Đua nhau mua vàng cầu may

Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 10/03/2015

(HNM) - Bất chấp chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới ở mức hơn 4 triệu đồng/lượng, nhiều người vẫn đua nhau mua vàng để cầu may trong những ngày đầu năm…

Khách giao dịch tại cửa hàng vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Như Ý


Nếu trước đây người ta kỳ vọng giá vàng trong nước sẽ giảm để tiệm cận với thế giới thì nay có vẻ như khoảng cách giá vàng giữa 2 thị trường không còn được quan tâm vì nó hầu như không thay đổi. Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia đến nay, giá vàng trong nước vẫn ở thế ngất ngưởng so với giá thế giới. Mặc dù không ở mức đỉnh hơn 5 triệu đồng/lượng, nhưng khoảng chênh hiện nay lên tới 4 triệu đồng/lượng cũng không phải là nhỏ. Đã từng có thời kỳ độ chênh được kéo xuống dưới 3 triệu đồng/lượng nhưng mức này không duy trì được lâu.

Lý giải về tình trạng chênh này, nhiều chuyên gia cho rằng, tâm lý mua vàng làm tài sản bảo toàn vốn đã khiến vàng trở thành kênh lựa chọn "vua" so với nhiều kênh khác. Trong khi nước ta không thể sản xuất vàng, chủ yếu là nhập khẩu nên nếu người dân chỉ đầu tư vàng sẽ khiến một lượng lớn ngoại tệ sẽ phải đổ vào kênh này. Cơ quan chức năng càng thắt nhập khẩu vàng, không khuyến khích đầu tư khiến cầu vượt cung sẽ đẩy giá lên cao.

Nhìn lại chiều đi của giá vàng thời gian qua, giá trong nước không còn đi theo chiều của giá thế giới, nếu có cũng chỉ chịu tác động nhẹ. Trước đây, giá trong nước tăng hay giảm đều theo xu hướng chung, nhưng đó là thời kỳ giá trong nước chỉ cao hơn thế giới khoảng 400-500 nghìn đồng/lượng. Kể từ khi khoảng cách này bị nới rộng lên hơn 1 triệu đồng/lượng, rồi 3-5 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước không còn chịu ảnh hưởng nhiều của sự lên, xuống trên thị trường quốc tế. Sự tăng, giảm của kim loại quý này được quyết định bởi cung, cầu trên thị trường trong nước, tức là cầu càng lớn, giá trong nước càng tăng và ngược lại. Mất kiên nhẫn vào việc đợi giá trong nước tiệm cận với thế giới, thậm chí còn lo ngại giá sẽ tăng, nhiều người đã đi mua vàng, khiến vàng giao dịch tăng mạnh kể từ ngày giao dịch đầu tiên (mùng 6 Tết, tức ngày 24-2). Đại diện hầu hết cửa hàng đều cho biết, từ mùng 6 Tết đến nay thường xuyên trong tình trạng nườm nượp khách, không chỉ đông trong ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng).

Hiện nay giá vàng trong nước giao dịch phổ biến ở mức 35,3 triệu đồng/lượng (mua vào) - 35,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Có thời điểm giá leo lên gần 37 triệu đồng/lượng (bán ra), nhưng giá mua vào chỉ ở mức 34 triệu đồng/lượng do nhu cầu tăng quá cao. Trên thị trường thế giới, giá vàng duy trì ngưỡng 1.200 USD/ounce, trong nhiều ngày gần đây, nếu có biến động cũng chỉ loanh quanh mức này, giảm vài chục USD/ounce so với thời kỳ trước. Đồng USD có dấu hiệu tăng được coi là yếu tố khiến giá vàng thế giới đi xuống vì diễn biến của vàng thường ngược chiều so với USD. Khi giới đầu tư tập trung vào đồng USD, cũng có nghĩa kênh vàng bị lãng quên, kéo giá xuống thấp. Trong khi giá vàng thế giới không ngừng giảm, giá trong nước vẫn ngất ngưởng ở mức cao.

Mặc dù mức giá hiện nay là hợp lý so với thời kỳ cao nhất của giá vàng, 48 triệu đồng/lượng, nhưng so với các nước khác người dân trong nước vẫn đang phải mua vàng với mức quá đắt. Quy đổi ra VND, giá vàng thế giới thấp hơn trong nước hơn 4 triệu đồng/lượng. Nói về lý do vẫn lựa chọn vàng ngay cả khi giá trong nước vẫn quá cao, anh Đặng Ánh (Times City, Hà Nội) cho biết, giá trong nước không có cơ hội trở lại mức trước đây nên anh quyết định mua với lo ngại vàng trong nước sẽ còn bỏ xa thế giới. Nhiều người khác cũng có chung tâm lý này nên sẵn sàng mua vàng, chờ đợi giá sẽ tăng cao trong thời gian tới nhằm lướt sóng kiếm lời.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh vàng đổ lỗi cho chính sách thắt chặt nhập khẩu vàng khiến họ phải đẩy giá lên cao. Còn cơ quan chức năng lại cho rằng do người dân quá coi trọng vàng. Tuy nhiên, vì bất cứ lý do gì, người dân trong nước vẫn đang phải mua vàng với giá quá đắt, trong khi thực tế vàng chỉ được coi là một loại hàng hóa.

Đức Anh