Phát hiện bài báo tiếng Pháp của Tướng Giáp viết năm 15 tuổi
Văn hóa - Ngày đăng : 14:57, 12/03/2015
Thập niên gần đây, bà đặt trọng tâm nghiên cứu vào Hồ Chí Minh. Làm việc hết sức nghiêm túc, bà đến các địa điểm Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động trên thế giới nhằm viết cho chính xác. Do đó mà có mấy cuốn sách về Hồ Chí Minh tuy có tính chất phổ thông nhưng là những công trình lịch sử thật hấp dẫn.
Bà có lần kể về việc bà tìm ra một bài báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết năm 15 tuổi. Qua Trung tướng Phạm Hồng Cư, tác giả của một cuốn sách về thời thanh thiếu niên của ông Giáp, bà được biết là có một bài báo như vậy bằng tiếng Pháp đăng tại Sài Gòn năm 1927, bút danh là Trắc Ảnh. Trong cuộc lãng du nghiên cứu, bà Lady Borton, sau hai ngày lục lọi về nhiều vấn đề đã tìm thấy ở một thư viện tại Seatle (Mỹ) bản microfilm về bài xã luận ông Giáp viết, tên là: Huế: chế độ thật quái lạ ở một trường trung học (báo LANNAM 24/3/1927). Microfilm này ở Thư viện Quốc gia Hà Nội cũng có, nhưng ít ai để ý. Vả lại không dễ tìm được bài báo vì bài không ký tên thật, tên bài cũng do tòa soạn đổi khác.
Cậu học sinh Võ Nguyên Giáp viết bài này khi học năm thứ hai trường Quốc học Huế, năm 1927, vào thời kỳ phong trào cách mạng chống Pháp dâng cao từ vụ bắt và xử cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh về nước và đám tang cụ. Mấy tuần lễ sau bài báo, Võ Nguyên Giáp tham gia tổ chức một cuộc biểu tình học sinh lớn ở Huế. Cậu bị đuổi học cùng 90 học sinh khác.
Báo LANNAM (Nước Nam) do Luật sư Phan Văn Trường chủ trương. Hồi ở Pháp, ông đã giúp đỡ tận tình Nguyễn Ái Quốc. Và sau ở Sài Gòn, ông cũng giúp đỡ Võ Nguyên Giáp bước vào nghề báo. Sau đây là bản dịch bài báo trên:
“HUẾ: CHẾ ĐỘ THẬT QUÁI LẠ Ở MỘT TRƯỜNG TRUNG HỌC
Từ khi những cuộc bãi khóa nổ ra ở trong các trường học, tiếp sau những biện pháp phiền nhiễu của chính quyền ông Bourotte, giám đốc trường Quốc học lo sợ về việc phong trào bãi khóa lan rộng trong thanh niên Huế đã thấy cần phải xiết chặt kỷ luật. Người ta nói là từ khi đó ông đã ra sức đưa vào trường một chế độ gây tai tiếng nhất.
Như vậy là ông Bourotte mấy năm trước, khi còn là giáo sư, đã khuyến khích học sinh phải đọc báo chí, sách giáo khoa để theo sát những sự kiện có liên quan đến lịch sử và địa lý, ông đã nhiều lần trách bảo học sinh với một giọng nhẹ nhàng: “Các trò ít đọc báo quá!”; ấy thế mà, từ khi lên chức giám đốc cách đây hai năm, ông đã hoàn toàn thay đổi cách cư xử, bằng cách tuyên chiến quyết liệt với báo chí và những độc giả trẻ tuổi. Vậy động cơ của sự thay đổi ấy là gì? Có thể đoán được đó là sự nghi kỵ, một sự nghi kỵ ngày nay được các nhà khai hóa “của chúng ta” yêu chuộng; đó là sự lo sợ khó cưỡng khi thấy thanh niên An Nam biết được những thực tế tàn bạo trên đất nước mình, những mánh khóe xoay sở của những vị tự xưng là những người “bảo hộ” mình.
Ngoài ra, hàng ngày ông Bourotte còn cho lục soát thư từ và bưu phẩm, bất cứ thứ nào trước khi giao cho người nhận; tịch thu bất cứ cuốn sách nào khả nghi; câu trích sau đây của một bản thông tri lăng nhăng chứng minh điều đó: “Học sinh chỉ được phép đọc những cuốn sách có chữ ký của ông giám đốc”. Hơn nữa, ông Bourotte đặt bọn chỉ điểm khắp nơi. Đầu óc luôn cảnh giác, đôi tai luôn nghe ngóng, ông ăn không ngon, đêm ngủ rất muộn, ông rón rén bước vào các phòng học sinh nội trú học, phòng ngủ nội trú, hay trốn sau các bức tường nghe trộm học sinh bàn về chính trị. Chưa hết, ông theo dõi tất cả các học sinh bị nghi là đã có quan hệ với cụ Phan Bội Châu và tìm cách trừng phạt rất khắc nghiệt.
Ông Bourotte quyết định làm tốt nhiệm vụ của mình như thế đó, ông tìm cách nhốt học sinh trong một hệ thống quy định nghiệt ngã.
Ôi....Xin hãy từ bỏ các điều không tưởng ấy. Chừng nào mà chính sách bất hợp tác chưa xảy ra ở đất nước An Nam hiền lành này thì lưỡi gươm của Damocles vẫn còn đang treo lơ lửng và đu đưa trên mọi cái đầu.
Trắc Ảnh”.
Bài báo trên đây vạch rõ chính sách ngu dân của thực dân, biến một công chức Pháp tốt thành một tay sai đàn áp dân thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đã có lần phân biệt người Pháp ở chính quốc phần nhiều tốt với người Pháp ở thuộc địa thì xấu. Tác giả cũng cảnh báo chính quyền thực dân: Người An Nam có thể theo chính sách bất hợp tác như người Ấn Độ thời đó khiến thực dân Anh lao đao. Đó là nguy cơ thường xuyên đối với thực dân Pháp, như lưỡi gươm treo trên đầu Damocles (thời Thượng cổ Hy Lạp La Mã, một nhà vua muốn làm cho vị triều thần Damocles hiểu về sự mong manh của hạnh phúc. Vua mời ông ăn dưới một lưỡi kiếm treo trên đầu ông bằng một sợi lông ngựa. Ông vừa ăn vừa sợ khiếp vía).