Thắp lửa cho những mùa Xuân Hồng
Đời sống - Ngày đăng : 16:14, 08/03/2015
Lễ hội Xuân Hồng đã sang đến mùa thứ 8. Lòng nhân ái - ý nghĩa duy nhất khiến cho lễ hội có sức lan tỏa và trở thành hoạt động diễn ra thường niên, thu hút hàng vạn người, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia.
Đỗ Sơn Tùng - một trong những thủ lĩnh vận động hiến máu của thanh niên Hà Nội |
Đối với cán bộ nhân viên Viện Huyết học Truyền máu Trung ương – một trong những đơn vị khởi xướng phong trào hiến máu nhân đạo, sau đó là Lễ hội Xuân Hồng, hoạt động hiến máu chào xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa từ 10 năm nay. Việc hiến máu đầu xuân đã trở thành quan niệm của cán bộ, nhân viên của Viện đó là được làm việc thiện, làm những điều may mắn đầu năm. Từ lãnh đạo Viện xuống tới các bác sĩ, nhân viên đã có tới vài chục lần hiến máu. Nhiều cán bộ nhân viên của Viện cảm thấy vui vì vẫn còn đủ sức khỏe để hiến máu, nhiều người cảm thấy thiệt thòi vì không được hiến máu.
Cùng với cán bộ nhân viên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội ra đời cách đây 21 năm, đã góp phần tuyên truyền, lan tỏa việc hiến máu nhân đạo trong toàn xã hội, làm nên thành công của 8 mùa Xuân Hồng. 21 năm thành lập, trải qua 3 kỳ lãnh đạo, nhưng thế hệ trước vẫn tiếp tục truyền lửa, thế hệ sau vẫn kiên trì học hỏi, phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ để nhân rộng thêm những nghĩa cử cao đẹp chứ không dừng lại ở trách nhiệm cộng đồng.
Đỗ Sơn Tùng, sinh viên năm thứ 3 Đại học Giao thông-Vận tải, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, đến với Hội từ năm 2011 sau một lần tình cờ tham gia hiến máu tại một chương trình hiến máu của Hội được tổ chức tại quận Thanh Xuân. Sau lần hiến máu đầu tiên, Tùng bắt đầu tham gia làm tình nguyện viên vận động mọi người cùng hiến máu. Đó cũng là lúc Tùng hiểu được làm thế nào để trò chuyện với người chưa từng quen biết, hiểu thế nào là vận động những người khác đem tình yêu thương đến với đồng loại – hiến những giọt máu của mình để cứu giúp người bệnh.
Tùng và các hội viên bàn kế hoạch tổ chức Lế hội Xuân Hồng 2015 |
Qua 4 năm tham gia, Tùng tích lũy cho mình khá nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên kinh nghiệm quan trọng nhất theo Tùng đó là một môi trường để học tập, rèn luyện dù rằng để có được nó Tùng phải dành phần lớn thời gian thậm chí cả tuổi trẻ của mình. Nhưng với Tùng đó là những “chi phí” vô cùng xứng đáng. Được tham gia vào một môi trường vô cùng năng động, được giao lưu học hỏi, thi đua với rất nhiều tình nguyện viên cũng là sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau. Phẩm chất quan trọng một tình nguyện viên không thể không có đó là phải không ngừng học hỏi trau dồi để có thể làm tốt công việc của mình. Điều đáng nói, tham gia vào hoạt động này, việc học tập của nhiều tình nguyện viện không bị sa sút thậm chí còn tốt hơn nhờ kỹ năng lập kế hoạch, sắp xếp công việc một cách khoa học.
Có thể nói tình nguyện viên hiến máu nhân đạo là hoạt động đặc thù so với rất nhiều hoạt động tình nguyện khác. Phải vận động, thuyết phục mọi người hiến những giọt máu trong cơ thể mình không phải là công việc dễ dàng. Với đối tượng là các bạn trẻ, việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều thuận lợi hơn, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp thực sự chưa hiểu rõ nên còn e dè, lo ngại; nhiều người tỏ ra không quan tâm, thậm chí bỏ đi. Tình huống này là thực tế chung đối với hầu hết các tình nguyện viện, còn họ coi đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều khiến các tình nguyện viên được cảm thấy động viên, khích lệ đó là hình ảnh những người mặc áo đỏ, cầm tờ rơi tuyên truyền về hiến máu phần nào đã để lại dấu ấn trong mắt của nhiều người: những thành viên của Hội máu.
Làm sao để có thể vận động được mọi người đồng ý đi hiến máu là yêu cầu cao nhất dành cho mỗi tình nguyện viên. Do vậy để có thể trở thành một tình nguyện viên vận động hiến máu không chỉ có lòng nhiệt huyết, cái tâm hướng thiện, mỗi người bằng sự hiểu biết với công việc, bằng kỹ năng giao tiếp và sự chân thành mới có thể làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người đối với việc hiến máu nhân đạo. Các bạn thanh niên, sinh viên, thậm chí có cả những người đang đi làm đều có thể tham gia hoạt động của Hội nếu vượt qua được quá trình “tuyển dụng” khá gắt gao: tham gia tuyên truyền vận động người hiến máu, tìm hiểu hoạt động của Hội sau khoảng 1-2 tháng; vượt qua vòng phỏng vấn nhỏ ở cấp đội, câu lạc bộ (nằm trong chi hội trực thuộc Hội); sau 3-6 tháng phải làm một bài kiểm tra viết và các kỹ năng như hát, quản trò, sinh hoạt cộng đồng, lập kế hoạch và quan trọng là điểm học tập ở trường tối thiểu đạt từ 6,5 trở lên. Để trở thành hội viên của Hội phải trải qua một thời gian từ 6-8 tháng rèn luyện.
Tiết mục khai mạc Lễ hội Xuân Hồng 2015 diễn ra sáng 8/3 tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Ảnh: website Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội) |
Với một quy trình làm việc như vậy, trong 21 năm qua, đặc biệt từ năm 2010 trở lại đây – thời điểm chuyển giao của Hội, cứ mỗi năm qua đi trung bình có khoảng 6.000-8.000 hội viên và khoảng 10.000-15.000 lứa tình nguyện viên được đào tạo. Với họ, xác định tham gia công tác tình nguyện mất nhiều hơn được, thứ mất đi là thời gian, là công sức, trí tuệ, tuổi trẻ nhưng tất cả đều có chung ý thức rằng họ phải có trách nhiệm để đưa Hội phát triển xa hơn.
Có thể nói rằng các mùa lễ hội Xuân Hồng, phong trào hiến máu nhân đạo sẽ không có sức lan tỏa lớn như vậy nếu thiếu vai trò của các tình nguyện viên. Vì vậy việc vận động được 1 người hiến máu, thậm chí đến nhưng không thể hiến máu vì lý do nào đó cũng là rất đáng quý. Nhưng cơ bản qua những người như vậy, việc tuyên truyền hiến máu sẽ được nhân rộng đến với những người khác.
Không thể nhớ nổi số người mà Tùng đã tuyên truyền, vận động; bao nhiêu địa điểm mà Tùng đã đến trong hơn 4 năm gắn bó với Hội, trải qua quá trình gian nan từ việc bắt chuyện với một người đi ngoài đường, làm sao để họ nghe mình nói, hiểu được vấn đề cho máu chỉ làm cho sức khỏe tốt hơn, sau đó thuyết phục đưa họ về hiến máu… Điều quan trọng mà vì nó Tùng vẫn muốn gắn bó với công tác tình nguyện chừng nào còn đủ sức lực để tiếp tục cống hiến đó là mọi người cùng hướng tới những điều thiện, việc thiện, không chỉ giới trẻ mà cả xã hội./.