Thỏa thuận hạt nhân Iran: Rất gần mà rất xa

Thế giới - Ngày đăng : 06:43, 06/03/2015

(HNM) - Cuộc đàm phán nước rút về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran giữa Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif với người đồng cấp Mỹ John Kerry vừa kết thúc sau ba ngày bàn thảo tại Geneve (Thụy Sĩ) mà không có bước đột phá nào.

Hai Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và John Kerry.



Sau khi bỏ lỡ thời hạn chót 24-11 năm ngoái nhằm đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện, Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm 7 tháng nữa, đến hết ngày 30-6-2015. Tuy nhiên, phải có sự đồng thuận về một thỏa thuận khung trước ngày 31-3. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng của vòng đàm phán mới nhất đẩy nhanh tốc độ đàm phán nhằm đáp ứng khung thời gian đã định. Dù vòng đối thoại vừa diễn ra được đánh giá có những tiến bộ nhất định nhưng nhìn chung như nhận định của Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước cần phải vượt qua.

Mỹ đưa ra quan điểm Iran ngừng các hoạt động hạt nhân trong 10 năm và nhóm P5+1 sau đó sẽ từng bước nới lỏng các hạn chế để nước này có thể trở lại với chương trình hạt nhân theo cách có thể kiểm chứng. Tổng thống Barack Obama đã nhắc lại lập trường này trong một bài phỏng vấn mới nhất với Hãng tin Reuters. Đây được xem là nhượng bộ của Mỹ vì trước đó, Washington từng kiên quyết yêu cầu Tehran phải ngừng hẳn hoặc ngừng các hoạt động hạt nhân trong 20 năm. Ngoài ra, Mỹ cũng nhất trí cho phép nước này được giữ lại 6.500 thanh nhiên liệu hạt nhân thay vì 4.500 thanh như trước đây. Với P5+1, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bảo đảm rằng nước này không sở hữu vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, Tehran khẳng định không thể chấp nhận yêu sách này. Iran chỉ đồng ý tăng cường sự minh bạch chứ không chịu chấm dứt chương trình hạt nhân đang theo đuổi.

Ngoài ra, dỡ bỏ các lệnh cấm vận cũng là một vấn đề. Chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố thỏa thuận khung có thể được hoàn tất nếu Mỹ và các nước phương Tây lập tức bãi bỏ mọi lệnh trừng phạt chống nước này ngay khi thỏa thuận hạt nhân cuối cùng được ký kết. Thế nhưng đây là vấn đề không đơn giản. Cho dù giải quyết vấn đề hạt nhân Iran là trọng tâm ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ thời gian qua nhưng chính quyền Tổng thống B.Obama lại đang ở trong tình thế khó khăn. Nhà Trắng có thể ký kết thỏa thuận với Iran mà không cần bận tâm đến phản ứng từ Quốc hội vì đây không phải là hiệp định. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ cấm vận chống Iran là câu chuyện khác, vì nó phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

Trong một động thái mới nhất, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell - thủ lĩnh phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện cho biết: Đây là thời điểm thích hợp để thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn chính quyền của Tổng thống B.Obama ký kết "một hiệp định tồi" với Iran. Do đó, tiến trình đàm phán hạt nhân Iran đang đối mặt với nguy cơ bị Quốc hội Mỹ cản trở. Bên cạnh đó, ngay cả khi Châu Âu và Mỹ có thể đảo ngược những lệnh trừng phạt mà họ đưa ra với Iran thì những lệnh cấm được ban hành trong khuôn khổ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không dễ dàng như thế. Bởi lẽ, theo quy định chúng chỉ được giải quyết với từng giai đoạn phụ thuộc vào việc thực hiện các cam kết quốc tế của Tehran, điều mà Iran không đồng tình.

Với những trở ngại hiện có, việc đạt được một thỏa thuận khung trước thời hạn 31-3 hoàn toàn không dễ dàng. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif từng phát biểu "Chúng tôi cho rằng chúng ta đang ở rất gần một thỏa thuận, nhưng cũng có thể ở rất xa. Còn các chi tiết cần phải được làm rõ". Dẫu vậy, sau một thời gian dài rơi vào bế tắc và căng thẳng, việc các bên liên quan trong tiến trình đàm phán hạt nhân Iran có những thỏa hiệp để cùng nhau đi đến đoạn đường này đã mang đến những tín hiệu lạc quan về một kết thúc tốt đẹp cho hồ sơ tồn đọng quá lâu này.

Đình Hiệp