Thí điểm áp dụng công nghệ thu phí không dừng với ô tô
Kinh tế - Ngày đăng : 11:35, 10/03/2015
Công nghệ ETC được thí điểm áp dụng tại 3 trạm thu phí gồm Trạm Hoàng Mai, Trạm Km604+700 Quốc lộ (QL) 1 và Trạm Km1813+650 đường Hồ Chí Minh. Đây là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C do Hoa Kỳ phát triển, đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Công nghệ này có nhiều ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác gần như tuyệt đối và dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận.
Bộ trưởng GTVT kiểm tra mô hình trạm thu phí dừng tích hợp kiểm soát tải trọng phương tiện tại Quảng Bình. |
Để sử dụng dịch vụ này, chủ phương tiện sẽ được phát miễn phí một thẻ định danh (E-tag) để dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể dễ dàng nạp tiền bằng nhiều kênh khác nhau như lập trực tiếp, qua mạng internet, qua ngân hàng, thẻ cào, gửi tin nhắn bằng điện thoại… Sau khi xe đã được dán thẻ chạy vào làn thu phí, hệ thống nhận diện xe bằng công nghệ laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống ăng-ten sẽ phát tín hiệu để đọc thẻ E-tag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản thu phí của xe đủ điều kiện để qua trạm, các thanh chắn ba-ri-e sẽ được mở tự động để xe đi qua, đồng thời một tin nhắn SMS được gửi về số điện thoại đã đăng ký của chủ phương tiện thông báo xe vừa qua trạm.
Trường hợp tài khoản không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-tag, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ thu một dừng (MTC). Toàn bộ giao dịch thu phí tại trạm bao gồm ETC và MTC đều được chuyển về và lưu trữ trên trung tâm dữ liệu của hệ thống. Vào cuối mỗi ngày, doanh thu của từng trạm sẽ được đối soát và chuyển về tài khoản của nhà đầu tư BOT tương ứng thông qua hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng một cách chính xác, minh bạch. Tại bất kỳ đâu, thời điểm nào, các nhà đầu tư BOT hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có thể kiểm soát được thông tin dữ liệu này qua mạng internet. Cho đến thời điểm này, Ngân hàng BIDV và nhà đầu tư Tasco đã xây dựng xong hệ thống phần mềm cho toàn bộ nghiệp vụ thanh toán. Hệ thống đã được kiểm tra và sẵn sàng cho việc triển khai thực tế (sẽ triển khai ngay trong tháng 3-2015).
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, việc áp dụng công nghệ thu phí ETC và kiểm soát tải trọng xe trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nhằm bảo đảm yêu cầu cung cấp dịch vụ thu phí hiện đại, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát và hướng tới sự hài lòng cao nhất cho người tham gia giao thông. Cả hai hệ thống này đều được tích hợp đồng bộ với nhau và được kiểm soát bởi một trung tâm do Bộ GTVT quản lý. Hơn nữa, việc sử dụng hệ thống cân tự động còn góp phần tiết kiệm ngân sách do giảm lực lượng cán bộ hoạt động tại các trạm cân và mang lại hiệu quả cao hơn trong quá trình kiểm soát tải trọng xe.
Quan trọng hơn, việc áp dụng công nghệ thu phí điện tử và kiểm soát tải trọng xe được đưa vào sử dụng cho các tuyến đường bộ sẽ phát huy được các lợi ích về kinh tế-xã hội cho nhà đầu tư, các chủ phương tiện và các cơ quan quản lý đường bộ. Cụ thể: nhà đầu tư tránh được thất thoát, tiêu cực và tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí cho công tác in vé. Chủ phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thời gian lưu thông vì không phải dừng lại để trả tiền. Các cơ quan quản lý đường bộ không chỉ giảm được chi phí sửa chữa cầu đường mà còn tiết kiệm chi phí cho các trạm cân lưu động và nhân lực cho các trạm thu phí thủ công. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng góp phần giảm thiểu khí thải độc hại, tăng tuổi thọ động cơ phương tiện và giúp các cơ quan chức năng quản lý hiệu quả phương tiện. Sau quá trình thử nghiệm, Bộ sẽ xem xét nhân rộng cho tất cả cả tuyến đường bộ toàn quốc, bao gồm cả hệ thống đường cao tốc.