Phải giải quyết dứt điểm vướng mắc

Công nghệ - Ngày đăng : 06:20, 07/03/2015

(HNM) - Sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định 115/2005/NĐ-CP


Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc do UB KH,CN và MT tổ chức ngày 6-3, về Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu phải tháo gỡ bằng được những vướng mắc khiến cơ chế nói trên chưa thể đi vào cuộc sống.

Khó vì văn bản pháp lý thiếu đồng bộ

Tại hội nghị, Bộ KH&CN cho biết, kể từ năm 2005 tới nay, với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho tổ chức KH&CN công lập, nhất là các quyền về thực hiện nhiệm vụ, về tài chính và tài sản, về tổ chức bộ máy và nhân lực, nhiều tổ chức KH&CN đã chuyển đổi thành công. Tuy nhiên, trong số 642 tổ chức công lập, có 488 tổ chức đã được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ và còn tới 154 tổ chức chưa được phê duyệt đề án mặc dù NĐ 115 quy định hạn cuối cùng là ngày 31-12-2013.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quốc Khánh, việc thực hiện cơ chế tự chủ gặp khó khăn do một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ quy định của NĐ nên đã áp dụng không đúng đối tượng thực hiện cơ chế. Có địa phương chưa phê duyệt được đề án nào. Một số tổ chức đã được phê duyệt đề án sang loại hình tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng vẫn được cơ quan chủ quản bao cấp kinh phí hoạt động thường xuyên.

Nhìn chung, việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về định mức và phương thức cấp tiền lương, tiền công, tiền chi hoạt động bộ máy trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cũng như hướng dẫn tổ chức KH&CN công lập góp vốn bằng tiền, tài sản giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ để thực hiện các hoạt động KH&CN, hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc thế chấp vay vốn ngân hàng theo quy định tại NĐ 115.

Không chỉ do sự chậm trễ của việc ban hành văn bản, các tổ chức KH&CN muốn tự chủ gặp khó khăn còn do sự thiếu đồng bộ, xung đột của các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. NĐ 115 cho phép tổ chức KH&CN công lập được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng. Nhưng trên thực tế không thực hiện được, bởi theo quy định của Luật đất đai, các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Quyền tự chủ về nhân lực cũng không thể thực hiện do theo Luật Viên chức, Bộ Nội vụ mới có quyền phê duyệt vị trí việc làm. Quy định tại Luật Cán bộ, công chức cũng cản trở chính sách thu hút chuyên gia người Việt ở nước ngoài hoặc chuyên gia nước ngoài do chỉ cho phép công dân Việt Nam giữ vị trí đứng đầu và cấp phó đơn vị sự nghiệp công lập. Quy định tại NĐ 115 cũng chưa có khác biệt đáng kể giữa quyền tự chủ đối với tổ chức tự trang trải và tổ chức chưa tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, gây sự bất bình đẳng giữa các tổ chức KH&CN. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự hạn chế về tiềm lực của các tổ chức KH&CN.

Hoàn thành chuyển đổi trong năm 2015


Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, Bộ KH&CN đã đề nghị Quốc hội và Chính phủ có chế tài xử lý đủ mạnh đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc quy định của NĐ 115. Bên cạnh đó là yêu cầu sửa đổi một số quy định của Luật đất đai 2013, Luật Cán bộ công chức để khơi thông những vướng mắc đã đề cập. Các bộ Tài chính, Nội vụ và Bộ KH&CN cần phối hợp, khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn thay thế các văn bản đã lạc hậu có nhiều bất cập. Lãnh đạo Bộ KH&CN cũng đề nghị cần kiên quyết sáp nhập, giải thể những tổ chức KH&CN yếu kém về năng lực hoạt động.

Góp ý kiến về những giải pháp để thực hiện tự chủ, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Nguyễn Văn Hiệu nhấn mạnh tới tính tự chịu trách nhiệm và cho rằng: Muốn tự chủ được, đội ngũ lãnh đạo cốt cán của tổ chức phải xứng đáng được trao quyền. Do tinh thần tự chủ còn chưa đúng mức nên kết quả nghiên cứu khoa học được đưa vào cuộc sống còn ít. Nghiên cứu khoa học đi vào ứng dụng là quan trọng nhất nên Nhà nước cần đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, đưa ra sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng NĐ 115 hướng đến một thiết chế khác cho khoa học với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nơi các nhà khoa học, tổ chức KH&CN tự đi tìm hướng nghiên cứu và nhà tài trợ cho mình chứ không chỉ có nghĩa là Nhà nước cắt giảm kinh phí. Điều cần tháo gỡ để NĐ 115 đi vào cuộc sống chính là tạo ra môi trường kinh tế thị trường thực thụ cho KH&CN với sự quản lý vĩ mô của Nhà nước.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bộ, ban, ngành, đại diện tổ chức cũng như các nhà khoa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chìa khóa của vấn đề ở thời điểm hiện nay chính là sự minh bạch hóa. Không có sự thanh tra nào hiệu quả bằng chính sự quan sát, phản biện của các nhà khoa học khi tham gia đấu thầu, xét duyệt đề tài. Sự minh bạch, công khai trước tiên phải từ Bộ KH&CN cùng các cơ quan quản lý các cấp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tự chủ không phải là giảm chi cho hoạt động KH&CN mà giảm sự lãng phí trong sử dụng nguồn lực và nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN. Ngoài vấn đề tài chính, thực hiện tự chủ còn liên quan tới các vấn đề chuyên môn, nhân lực, liên kết hợp tác. Các bộ cần tham mưu, chuẩn bị văn bản để Thủ tướng, Chính phủ giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong quá trình triển khai. Việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập cần được thực hiện quyết liệt để hoàn thành khi hết năm 2015.

Quỳnh Phạm