Viết nên điều kỳ diệu
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:25, 11/03/2015
Sự sống mong manh qua từng nhịp đập
Cách đây khoảng 8 năm, vợ chồng chị Hồ Thị Hải Yến (29 tuổi, Thái Bình) là cặp hiếm muộn may mắn có con khi điều trị vô sinh bằng phương pháp bơm tinh trùng của chồng vào tử cung. Con đầu của chị năm nay đã 7 tuổi, cháu rất thông minh và khỏe mạnh. Do đó, khi quyết định sinh đứa con thứ hai, chị sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Việc đặt phôi lần sinh nở thứ hai được tiến hành vào ngày 3-7-2014. Sau nhiều cố gắng, vượt qua những khó khăn nhờ khao khát có thêm con, anh chị đã có tin vui. Thế nhưng, không giống như lần mang thai trước đó, hành trình sinh nở của chị Yến rất vất vả vì mang song thai. Ngày 25-11, khoảng 22-23 tuần của thai kỳ, chị có dấu hiệu đau bụng nên vội vàng nhập viện. Mặc dù các bác sĩ của BV Phụ sản trung ương đã áp dụng nhiều biện pháp cấp cứu, hỗ trợ bằng mọi trang thiết bị y tế hiện đại nhất cho thai nhi phát triển ổn định để chờ được đến ngày sinh nở nhưng mong muốn đó đã không thành. Đến ngày 5-12, tức là khi thai nhi mới bước sang tuần tuổi thai thứ 24, sản phụ vỡ ối và sinh thường song thai 1 trai, 1 gái. Bé gái nặng vẻn vẹn 500 gram, bé trai nặng 600 gram. Nhìn hai đứa con quá bé bỏng, chưa phát triển hoàn chỉnh, nhịp thở yếu ớt, anh chị không giấu nổi giọt nước mắt lo lắng. Không bỏ cuộc, chị tâm niệm "còn nước còn tát", điều trị thế nào cũng có kết quả và kiên trì chờ đợi sự hồi sinh của hai con dưới bàn tay chăm sóc tận tình của các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (BV Phụ sản trung ương).
Việc cứu sống cặp song sinh chỉ nặng khoảng 500 gram là một thành tựu lớn của y học nước ta. |
Tuần đầu sau sinh, các bác sĩ và cha mẹ hai cháu bé phải trải qua những giờ phút vô cùng căng thẳng, luôn luôn phải đối mặt những tình huống xấu nhất. Hai em bé đầu nhỏ xíu, toàn thân xẹp lép, làn da tím đỏ, mỗi nhịp thở cũng khó nhọc... Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh Nguyễn Ngọc Lợi kể, khi tiếp nhận cặp song sinh từ phòng sinh về, phản xạ thở của hai trẻ yếu, toàn thân tím đen do xuất huyết dưới da, suy hô hấp nặng… Điều các bác sĩ lo sợ nhất là bộ phận hô hấp của hai bé hoạt động quá yếu, nhịp tim rời rạc. Các bé chỉ có thể thở nấc, nghĩa là thỉnh thoảng mới nấc được một tiếng. Suốt 93 ngày điều trị trong Trung tâm cũng là khoảng thời gian tranh đấu của hai cháu bé và tập thể y, bác sĩ nơi đây với tử thần. Nhớ lại những ngày gian nan đó, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi tiếp tục câu chuyện, chúng tôi phải tiến hành bơm thuốc chống nguy cơ xẹp phổi cho hai bé ngay trong những giờ đầu. Tiếp tục sau đó, cặp song sinh được thở máy trong 4 ngày, đến ngày thứ 13 hai trẻ được thở ôxy. Khoảng 50 ngày sau, các cháu mới có thể thở khí trời. Nhưng gian nan và kỳ công nhất phải kể đến việc chăm sóc dinh dưỡng bởi đây là điều quyết định để các bé có tồn tại được hay không. Do cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, hệ tiêu hóa của hai cháu rất yếu, trong hai ngày đầu, các bác sĩ thường phải truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch. Từ ngày thứ ba, các y tá phải bắt đầu cho hai trẻ ăn sữa mẹ qua sonde máy kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch với lượng sữa chỉ khoảng 1ml/lần. Mức ăn này so với lượng sữa mẹ mà trẻ lọt lòng phải dùng là quá ít ỏi nhưng hai cháu cũng phải ăn trong 3 tiếng đồng hồ mới xong. Ngay khi trẻ bú xong bữa thứ nhất, các y tá lại tiếp tục cho ăn lần thứ hai để bảo đảm trẻ ăn 8 lần/ngày. Sau đó, các bác sĩ nhích dần lượng sữa mẹ lên 2ml/lần.
Ấy vậy mà trong suốt khoảng thời gian đó, người mẹ chỉ được đứng từ xa ngắm nhìn những đứa con thân yêu của mình nằm giữa một đống máy móc hỗ trợ thở, lọc máu, điện tim... Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi kể, cảm giác hạnh phúc nhất của người mẹ sau sinh nở là được ôm con vào lòng, cho con bú nhưng chị Yến không có được phút giây hạnh phúc ấy. Khi chứng kiến cảnh người mẹ trẻ đứng bên ngoài lồng kính, xót xa bật khóc nức nở khi nhìn những bàn tay, bàn chân nhỏ xíu, mọng nước vì xuất huyết dưới da, các y, bác sĩ ở đây không ai cầm lòng được. Mọi người lại bảo nhau tiếp tục cố gắng chăm sóc hai bé chóng khỏe. Mỗi khi sức khỏe của các cháu biến chuyển phức tạp, các bóng áo trắng lại tất bật quanh chiếc lồng ấp. Những bước chân gấp gáp, những bàn tay vội vã, những giọt nước mắt lo lắng lấm tấm trên gương mặt mỗi người. Ngoài trời, thời tiết lạnh mà đứng giữa phòng, các bác sĩ vẫn đổ mồ hôi bởi sức nóng tỏa ra từ hệ thống máy điện tim, máy thở của mỗi cháu.
Thế rồi mọi nỗ lực, cố gắng ấy đã được đền đáp. Sau 93 ngày được nuôi dưỡng và điều trị, cặp song sinh tí hon giờ đã phát triển và tăng cân tốt. Ngày 10-3, bé trai đã đạt được cân nặng 2,35kg và bé gái được 2,25kg (tương đương khi tuổi thai đạt 36 tuần) với tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường và uống được khoảng 60ml sữa/lần. Chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao khi đón hai bé song sinh kháu khỉnh về nhà, sản phụ Hồ Thị Hải Yến cho biết: Tôi sinh hai con trong tâm trạng vô cùng hoang mang. Khi nhìn hai con sinh ra cân nặng thấp và yếu ớt, gia đình đã phải chuẩn bị sẵn tư tưởng cho trường hợp xấu nhất. Thế nhưng, phép màu đã xảy ra với gia đình chúng tôi. Hôm nay, được đón hai con về nhà là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao với tôi và gia đình. Không biết nói gì hơn, chúng tôi vô cùng cảm ơn những người thầy thuốc, các y, bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh của BV Phụ sản trung ương. Các anh chị chính là những người đã tái sinh hai con chúng tôi.
Mở ra cơ hội cho trẻ sinh non
Đánh giá về trường hợp chăm sóc thành công hai bé tí hon này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, trên thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non, trong đó hơn 1 triệu trẻ tử vong, tức cứ 30 giây lại có một trẻ sinh non tử vong. Việt Nam vẫn nằm trong những nước có tỷ lệ trẻ sinh non cao và có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam mỗi năm cũng có tới 150 nghìn trẻ sinh non, nhẹ cân chào đời. Tỷ lệ tử vong do trẻ sinh non, nhẹ cân cũng chiếm tới 25% tử vong sơ sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sinh non như do tử cung người mẹ bé, u xơ tử cung, viêm nhiễm trong quá trình mang thai, vấn đề tâm lý... Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có trường hợp song thai nào tại Việt Nam với cân nặng chỉ 500 gram, 600 gram và tuổi thai thấp (24 tuần, tương đương 6 tháng tuổi) được cứu sống. Đây là tín hiệu mừng không chỉ minh chứng sự phát triển của nền y học nước nhà mà còn góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, trước đây, việc nuôi dưỡng những trẻ sơ sinh như trường hợp trên gặp rất nhiều khó khăn. Về mặt thể chất, trẻ sinh non rất dễ bị bệnh, khuyết tật, thậm chí trí tuệ cũng kém phát triển. Tuy nhiên, những cháu bé được điều trị và nuôi dưỡng tại Trung tâm sau khi ra viện vẫn phát triển bình thường. Đây là mô hình thành công, tiêu biểu và sẽ nhân rộng ra các BV khác trên toàn quốc.
Được biết, mỗi năm, tại BV Phụ sản trung ương có tới hàng nghìn bé sinh thiếu tháng được các y, bác sĩ nuôi sống. Năm 2010, lần đầu tiên tại Việt Nam, BV Phụ sản trung ương đã nuôi sống thành công trường hợp cháu bé sinh non 25 tuần tuổi và nặng 500 gram. Chỉ 5 năm sau, tại đây đã tiếp tục nuôi sống thành công cặp song sinh 24 tuần tuổi nói trên.
Trên thế giới, giữ kỷ lục về chăm sóc trẻ sinh non cân nặng nhỏ nhất hiện nay là các bác sĩ người Đức đã nuôi sống em bé Tom Thumb chỉ nặng 275 gram. Thành công của các y, bác sĩ BV Phụ sản trung ương cũng chính là điểm mốc ghi nhận công tác chăm sóc trẻ sinh non nước nhà sánh ngang với trình độ của thế giới.
Chia sẻ về những khó khăn để cứu sống những trẻ sinh non tháng, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi tâm sự, trẻ đẻ non từ 32 tuần trở xuống và dưới 1,5kg có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh võng mạc. Nếu không khám và mổ điều trị kịp thời, trẻ sẽ vĩnh viễn hỏng mắt. Trước đây, khi chưa có bác sĩ chuyên khoa mắt, khoa thường kết hợp mời các bác sĩ BV Mắt trung ương tới thăm khám cho các cháu hoặc đưa các cháu đến BV chuyên khoa mắt để phẫu thuật. Trẻ sinh non cơ thể rất nhỏ bé, có những trẻ không những phải mổ một lần mà còn mổ tới 2 lần mới giữ được đôi mắt. Các bác sĩ đều cố gắng nỗ lực phẫu thuật bởi cứu được tính mạng mà không cho các cháu được nhìn thấy ánh sáng mặt trời thì đó thực sự là điều thiệt thòi cho trẻ. Hiện BV đã có một bác sĩ chuyên khám và phẫu thuật bệnh võng mạc trẻ sinh non. Trong tương lai gần, BV sẽ tiến tới thực hiện thành công việc nuôi dưỡng thai 23 tuần tuổi với cân nặng 400 gram nhằm góp phần giảm tử vong ở trẻ sinh non tại nước ta.
Nhìn hai bé song sinh cựa quậy trong vòng tay ấm áp của cha mẹ mà thấy thán phục trước những gì các y, bác sĩ nơi đây đã làm được. Còn gì thiêng liêng hơn việc đem lại sự sống cho hàng nghìn sinh linh bé nhỏ. Tạo hóa đã cho các con hình hài nhưng chưa cho các con sinh lực. Những bàn tay và trái tim của các y, bác sĩ đã làm nốt phần việc còn dang dở của tạo hóa. Có thể với các y, bác sĩ, đó là công việc thường ngày nhưng với hàng triệu bào thai được nuôi sống thành người thì đó là một điều kỳ diệu.