Chủ động đối thoại sẽ giúp Đảng gần dân, để dân tin Đảng
Xã hội - Ngày đăng : 05:31, 08/03/2015
(HNM) - Hàng trăm vấn đề nhân dân bức xúc, băn khoăn, thắc mắc, phản ánh được người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lắng nghe, tiếp thu, giải đáp và có hướng xử lý, khắc phục. Qua đó, người dân thấy mình thực sự phát huy quyền làm chủ, còn công bộc thì hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng, các vấn đề trong dân để từ đó có sự điều chỉnh chính sách và cách làm cho phù hợp thực tiễn.
Cách chủ động đối thoại của người đứng đầu cấp ủy địa phương với nhân dân mà Đảng bộ huyện Phúc Thọ - cấp ủy đầu tiên của TP Hà Nội đang áp dụng - đã tạo được hiệu ứng tốt trong thời gian vừa qua. Sâu xa hơn, cách làm ấy đã giúp cấp ủy, chính quyền tránh được những cuộc đối thoại bắt buộc, thụ động để giải quyết tình huống khi vấn đề đã trở nên phức tạp. Hiệu quả và những kinh nghiệm bước đầu trong việc trực tiếp đối thoại với người dân đã được Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu chia sẻ với Báo Hànộimới.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu. |
Chủ động thực hiện khi có lợi cho dân, cho Đảng
- Theo Quyết định 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị, cấp ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy ở địa phương với nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế không phải bao giờ cán bộ cũng sẵn sàng đối thoại với dân. Lý do nào để Đảng bộ huyện Phúc Thọ chủ động thực hiện đối thoại với người dân?
- Tôi cho rằng, Quyết định 218-QĐ/TƯ (Quyết định 218) rất sát, đúng, nhất là trong tình hình hiện nay. Người dân thắc mắc, phản ánh, kiến nghị việc này, việc kia là chuyện hết sức bình thường. Nhưng nếu các vấn đề đó không được giải quyết kịp thời sẽ khiến nhân dân bức xúc. Về sâu xa, nơi này, nơi kia phải đối thoại thụ động, có nghĩa lúc đó tình hình trở nên phức tạp buộc cấp ủy, chính quyền phải đối thoại, giải quyết để an dân. Vậy thì, để tránh tình trạng này xảy ra, cấp ủy, chính quyền chủ động đối thoại, nghe dân phản ánh, từ đó tìm hướng giải quyết. Tác dụng của việc chủ động đối thoại là giải quyết các vấn đề khi chưa trở nên phức tạp. Quan trọng hơn là niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền, với người đứng đầu được củng cố. Trên thực tế, một số nơi cán bộ có biểu hiện xa dân. Khi chúng ta xa dân sẽ dễ dẫn tới nguy cơ mất dân, không hiểu được dân. Đối thoại chính là dịp gần dân, hiểu dân và từ đó giải quyết hiệu quả những vấn đề người dân quan tâm.
- Là cấp ủy đầu tiên của TP Hà Nội thực hiện đối thoại với dân theo tinh thần Quyết định 218, trong khi việc này chưa có tiền lệ, cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, đòi hỏi cán bộ phải sâu sát, am hiểu vấn đề. Vậy cơ sở nào để Huyện ủy triển khai?
- Xác định đây là việc khó, chưa có tiền lệ nên chúng tôi chủ động nghiên cứu tình hình địa phương để xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại với dân, đồng thời thống nhất trong Thường vụ Huyện ủy quan điểm: Những vấn đề nhân dân nêu, tùy theo tính chất, mức độ phải từng bước tháo gỡ. Có vấn đề giải quyết được ngay, nhưng cũng có vấn đề cần có thời gian để giải quyết như kiến nghị xây dựng trường học, trạm y tế, đường liên xã, sửa chữa đình, chùa không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai vì còn phụ thuộc vào nguồn vốn và theo chủ trương chung của thành phố hay việc sông hồ, làng nghề bị ô nhiễm cũng khó có thể giải quyết trong 1-2 tháng. Nhưng dù là vậy, cũng phải có lộ trình cụ thể để giải quyết.
- Cách thức thực hiện việc đối thoại với dân của huyện Phúc Thọ như thế nào, thưa đồng chí?
- Nhằm bảo đảm mỗi người dân đều được tham gia đóng góp ý kiến, nêu kiến nghị, đề xuất trực tiếp, Huyện ủy giao Đảng ủy các xã, thị trấn, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội chịu trách nhiệm thông báo mục đích, hình thức đối thoại, tập hợp toàn bộ ý kiến của nhân dân. Kết quả là chúng tôi đã thu được hàng nghìn ý kiến của nhân dân 23 xã, thị trấn, chia thành gần 20 nhóm vấn đề, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác cán bộ và nội vụ; phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; quản lý đất đai; tài nguyên - môi trường; quản lý đô thị, xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng; chính sách xã hội; giáo dục - đào tạo; văn hóa - thể thao; an ninh trật tự… Sau đó, Thường trực Huyện ủy họp với các phòng, ngành nghiên cứu phương án trả lời, báo cáo với nhân dân, chẳng hạn như việc đó vì sao chưa làm, khi nào sẽ làm và làm như thế nào… Bản thân chúng tôi cũng phải nghiên cứu sâu từng vấn đề để có thể trực tiếp trả lời những câu hỏi của nhân dân. Tôi cho rằng, đây là dịp tốt để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có được lượng thông tin quý giá về những vấn đề của cơ sở, những trăn trở, băn khoăn cùng mong muốn, kỳ vọng của nhân dân. Sau khi các ngành trả lời xong, chúng tôi họp lần nữa bàn từng vấn đề, thậm chí là chất vấn các ngành, tại sao việc này giải quyết chậm, vì sao lại để dân kêu…
- Thái độ của người dân trong các cuộc đối thoại như thế nào, thưa đồng chí?
- Từ 23 xã, thị trấn, chúng tôi chia làm hai đợt đối thoại, đợt một gồm 11 xã được tổ chức tại hội trường UBND xã Hát Môn; đợt hai gồm 12 xã, thị trấn còn lại được tổ chức tại trụ sở UBND xã Phụng Thượng. Hai buổi đối thoại được truyền thanh trực tiếp đến nhân dân trong toàn huyện và được Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá diễn ra khá thành công, nhìn chung được dư luận đánh giá tốt. Người dân hưởng ứng, nêu nhiều câu hỏi, ý kiến phong phú. Nhiều người viết tới vài trang giấy về các vấn đề phản ánh, kiến nghị. Có thể nói, đây là dịp tổng hợp ý kiến đầy đủ, toàn diện và thẳng thắn nhất tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Không khí cuộc đối thoại rất cởi mở, nhân dân rất thẳng thắn trao đổi, nói lên ý kiến của mình, cụm dân cư mình. Điều đó cho thấy, nhân dân rất mong chờ những cuộc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy. Có bác phản ánh, việc làm thủ tục về đất đai bị chậm 6 ngày so với quy định. Sau khi kiểm tra đúng như phản ánh, bản thân tôi phải xin lỗi bác về sự không đúng hẹn của bộ phận “một cửa”, đồng thời yêu cầu văn phòng phải có văn bản, thư nói rõ lý do không đúng hẹn, dù là khách quan hay chủ quan đều phải xin lỗi dân.
- Đối với cá nhân đồng chí và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện, việc đối thoại với dân có ý nghĩa như thế nào?
- Có thể coi việc đối thoại là thước đo tâm trạng của nhân dân. Điều này rất cần trong quá trình lãnh đạo, quản lý. Qua đối thoại, chúng tôi thấy rõ hơn nhân dân đang quan tâm gì, bức xúc gì, hài lòng việc gì. Khi mà dân còn nói với cấp ủy, chính quyền có nghĩa dân rất tin yêu Đảng. Đối thoại chính là dịp để nhân dân đề xuất, bày tỏ mong muốn, hiến kế và đây còn là kênh giám sát quan trọng. Trong những ý kiến của nhân dân, hiểu sâu xa đó chính là nhân dân hiến kế. Không ít trường hợp, sự hiến kế của người dân có giá trị phục vụ công tác cán bộ hơn cả những kênh khác. Mặt khác, qua những câu hỏi, chất vấn, kiến nghị người dân nêu lên, các phòng, ngành thấy rõ trách nhiệm của mình để chăm lo giải quyết những vấn đề được giao một cách khẩn trương, không thể làm qua loa, lấy lệ. Cũng qua đối thoại đánh giá được chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, cái gì được, cái gì chưa được để có thể phát huy hoặc điều chỉnh. Lâu nay, nhiều nơi phải tổ chức đối thoại thụ động với dân để giải quyết điểm nóng, giải quyết tình huống. Tôi tin chắc rằng, nếu tổ chức tốt việc đối thoại chủ động sẽ không còn phải đối thoại thụ động để giải quyết tình huống phức tạp nữa.
Sát hạch bản lĩnh, năng lực và phẩm chất cán bộ
- Sau hai cuộc Bí thư Huyện ủy đối thoại với dân, Phúc Thọ tiếp tục tổ chức cho Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn đối thoại với dân. Kết quả cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?
- Kết thúc hai cuộc đối thoại của Bí thư Huyện ủy với dân, chúng tôi đã đánh giá, rút kinh nghiệm và chỉ đạo triển khai hoạt động này ở cấp xã trong tháng 11-2014. Khi ấy, tôi đã thẳng thắn trao đổi với bí thư các xã, thị trấn rằng, sẽ có địa phương vấn đề nhân dân phản ánh còn phức tạp hơn trên huyện. Người dân theo dõi rất sát cán bộ địa phương. Nếu trong quản lý, điều hành, cán bộ địa phương xử lý không khách quan, nhất là những việc liên quan đến người thân… không cẩn thận buổi đối thoại trở thành dịp để dân “tố tội” cán bộ. Muốn như vậy, cán bộ phải khách quan, công tâm, phải làm được việc, phải vì dân. Vì thế, đây là dịp bí thư các xã, thị trấn thấy được trách nhiệm, bản lĩnh của mình. Tôi đã rất thẳng thắn: Thông qua đối thoại với dân, đến đại hội Đảng nhiệm kỳ tới, các đồng chí sẽ thấy mình có nên làm bí thư nữa hay không?… Về cơ bản, các buổi đối thoại của bí thư đảng ủy xã, thị trấn với nhân dân đạt được yêu cầu đề ra.
- Để nhân dân nói ra những khúc mắc, phức tạp phát sinh từ cơ sở là một thành công mà Phúc Thọ đã làm được thông qua những cuộc đối thoại từ cấp huyện đến xã. Tuy nhiên, điều mà nhân dân quan tâm hơn cả là sau đối thoại, vấn đề của họ có được giải quyết?
- Toàn bộ ý kiến nhân dân phản ánh, kiến nghị qua đối thoại đều được tổng hợp, Huyện ủy giao nhiệm vụ cho UBND huyện, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, lộ trình để giải đáp, khắc phục, giải quyết. Định kỳ 3 tháng/lần, UBND huyện phải báo cáo Thường trực Huyện ủy về kết quả giải quyết các vấn đề nhân dân nêu. Đến nay, đã có nhiều vấn đề nhân dân phản ánh được giải quyết ngay. Ví dụ, các hộ dân ở xã Tích Giang phản ánh, đoạn đường 32 bị một số hộ dân lấn chiếm nhiều năm, xây nhà kiên cố 2-3 tầng để ở và bán cây cảnh, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện xử lý, giải quyết triệt để 30 trường hợp vi phạm. Hay một số xã phản ánh tình trạng rác thải bừa bãi, chúng tôi yêu cầu Phòng Tài nguyên - Môi trường xuống kiểm tra, phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Sơn Tây chấn chỉnh, đưa hoạt động này đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, Huyện ủy cũng chú trọng đến công tác quản lý, điều hành, công tác cán bộ, trong đó có cả việc đổi đảo những cán bộ yếu sau khi nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân.
- Trong các hội nghị thăm dò dư luận gần đây, những vấn đề bức xúc hay nói cách khác “độ nóng” các vấn đề người dân trên địa bàn huyện phản ánh đã giảm nhiều. Phải chăng đây là hiệu quả của việc đối thoại với dân?
- Tôi nghĩ rằng, nhận xét của người dân là chính xác nhất. Tại xã Liên Hiệp - xã phức tạp nhiều năm liền, đến nay công tác dồn điền, đổi thửa cơ bản xong. Nhiều người dân nói, biết thế chúng tôi đã dồn điền đổi thửa cách đây mấy năm rồi. Nếu cán bộ không có vấn đề cấn cá thì việc điều hành, triển khai các chính sách đến người dân rất thuận lợi. Lâu nay, có những việc chúng ta chưa làm được vì “vướng” từ người chỉ đạo, chứ lòng dân luôn đồng thuận, nhất là những việc có lợi cho dân.
- Lợi cho Đảng, cho dân, nhưng không phải cán bộ nào cũng sẵn sàng đối thoại, chưa nói có trường hợp ngại đối thoại với dân. Vậy, cơ chế nào để bắt buộc người đứng đầu phải đối thoại với dân?
- Theo Quyết định 218, bắt đầu từ năm 2014, hằng năm người đứng đầu cấp ủy đều phải đối thoại với dân. Tuy nhiên trên thực tế hiện nhiều nơi còn lúng túng trong cách làm, ngay cả ở Phúc Thọ cũng vậy. Do đó, trước hết, cần có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quyết định 218 và quan trọng là cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải quyết tâm thực hiện.
Từ hiệu quả cụ thể của công tác này, hiện Huyện ủy Phúc Thọ quyết định ban hành chỉ thị về việc tổ chức đối thoại với dân. Theo đó, không chỉ đối thoại của cấp ủy mà còn tổ chức đối thoại giữa chính quyền và người dân. Định kỳ 3 tháng/lần, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện sẽ xuống các xã đối thoại và kèm theo đó là các buổi đối thoại theo chuyên đề, theo nhóm vấn đề người dân bức xúc. Tôi lấy ví dụ, mới đây, ngày 22-1-2015, Chi bộ 1, Đảng bộ thị trấn Phúc Thọ gửi một báo cáo nêu 8 vấn đề cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm về an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường, xử lý vi phạm đất đai, giải phóng mặt bằng… để đồng chí Bí thư nghiên cứu cùng tham dự sinh hoạt với chi bộ. Tôi quyết định thay vì xuống dự họp với chi bộ bằng việc tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân ở đây để tháo gỡ, giải quyết vướng mắc. Ngày 4-3, tôi đã họp với các ngành để chuẩn bị cho cuộc đối thoại và sang tuần tôi cũng sẽ đi thị sát trước khi đối thoại.
Tôi nghĩ rằng, đối với các điểm bức xúc, cấp ủy, chính quyền chủ động, kịp thời tổ chức đối thoại với người dân, sau đó tập trung tìm giải pháp tháo gỡ thì tình hình sẽ nhanh chóng ổn định và có những chuyển biến tích cực.
- Cảm ơn đồng chí về nội dung trao đổi!