Bí thư Thành ủy xuống đồng trò chuyện với nông dân
Chính trị - Ngày đăng : 16:01, 10/03/2015
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trò chuyện với nông dân xã Sơn Đông. |
Gặp Bí thư Thành ủy, anh Phạm Đặng Hương (thôn Đồi Vua) cho biết, lúc đầu làm dồn điền đổi thửa anh và bà con trong thôn cũng có nhiều tâm tư. Ai cũng lo không biết khi bốc thăm có được khu ruộng tốt hay không. Nhưng được cán bộ xã động viên, đến nay bà con được cấy trên diện tích rộng, không còn xé lẻ như trước. Trước câu hỏi dồn điền đổi thửa đem lại những lợi ích gì hơn, bà Hoàng Thị Hạnh (xóm Chợ) nói: "Giờ làm nhàn hơn xưa. Trước để làm cỏ hay thu hoạch xong số ruộng nhà tôi phải đi làm mấy buổi vì ruộng ở nhiều nơi, nay tập trung làm có khi chỉ một buổi là xong. Trước chở xe bò đi tránh nhau đã khổ, nay đường rộng tránh nhau thoải mái. Trước muốn bón thêm phân cho lúa cũng ngại, giờ thì nhờ chăm sóc tốt nên năng suất lúa cũng tăng từ 1,5 tạ/sào lên thành 2 tạ/sào. Chưa kể, trước phân chia ruộng là bờ đất, hai nhà cạnh nhau nhiều lúc cãi cọ vì không rõ ràng, nay thì ruộng nhà ai người ấy lo, chẳng bao giờ xảy ra tranh chấp".
Xã Sơn Đông là xã điểm được thành phố chỉ định xây dựng nông thôn mới tại thị xã Sơn Tây. Năm 2014, với 97,5/100 điểm, Sơn Đông chính thức được công nhận là xã nông thôn mới.
Rời xã Sơn Đông khi đã thấy rõ hiệu quả của Chương trình số 02-CTr/TU về xây dựng nông thôn mới, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tới thăm xã Cổ Đông nơi có một số mô hình kinh tế nông thôn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bí thư Thành ủy đã tới thăm mô hình nuôi gà mía của Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm thuộc Công ty TNHH 1 thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội- Hadico và Trang trại Chăn nuôi thỏ của anh Phùng Văn Toản. Bí thư Thành ủy đã hỏi cụ thể về tình hình sản xuất, nhất là những khó khăn về cơ chế, vốn, thị trường... Vui mừng vì sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người nông dân, nhưng Bí thư Thành ủy cũng chưa yên tâm vì hướng phát triển của các mô hình này, nhất là tính bền vững, khả năng nhân rộng...
Trong cuộc việc với Thị ủy Sơn Tây, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho hay, so với một số mô hình trang trại chăn nuôi ở Chương Mỹ, Thạch Thất, những mô hình chăn nuôi ở xã Cổ Đông còn hạn chế về tính liên kết. Một mô hình chăn nuôi hay sản xuất nông nghiệp có tính bền vững phải có sự liên kết chặt chẽ thành quy trình ổn định từ sản xuất, chế biến đến thương mại. Đồng chí yêu cầu, cấp ủy, chính quyền thị xã, nhất là những người chuyên trách về nông nghiệp cần chủ động, phối hợp với các sở, ngành thành phố tìm tòi, hướng dẫn, giúp đỡ nông dân để có được sự liên kết đó. Bí thư Thành ủy cho rằng, ngay tại địa bàn Hà Nội có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ưu việt, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng/ha, các cán bộ lãnh đạo, tham mưu của thị xã cần tích cực học hỏi để vận dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy lưu ý, phát triển nông nghiệp của thị xã phải quan tâm đến vấn đề liên kết vùng, có thể tận dụng lợi thế ở gần Ba Vì là nơi phát triển chăn nuôi bò sữa hay Chương Mỹ là nơi phát triển chăn nuôi, chế biến gia cầm có quy mô lớn với hình thức tiến bộ. Bí thư Thành ủy yêu cầu Thị ủy Sơn Tây cần chỉ đạo xây dựng các vùng sản xuất tập trung căn cứ và phải có quy hoạch, quản lý theo đúng quy hoạch một cách chặt chẽ.
Đánh giá chung về kinh tế-xã hội của thị xã, Bí thư Thành ủy cho rằng, trong năm 2014, Sơn Tây đã có nhiều cố gắng, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đóng góp vào thành tích chung của Thủ đô. Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách (năm 2014 thu 186 tỷ đồng), chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thị xã chưa có đột phá; thu nhập bình quân đầu người, giá trị đạt được trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp chưa cao. Bí thư Thành ủy yêu cầu Thị ủy Sơn Tây tăng cường tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn. Có như vậy mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông nghiệp của thị xã với một số huyện khác của thành phố, thu hẹp khoảng cách phát triển của thị xã với nội thành; không để lãng phí tiềm năng, thế mạnh đang có.
Đặc biệt lưu ý về công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp, Bí thư Thành ủy yêu cầu Thị ủy Sơn Tây phải chỉ đạo sát sao công tác chuẩn bị, bảo đảm chất lượng đại hội. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, mỗi đảng bộ phải chọn cho được 3 người thường trực thật giỏi. Vì kinh nghiệm cho thấy, nếu thường trực cấp ủy tâm huyết, đoàn kết, sáng tạo thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo sẽ hiệu quả. "Nơi nào yếu, các đồng chí phải tập trung chỉ đạo, lựa chọn cho được bộ máy lãnh đạo. Nếu ở tại nơi đó không tìm được thì phải luân chuyển từ thị xã về hoặc từ xã khác sang"- Bí thư Thành ủy nêu rõ. Bí thư Thành ủy tin tưởng với tinh thần đoàn kết, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị xã sẽ đoàn kết, quyết tâm cao, xây dựng Sơn Tây phát triển ngày càng nhanh, mạnh và vững chắc hơn.