Bình đẳng giới phải từ nhận thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:27, 08/03/2015
Những Hai Bà Trưng, "phất cờ nương tử thay quyền tướng quân", Bà Triệu "... Muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ngoài Biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ..." đã tạc vào lịch sử ý chí bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, khiến nhiều đấng tu mi nam tử phải cúi đầu "luống thẹn". Rồi những người mẹ, người vợ, người chị... "Ba đảm đang" đã trở thành điểm tựa cho những người chồng, người con, người em... bước vào các cuộc chiến tranh vệ quốc để có non sông ngàn thuở hôm nay. "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", phụ nữ Việt Nam là vậy, xưa như vậy và ngày nay vẫn vậy.
Mấy trăm năm Khổng Nho với "tam tòng", "tứ đức", phẩm chất người phụ nữ Việt Nam vẫn rạng ngời, nhưng vị thế vai trò xã hội thì đúng như một câu ca dao khắc họa: Thân em như con hạc đầu đình, muốn bay không cất nổi mình mà bay. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa". Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện để chị em phát triển toàn diện như các nghị quyết, chỉ thị về công tác quần chúng, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác cán bộ nữ... Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã quy định rất rõ về nam nữ bình đẳng. Và thực tế, những thành tựu đổi mới đã và đang tạo ra những tiền đề quan trọng để phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội thực hiện quyền bình đẳng ấy.
Theo một số liệu thống kê, phụ nữ chiếm 51% dân số cả nước, 50% lực lượng lao động... Chị em có mặt ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt trên mặt trận kinh tế nóng bỏng hiện nay, phụ nữ tỏ ra không kém gì nam giới. Mặc dù công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ trong đời sống xã hội đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, khoảng cách giữa cánh mày râu và "một nửa của thế giới" vẫn tồn tại trong thực tế. Nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn những định kiến, phân biệt đối xử trong tuyển dụng, bố trí việc làm, do vậy, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ vẫn có xu hướng cao hơn nam giới. Đáng nói hơn, tại nhiều doanh nghiệp, công việc của phụ nữ thường không ổn định, thu nhập bình quân của chị em ít hơn nam giới dù làm một công việc như nhau...
Sở dĩ có các hiện tượng nêu trên là do nhiều nơi, nhiều lúc, các chế độ, chính sách của Nhà nước ban hành chưa được triển khai đồng bộ. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự quan tâm đến cán bộ nữ. Tuy nhiên, như nhận định của một cán bộ nữ: Thực tế vẫn còn nhiều chị em chưa có ý thức vươn lên để nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ quản lý..., thậm chí còn biểu hiện tư tưởng hẹp hòi, định kiến, níu kéo nhau. Một điều nữa không thể không nói là thiên chức làm mẹ, làm vợ và gánh nặng gia đình cũng là yếu tố cản trở sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam... Và như vậy, có thể thấy bên cạnh các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, năng lực chủ quan cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để chị em tự "giải phóng" mình.
Tóm lại, vì sự tiến bộ của phụ nữ phải bắt đầu từ nhận thức - nhận thức của toàn xã hội, nhận thức của chính chị em và đặc biệt là của những đấng mày râu. Lịch sử đã ghi nhận vai trò của phụ nữ đối với sự hình thành và phát triển của đất nước, nhưng một khi những đấng tu mi nam tử vẫn còn tư duy kiểu "Hôm nay mồng tám tháng ba, tôi giặt cho bà chiếc áo của tôi" thì bình đẳng giới vẫn là cả vấn đề.