Nghệ sĩ Hoàng Tùng: Hành trình tìm đường cho kịch câm
Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 07/03/2015
- Kịch câm là môn nghệ thuật vắng bóng trên sân khấu Việt Nam quá lâu nên thật bất ngờ khi thấy Hoàng Tùng mang trở lại, anh theo đuổi bộ môn này lâu chưa?
- Tôi yêu kịch câm từ khi còn nhỏ và tình yêu ấy đã lớn dần khi tôi gia nhập Đoàn kịch Thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ. Tôi mê mẩn những động tác kinh điển của nghệ sĩ Marcel Marceau, tư duy hiện đại của nghệ sĩ Iimuro Naoki. Tôi muốn xem kịch câm ở Việt Nam nhưng không có, các nghệ sĩ đi trước như Phúc Dzỹ, Kế Đoàn, Bích Ngọc đã lâu không diễn kịch câm nữa. Thế là tôi quyết định học, tự học qua băng đĩa, sách, tài liệu đặt mua ở nước ngoài. Thường sau mỗi buổi tập của Đoàn kịch Thể nghiệm, tôi ở lại và một mình tập kịch câm, rất nhiều năm như thế. Tôi cũng yêu niềm vui, tiếng cười của những thành viên trong gia đình khi tôi đem những động tác kịch câm vào sinh hoạt đời thường để nhiều người tiếp cận, tôi biết họ sẽ thấy yêu thích và bị cuốn hút.
- Kịch câm của Hoàng Tùng như thế nào?
- Là một nghệ sĩ, sáng tạo mang dấu ấn cá nhân là cần thiết. Hơn nữa, tôi đem kịch câm trở lại sân khấu không chỉ là bảo tồn một môn nghệ thuật đã bị lãng quên mà muốn nó sống với hơi thở của thời đại hôm nay. Bởi vậy, những tiểu phẩm, tiết mục kịch câm của tôi có tiết tấu nhanh, phản ánh bối cảnh xã hội Việt Nam đương thời như tiệc buffet, tự sướng chụp ảnh, chiếc mặt nạ giả tạo…
- Hai buổi diễn hồi tháng 2 vừa qua, khán đài vẫn nhiều chỗ trống, tại sao anh vẫn tiếp tục thực hiện nhiều đêm diễn nữa?
- Sau hai buổi diễn vừa rồi tôi lại cảm thấy hào hứng hơn trên con đường nghệ thuật này. Khán giả không kín chỗ nhưng ai đã đến đều ở lại xem đến cùng, vỗ tay cổ vũ rất nhiệt tình sau mỗi tiểu phẩm. Tôi nhìn thấy rất nhiều khán giả trẻ và cả những người nước ngoài. Sau buổi diễn đầu, trời mưa, tôi gặp một bạn trẻ vẫn nán lại, tưởng là đợi ngớt mưa nhưng bạn ấy chạy lại cảm ơn tôi vì "Em không thể tưởng tượng được kịch câm lại hay và xúc động đến thế. Em phải viết ngay đưa lên mạng, không kìm được!". Có những khán giả như thế tôi càng có nhiều động lực theo đuổi. Lại thêm việc nhận được nhiều phản hồi trên mạng xã hội, mong được xem kịch câm nhiều nữa…
- Tự học kịch câm rõ ràng có nhiều hạn chế, anh có mong muốn được đi học hỏi thêm ở các nước tiên tiến?
- Nghệ thuật kịch câm luôn luôn phát triển, kịch câm hiện đại khác xa kịch câm cổ điển, mà những nghệ sĩ ở Việt Nam trước đây cũng chỉ diễn kịch câm cổ điển. Trong chuyến đi Nhật Bản tập huấn cùng các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ năm ngoái, tôi được trực tiếp học hỏi nhiều điều từ nghệ sĩ Iimuro Naoki. Tôi càng khao khát được đi học ở môi trường tiên tiến. Tôi đang tìm kiếm cơ hội.
- Theo anh, tại sao kịch câm của Việt Nam lại không phát triển và gần như mất hút?
- Con người là yếu tố quyết định, nên căn bản là vì không có nghệ sĩ biểu diễn. Hiện nay tôi gần như là cô độc theo đuổi môn nghệ thuật này. Tôi cũng đã tìm kiếm người đồng hành cùng chung đam mê nhưng chưa thấy. Một số bạn theo tập nhưng rồi bỏ cuộc, có lẽ là chưa đủ nhiệt huyết và đam mê. Cái nghề không lời này, chỉ diễn bằng hình thể và tâm hồn, mồ hôi công sức bỏ ra tập luyện khó ai có thể thấu được. Tôi nghĩ mình sẽ tìm người đồng hành theo một cách khác, thông qua chính bản thân mình, bằng những đêm diễn thành công, nhận được sự ủng hộ của khán giả, biết đâu lửa sẽ được truyền... Đấy là nỗ lực của bản thân tôi, còn để môn nghệ thuật này phát triển đương nhiên cần sự đầu tư về nguồn lực, nuôi hạt giống từ các cơ quan nhà nước.
- Cảm ơn nghệ sĩ!