Người Hà Nội ăn Tết Nguyên tiêu như thế nào?

Văn hóa - Ngày đăng : 20:01, 05/03/2015

(HNMO) - Trong đời sống tâm linh của người Việt, Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu) là một trong những ngày cúng lễ vô cùng thiêng liêng và quan trọng dịp đầu năm mới.

Theo truyền thống, vào ngày Rằm tháng Giêng ở Việt Nam, người dân thường hay lên chùa thắp hương và cúng lễ tại nhà. Dù trong kinh điển nhà Phật không nói đến ngày rằm tháng Giêng nhưng dân chúng vẫn thường lên chùa cúng sao giải hạn và cầu nguyện những điều may mắn.

Trong dân gian nước ta, Rằm tháng Giêng hiểu một cách đơn giản là ngày Rằm lớn. Ngày này có 3 lễ cúng: Một là lễ cúng khởi năm đón lộc cầu may. Hai là Tết ăn lại (Tết bù) cho nhà nào dịp Tết Nguyên đán có người đau yếu, tang ma không kịp ăn Tết, nay khỏe mạnh trở lại, mọi người thư thả thì ăn bù, đi chúc Tết lại nhau một cách cởi mở, không phải kiêng khem gì. Lễ thứ ba là cúng sao giải hạn.


Ở hầu hết các chợ nội, ngoại thành như chợ Cổ Nhuế, chợ Tân Xuân hay chợ Cổ Điển (Đông Anh) đều có nhiều cửa hàng bán vàng hương, cau trầu, hoa quả với giá cả nhỉnh hơn ngày thường một chút. Bánh chưng và xôi nếp cũng được bán nhiều để phục vụ cho các gia đình ăn Tết lại có giá dao động từ 30.000 đến 50.000 tùy vào kích thước. Trong buổi sáng ngày hôm nay, cửa hàng bánh chưng và xôi của anh Tuấn tại chợ Cổ Điển (Hải Bối, Đông Anh) bán được hơn 50 đĩa xôi và hơn 60 chiếc bánh chưng, gấp 3 số lượng ngày thường.


Hôm nay, mặc dù trời mưa phùn cả ngày nhưng ở khắp các đền chùa tại Hà Nội hàng ngàn phật tử và quan khách thập phương đi lễ Phật cầu bình an, may mắn cho gia đình và bản thân. Hình ảnh được ghi lại tại đền Quán Thánh- ngôi đền có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa.


Theo tục lệ, Rằm tháng Giêng nhà nào theo đạo Phật cúng chay và ăn chay thì lễ vật dâng cúng thường dùng hoa quả, trầu cau, chè xôi, các món đậu, canh xào… chay. Còn nhà không theo đạo Phật như nhà chị Ngô Thu Hà ở Cổ Nhuế thì ngày này cúng chè xôi và cúng mặn như một mâm cỗ ngày Tết Nguyên Đán.

Với nhiều người, sau Rằm tháng Giêng mới là thời điểm chính thức chấm dứt “tháng ăn chơi” để bắt đầu một mùa lao động mới.

Phạm Thị Nết