đất sản xuất... vẫn còn nhiều, nguồn vốn chưa được đáp ứng được nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN thành phố cho rằng: NHCSXH Việt Nam cần linh hoạt hơn nữa lãi suất cho vay, trong mặt bằng chung lãi suất cho vay của các NH thương mại giảm mạnh, nhiều chương trình cho vay của NHCSXH vẫn còn cao như cho vay nước sạch vệ sinh môi trường, hộ cận nghèo...Năm 2015, trên cơ sở nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách đã được liên ngành tính toán, Thành phố cần bố trí khoảng 180 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH, trong đó vốn từ ngân sách thành phố bổ sung khoảng 90 tỷ đồng, số vốn còn lại 90 tỷ đồng UBND Thành phố giao sớm giao cho NHCSXH huy động từ nguồn tài chính hợp pháp trên địa bàn, ngân sách Thành phố cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý như năm 2014. Hiện nay, các xe ô tô chuyên dùng chở tiền phục vụ giao dịch lưu động tại xã được trang bị từ năm 2006 hiện đã quá cũ, hết khấu hao, không đảm bảo vận chuyển an toàn, nhiều huyện có số xã lớn, địa bàn hoạt động rộng, tổ chức điểm giao dịch lưu động đến 100% số xã, thị trấn nên thường phải bố trí 2 đến 3 điểm giao dịch lưu động trong 01 ngày. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, UBND Thành phố sớm hỗ trợ NHCSXH trang bị các xe ô tô chuyên dụng cho các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện. Tiếp tục chỉ đạo UBND cấp huyện tạo điều kiện cấp đất xây dựng trụ sở làm việc cho những Phòng giao dịch đang phải thuê, mượn trụ sở để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng xây dựng trụ sở làm việc của Chi nhánh Thành phố tại phường Mỹ Đình 2 quận Nam Từ Liêm.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng: Các sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc rà soát lại đối tượng hưởng thụ để có đánh giá khách quan, cũng như tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, bố trí quỹ đất… chính quyền thành phố sẽ nỗ lực các giải pháp để bố trí đủ nguồn vốn cho các đối tượng chính sách vay vốn và các điều kiện hoạt động khác. NHCSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm hơn nữa tới chi nhánh TP Hà Nội để đáp ứng nhu cầu vốn của đơn vị, cùng với TP thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, NHCSXH TP tiếp tục là đơn vị chủ trì, chủ động tham mưu, đề xuất cho lãnh đão thành phố giải quyết tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Các đối tượng mới thoát nghèo, cần cho vay thêm 1 chu kỳ vốn, tránh tái nghèo. Tổ chức, cải cách hành chính để đối tượng chính sách tiếp cận thuận lợi hơn nữa, đẩy mạnh tư vấn hỗ trợ sử dụng vốn hiệu quả. Bởi thực tế, phương thức làm ăn của nông dân còn nhỏ lẻ, manh mún, gặp nhiều rủi ro do giá cả thị trường bấp bênh. Đòi hỏi nông dân xây dựng dự án sản xuất kinh doanh là khó, do vậy cán bộ NHCSXH phải đồng hành cùng hộ dân để xây dựng phương án hỗ trợ vốn trúng, hợp lý, đúng nhu cầu của người dân. Trên cơ sở hỗ trợ lãi suất của TP, NHCSXH Tp năng động huy động thêm nguồn từ các tổ chức tín dụng khác, đáp ứng cho vay các chương trình.