Hiphop đâu chỉ là thú chơi đường phố

Văn hóa - Ngày đăng : 06:34, 10/03/2015

(HNM) - Vào tối ngày 12 và 13-3, tại Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội) diễn ra buổi công diễn tác phẩm kịch hiphop mới


- Đây có phải là lần đầu tiên Khánh Linh kết hợp với nghệ sĩ Raphael Hillebrand và những đối tác nghệ thuật từ nước Đức?


- Tôi may mắn làm việc với nhiều nghệ sĩ Đức thông qua các dự án của Viện Goethe Hà Nội từ năm 2003, 2004, khi mới đến với hiphop. Còn với Raphael, chúng tôi từng làm chung vở hiphop "Nhiều mặt" - tác phẩm công diễn vào năm 2008, từng được đưa đi lưu diễn tại nhiều nước trên thế giới. Có lẽ vì sự ăn ý trong sáng tạo mà lần này Viện Goethe tiếp tục mời tôi tham gia dự án "Connect", không chỉ với tư cách vũ công mà còn là biên đạo. Raphael là đạo diễn chính.

- Nghe nói tác phẩm "Connect - Kết nối" được phát triển từ một tiết mục rất được yêu thích của nhóm S.I.N.E?

- Ban đầu, đúng là chúng tôi có ý định đó, nhưng sau khi mời được nhạc sĩ Trí Minh và nghệ sĩ sân khấu của Đức Christian "Mio" Loclair tham gia thì ý tưởng mới bùng nổ, chúng tôi quyết định sáng tạo một tác phẩm hoàn toàn mới. "Connect" đề cập đến cuộc sống đáng báo động của những người trẻ trong thời đại kỹ thuật số. Họ bị thế giới ảo cuốn hút và chìm đắm trong đó. Chúng tôi muốn kéo họ trở về thế giới hiện thực, khơi gợi và cùng họ xây dựng cuộc sống chân thật và lành mạnh. Vở diễn cũng là nơi mà những người đang theo đuổi hiphop như chúng tôi giãi bày tâm tư và ước mơ của mình, tìm sự đồng cảm và chia sẻ của khán giả. "Connect" còn là sự kết nối nghệ thuật, giữa nhảy với âm nhạc điện tử do nghệ sĩ Trí Minh chơi trực tiếp và hiệu ứng ánh sáng 3D do nghệ sĩ Mio điều khiển.

- Thưa anh, dự án nghệ thuật này có sự khác nhiều so với những chương trình của S.I.N.E trước đây hay không?


- Ngôn ngữ tác phẩm là hiphop và múa đương đại. Với 8 diễn viên của S.I.N.E tham gia, họ đều là những vũ công hiphop hàng đầu nhưng về múa đương đại, ngoài tôi ra thì ít người được tiếp cận. Tôi và Raphael đã phải bỏ nhiều công sức để tập cho các bạn ấy, từ dáng đứng, bước đi và lối diễn nội tâm của múa đương đại.

- Một tiết mục hiphop diễn trong khoảng 5-10 phút đã là rất nặng, vở kịch này dài khoảng một tiếng, chỉ 8 diễn viên liên tục thực hiện thì liệu có quá sức hay không?

- Hiphop đúng ra phải gọi là hình thức lao động chân tay nặng nhọc, muốn thành công thì phải có đam mê và nỗ lực rất lớn. Anh em chúng tôi đã rèn luyện nhiều để duy trì được sự dẻo dai, nhịp nhàng. Cường độ rèn luyện trong thời gian này gấp nhiều lần trước đây nhưng các bạn vẫn rất hăng say. Hy vọng là chúng tôi sẽ đáp ứng được yêu cầu của vở diễn.

- Anh là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm nhảy Big Toes. Sau 10 năm làm nghề, tách nhóm và trở thành linh hồn của S.I.N.E, đến giờ anh đã sống được bằng nghề chưa?

- Hiện tôi "sống được" bằng hiphop, song không chỉ là biểu diễn mà còn là dạy cho thế hệ trẻ hơn tôi. Nhóm S.I.N.E có 30 thành viên, trong số này chỉ 3-4 người là không phải làm nghề khác để theo đuổi đam mê. Tập vở này, chúng tôi lên sàn từ 9h sáng đến 21h mới về, một số bạn phải bỏ công việc kiếm tiền. Tuy vậy, các bạn ấy đều chấp nhận để có cơ hội tham gia.

- Được tiếp cận với những nghệ sĩ hiphop từ các nước phát triển, chắc hẳn anh có kinh nghiệm dẫn dắt nhóm nhảy của mình?

- Ở Việt Nam, hiphop chưa được coi là môn chính thống trong các trường nghệ thuật, lại ít được đầu tư. Những người theo đuổi hiphop hầu hết là các bạn trẻ, còn non nghề. Đúng là so sánh với hiphop thế giới thì chúng ta còn kém xa, song không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Với S.I.N.E, chúng tôi đang tạo dựng một con đường riêng, cá tính riêng cho nhóm, xây dựng những tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi khắt khe về sự sáng tạo và đầu tư công sức. Chúng tôi muốn làm cho công chúng hiểu rằng hiphop không chỉ là nghệ thuật đường phố, mà là một môn nghệ thuật thực thụ.

- Cảm ơn Phạm Khánh Linh!

Thụy Du