Không nên đợi nhập vắc xin "5 trong 1" và "6 trong 1" mới tiêm phòng

Xã hội - Ngày đăng : 06:16, 07/03/2015

(HNM) - Tính đến cuối giờ chiều 6-3, tại hai điểm tiêm dịch vụ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, ở 70 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) và 23 Nguyễn Viết Xuân (quận Hà Đông) đã hết vắc xin dịch vụ

Ảnh: Ngọc Dung



Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, hai năm trở lại đây, tình hình khan hiếm vắc xin dịch vụ thường diễn ra và việc đặt hàng thường bị động vì hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung cấp. Nguyên nhân cũng do nhiều quốc gia đưa những loại vắc xin này vào triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) nên "cầu" đã vượt "cung". Từ nay đến tháng 6 sẽ có khoảng 20.000 liều vắc xin "5 trong 1" được nhập về khu vực miền Bắc nhưng vắc xin "6 trong 1" chưa biết đến khi nào mới có. Với số lượng như vậy thì chắc chắn thời gian tới, hai loại vắc xin này không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do đó, khi mà nguồn vắc xin dịch vụ chưa bảo đảm, việc chờ đợi nhập về mới tiêm là rất nguy hiểm vì trẻ có thể mắc bệnh ở giai đoạn này. Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, vắc xin "5 trong 1" phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib. Còn vắc xin "6 trong 1", ngoài các bệnh này còn phòng thêm bệnh viêm gan B. Ông Cảm khẳng định, chương trình TCMR có đủ vắc xin phòng những bệnh trên. Do đó, phụ huynh có thể đưa con em mình tới các trạm y tế hoặc trung tâm y tế dự phòng để được tiêm phòng miễn phí các loại vắc xin trong chương trình TCMR mà vẫn bảo đảm hiệu quả.

*Cùng ngày, trả lời báo chí về tình hình cung ứng vắc xin dịch vụ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Đạt cho biết, Cục Quản lý dược mới nhận được thông tin từ nhà sản xuất, các vắc xin phối hợp kết hợp phòng nhiều bệnh có thay đổi về cơ sở sản xuất nên số lượng và thời gian vắc xin nhập khẩu về Việt Nam có thay đổi so với kế hoạch. Khác với vắc xin trong chương trình TCMR được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắc xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Nghĩa là nhu cầu thị trường quyết định số lượng và chủng loại vắc xin nhập khẩu. Vấn đề khó khăn ở chỗ, vắc xin là một loại sinh phẩm, một chế phẩm sống, không thể để lâu, không chế biến lại được. Vì vậy, chỉ khi các cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đặt hàng các hãng dược nước ngoài và các hãng mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy, độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng. Do đó sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ. Cho đến thời điểm này, ngoài 56 vắc xin đã có số đăng ký, để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng các bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa đông - xuân như thủy đậu, ngày 11-2, Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH TM và DP Sang nhập khẩu 300.000 liều vắc xin thủy đậu Varivax. Trước đó, ngày 5-1, Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm y tế số 1 nhập khẩu gần 20.000 liều vắc xin thủy đậu Varicella. Cũng theo ông Nguyễn Tất Đạt, hiện các công ty sản xuất vắc xin của Việt Nam đã sản xuất và cung ứng được 10/12 loại vắc xin trong chương trình TCMR. Bộ Y tế vẫn tích cực làm đầu mối đề xuất Chính phủ đưa thêm vắc xin vào chương trình TCMR. Cụ thể, năm 2010 thêm vắc xin phòng bệnh do Hib (dưới hình thức vắc xin phối hợp 5 trong 1). Năm 2015 thêm vắc xin phòng bệnh do rubella (dưới hình thức vắc xin phối hợp sởi - rubella). Hiện Bộ Y tế đang đề xuất thêm vắc xin phòng bệnh do rota virus, vắc xin phòng bệnh do phế cầu. Tất cả các vắc xin trong chương trình TCMR luôn luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân.

Thu Trang