Cái tâm của bà giáo

Giáo dục - Ngày đăng : 05:26, 08/03/2015

(HNM) -

Các thế hệ học sinh chúc mừng bà giáo Nguyễn Thị Hiền (người đứng giữa) nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.


Sự tự tin của học sinh là đích cao nhất

Lần đầu tiếp xúc, chúng tôi không nghĩ bà đã ngoài 70 tuổi. Đôi mắt sáng, thần thái linh hoạt, giọng nói ấm áp, bà kể chúng tôi nghe về công việc hằng ngày của mình. Dù căn bệnh ung thư hành hạ đã hơn 6 năm, nhưng không một ngày nào bà xa lũ học trò nhỏ. Vừa thức giấc, bà đã nghĩ ngay trong đầu những công việc cần làm trong ngày. Đặt chân tới trường, việc đầu tiên bao giờ cũng là quan sát một lượt toàn trường xem có chỗ nào cần chấn chỉnh. Là người ngăn nắp, bà không chấp nhận những gì xuề xòa, dù chỉ là chiếc chổi để không đúng vị trí. Theo bà, làm gì đi chăng nữa thì cũng phải chuẩn chỉ, có thế mới hình thành tác phong làm việc khoa học và chuyên nghiệp.

Bà nói: "Tôi không thích hợp với việc ngồi yên tại văn phòng. Hơn nữa, công việc của nhà quản lý buộc mình phải quán xuyến mọi việc". Sự quán xuyến của bà giáo bắt đầu từ việc ăn, việc học của học trò, chuyện lên lớp, chuyện gia đình của thầy cô cho tới việc đối ngoại, hợp tác vì sự phát triển của nhà trường... Hết giờ hành chính, bà tranh thủ kiểm tra hòm thư điện tử, nắm thông tin phản hồi từ các bậc phụ huynh; lên mạng internet kiểm tra các thông tin chỉ đạo của ngành… Các thầy cô lo lắng sức khỏe của bà giáo đem lời góp ý, bà nói "còn sức, còn phải làm". Sự cần mẫn, chuyên tâm, tình yêu dành cho lũ học trò nhỏ của bà giáo là một tấm gương để các thầy, cô giáo nhìn vào học tập, thêm nỗ lực cống hiến. Thế nên, trong gần 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên có rất nhiều người đã chung sức cùng bà giáo gây dựng ngôi trường từ những ngày đầu tiên.

Trước khi được giao nhiệm vụ xây dựng đề án thành lập trường tiểu học dân lập trên cơ sở các lớp thuộc dự án Dạy tăng cường tiếng Pháp của Trường Phổ thông bán công chuyên ngoại ngữ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hiền là giáo viên tiếng Nga của Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Ngoại ngữ). Có cơ hội nhưng chưa có kinh nghiệm quản lý, cơ sở vật chất không có, người phụ nữ này đã "cắp tráp" đi học các hiệu trưởng trường bạn, huy động sự ủng hộ của bạn bè, sau đó mạnh dạn áp dụng nhiều mô hình giáo dục mới đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế. "Đi ra nước ngoài, tôi thấy, người Việt Nam mình cần cù, chịu khó nhưng hay mặc cảm vì vốn ngoại ngữ ít. Đó là lý do thôi thúc chúng tôi mạnh dạn dạy tiếng Anh, tiếng Pháp cho học sinh ngay từ lớp 1 để các em trở thành những học sinh có kiến thức toàn diện, những công dân toàn cầu" - bà Nguyễn Thị Hiền cho biết. Từ quan điểm đó, nhà trường chú trọng tới ba yếu tố: Giáo trình tốt, giáo viên tốt, môi trường tốt. Và, sau 18 năm, một trong những trường dân lập đầu tiên đã chứng minh được hướng đi đúng.

Là một trong những trường đầu tiên thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục, cũng có lúc dư luận chưa hoàn toàn ủng hộ và cho rằng đó là việc "kinh doanh giáo dục". Không phủ nhận, bà Nguyễn Thị Hiền quả quyết: "Tôi có thể tự hào nói rằng, chúng tôi đang kinh doanh giáo dục, có thu tiền của phụ huynh học sinh, có nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước…". Theo bà: "Nếu kinh doanh lành mạnh, mang lại hiệu quả tốt thì xã hội được lợi rất nhiều. Sự khác biệt ở đây, sản phẩm của các ngành nghề kinh doanh khác là vật vô tri, vô giác còn sản phẩm "kinh doanh giáo dục" chính là con người, các thế hệ học trò - tương lai của đất nước. Điều đó không cho phép chúng tôi làm hỏng, nếu làm hỏng là chúng tôi có tội với học trò, có tội với đất nước. Vì thế, nguyên tắc kinh doanh của chúng tôi là quyền lợi của học sinh phải đặt lên trên". Chính nguyên tắc này đã giúp người phụ nữ đam mê với sự nghiệp "trồng người" mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới trong giảng dạy để đạt mục đích. "Cái đích cao nhất mà chúng tôi hướng tới không phải là tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt bao nhiêu phần trăm, giành được bao nhiêu giải mà quan trọng là gương mặt của các em luôn tự tin trong bất kỳ môi trường nào" - bà Nguyễn Thị Hiền nói.

Phụ nữ thành đạt không chỉ có sự nghiệp

Khi nói về Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, đồng nghiệp luôn bày tỏ sự cảm phục. Trường vừa đi vào hoạt động được hơn một năm, mọi việc còn đang bộn bề thì bà nhận tin dữ - cô con gái yêu quý đã không qua khỏi vì căn bệnh hiểm nghèo. Mất mát, đớn đau, có lúc bà muốn rũ bỏ tất cả, chính những ánh mắt của lũ học trò nhỏ và những người thân trong gia đình đã giúp bà vượt qua tất cả. Nhưng dường như ông trời luôn muốn thử thách nghị lực của người phụ nữ này, sau đó vài năm, bà mắc bệnh về xương khớp và tiếp đó là căn bệnh ung thư. Khó kể hết những thử thách, nhưng mỗi giai đoạn qua đi, nghị lực của bà giáo như được nhân lên để bà tiếp tục gắn bó với trường lớp, với lũ học trò. Bên cạnh sự tài năng mà ai cũng biết đến, đồng nghiệp còn kính trọng, khâm phục ở bà bởi "cái tâm" dành cho sự nghiệp giáo dục, đó cũng là "liều thuốc" giúp bà không biết đến mệt mỏi.

Những lúc rảnh rỗi, bà thường nói chuyện với các nữ giáo viên trẻ về chuyện đời, chuyện nghề. "Hãy đam mê, yêu và trách nhiệm với nghề" là những gì bà muốn nhắn nhủ với các cô giáo trẻ. Từ kinh nghiệm đúc kết sau hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học, bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng, người phụ nữ để thành đạt phải trải qua nhiều khó khăn so với nam giới. Vì ngoài công việc, phụ nữ còn trách nhiệm của người vợ, người mẹ, người bà. Và, khi đánh giá người phụ nữ thành đạt cần phải đánh giá cả sự thành công, hạnh phúc trong gia đình. Gia đình hạnh phúc chính là nền tảng, là tiền đề mang tới sự thành đạt trong công việc cho phụ nữ. Triết lý ấy đã giúp bà giữ "tròn vai" trong mọi lúc, mọi nơi. 12 giờ ở trường chuyên tâm cho công việc, về nhà là dành hết tâm trí cho gia đình. Có lẽ vì vậy mà ngôi nhà gồm 3 thế hệ cùng sinh sống của bà luôn ấm áp và tràn ngập tiếng cười. Bà giáo Hiền thường nói với mọi người: "Chả ai bắt tôi làm việc, nhưng cái nghiệp cứ đưa đẩy mình phải gắn bó với nghề. Sau này, sức khỏe không cho phép, mình cũng rất mãn nguyện vì được trở về với một gia đình hạnh phúc".

Vượt qua sóng gió trong cuộc sống riêng và sự nghiệp, đến nay nữ nhà giáo hơn 70 tuổi đời Nguyễn Thị Hiền có thể nói về mình với hai chữ "thành công". Thành công của bà không chỉ là thực hiện hiệu quả mô hình trường dân lập, đóng góp tích cực cho chủ trương xã hội hóa giáo dục của TP Hà Nội; tạo việc làm, môi trường làm việc tiên tiến, thu nhập cao cho gần 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trang bị cho nhiều thế hệ học sinh kiến thức toàn diện, sự tự tin để hội nhập mà còn là việc tạo dựng một gia đình hạnh phúc. "Phụ nữ sẵn sàng hy sinh nếu ta tạo cho họ cơ hội". Từ một cơ hội, bà Nguyễn Thị Hiền đã nỗ lực không ngừng để dựng xây một trường dân lập danh tiếng giữa Thủ đô. Một bài viết không thể nói hết sự hy sinh, cống hiến của nữ Nhà giáo ưu tú, Công dân Thủ đô ưu tú này. Chỉ biết rằng, những nỗ lực của bà đã và đang được đền đáp bằng nhiều lứa quả ngọt. Và hôm nay, trong Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, có nhiều đồng nghiệp và học sinh gửi lời chúc mừng, cầu mong cho bà luôn mạnh khỏe để tiếp tục chèo lái con thuyền mang tên "Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm". 

Bình Yên