Nhận biết sớm về bệnh sốt xuất huyết
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:51, 09/03/2015
Những ngày qua, các phương tiện truyền thông đăng tải nhiều thông tin về bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng. Vậy, xin hỏi bác sĩ, làm thế nào để nhận biết bệnh sớm nhất, cách phòng chống bệnh SXH cho trẻ như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Hà (đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội)
- Nguyên nhân gây bệnh SXH là virus Dengue, và muỗi vằn là nguồn lây bệnh. Người bị SXH, đặc biệt là trẻ em, nếu được phát hiện bệnh muộn thì dễ bị sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu gợi ý bệnh SXH nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Đó là khi trẻ sốt cao trên 2 ngày và có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau: Bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, đau bụng, ói nhiều, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống… Bệnh SXH nguy hiểm nhưng mọi người không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, phát quang nơi đọng nước để tránh muỗi lập ổ sinh sản. Đối với trẻ em (đối tượng dễ mắc bệnh), nên cho trẻ mặc quần áo dài tay khi thời tiết thay đổi thất thường, nhất là trong những ngày mưa, trẻ ngủ thì phải mắc màn cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ ở những nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp, đặc biệt là những nơi gần bể nước, cống rãnh ô nhiễm. Cần diệt ấu trùng muỗi, loại bỏ điều kiện để muỗi đẻ trứng. Nếu bị bệnh mà bệnh không có diễn biến nặng, người bệnh chỉ uống thuốc để hạ sốt, ngoài ra không được dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước mát hoặc nước trái cây để giải nhiệt, tránh ăn những thức ăn khó tiêu.