Quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài: có tòa tháp tài chính cao 108 tầng

Xã hội - Ngày đăng : 13:49, 05/03/2015

(HNMO) – Với ý tưởng quy hoạch “Rồng đón ngọc” trục đô thị hiện đại Nhật Tân – Nội Bài, sáng 5/3, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế xã hội 2015 và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân- Nội Bài.

Tại buổi làm việc còn có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc; Hoàng Trung Hải; Nguyễn Văn Ninh; Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; về phía TP Hà Nội có: Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh...

Trục Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị lớn với tổng diện tích khoảng 2080 ha; chiều dài toàn tuyến khoảng 11,7km (điểm đầu là Sân bay quốc tế Nội Bài, điểm cuối là Cầu Nhật Tân). Khu vực nghiên cứu nằm phía Bắc đô thị Trung tâm; thuộc địa bàn 3 xã của huyện Sóc Sơn và 10 xã thuộc huyện Đông Anh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lập Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội), trong quá trình triển khai, phương án quy hoạch hai bên tuyến đường đã được tổ chức thi tuyển quốc tế; lấy ý kiến cộng đồng và các cơ quan liên quan theo quy định của Luật…Đến nay, hồ sơ Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam tổ chức lập cơ bản được hoàn thành, được lắp đặt mô hình để phục vụ yêu cầu quản lý.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Hà Nội xem mô hình quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài.


Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Đồ án quy hoạch trục Nhật Tân- Nội Bài được lập trên ý tưởng tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long- Hà Nội, với ý tưởng chính là Rồng đón ngọc, xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ Sân bay về trung tâm TP, đầu Rồng quay về sông Hồng – Hồ Tây. Đây là cửa ngõ Việt Nam và thế giới, tạo hình ảnh tuyến đường có môi trường xanh bền vững với dải phân cách trải dài 2 bên và đan xen không gian cây xanh mặt nước tự nhiên.

Trong đó mặt nước tự nhiên là yếu tố quan trọng trong khu vực, với ý tưởng khai thác mặt nước tự nhiên và nhân tạo, hình thành tuyến du lịch đường thủy. Cũng trong khu này sẽ phát triển tổ hợp TOD theo ga đường sắt đô thị… Đồ án quy hoạch phân làm 4 đoạn.

Đoạn 1 là đô thị cửa ngõ (từ sân bay Nội Bài - đến đường Vành đai 3), bao gồm các khu vực: Khu nông nghiệp chất lượng cao với các trang trại nông sản cây hoa đặc sản Hà Nội và vùng miền (80ha); Khu công viên cây xanh hồ điều hòa Sơn Du kết hợp trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ (55ha). Khu vực này TP đang nghiên cứu chủ trương xây dựng theo hướng trở thành khu công viên công nghệ thông tin và kỹ thuật số TP. Khu Trung tâm hội chợ, triển lãm thương mại nông sản; Trung tâm thương mại dịch vụ ga Bắc Hồng.

Tháp Tài chính trung tâm là điểm nhấn chính cao khoảng 108 tầng với biểu tượng hoa sen là quốc hoa của Việt Nam.


Đoạn 2 là đô thị ASEAN (từ đường vành đai 3 đến đầm Vân Trì) bao gồm các khu vực: Tòa tháp đôi biểu tượng thể hiện cho cửa ngõ đô thị với hình tượng búp sen tạo điểm nhấn; Khu Trung tâm hội trợ triển lãm thương mại, dịch vụ thương mại Nam ga Bắc Hồng (quy mô 30,5ha); Khu Trung tâm văn hóa du lịch dịch vụ ASEAN, làng văn hóa ASEAN, công viên ASEAN (35ha): tiêu biểu cho văn hóa, lịch sử của 10 nước ASEAN.

Đoạn 3 là đô thị biểu tượng - đô thị bên sông (từ đầm Vân Trì đến đê sông Hồng) bao gồm các khu vực: Trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ dịch vụ Phương Trạch mang tầm cỡ quốc tế và khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Trong đó, tòa Tháp tài chính cao khoảng 108 tầng là điểm nhấn chính, trọng tâm của khu vực. Tiếp đó là khu Công viên kết hợp hồ điều hòa Hải Bối; Công viên cây xanh trên cơ sở mặt nước tự nhiên Đầm Vân Trì, đầm Vĩnh Thanh.

Đoạn 4 là đô thị sinh thái - đô thị nước (khu vực ngoài đê sông Hồng).

Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP Hà Nội.


Với khu vực dân cư hiện có, TP chủ trương cải tạo chỉnh trang, mở rộng tuyến đường ngõ xóm, bổ sung các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiểm soát về chỉ tiêu, hình thức kiến trúc và tổ chức không gian cảnh quan gắn kết hài hòa với khu vực xây mới bằng các không gian chuyển tiếp.

TP cũng dự kiến dành khoảng 40 ha để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Trong đó, ngoài 2 khu tái định cư Xuân Canh (10ha) và Vĩnh Ngọc (6ha) đã triển khai trong thời gian qua, phát triển 2 khu tại thôn Viên Nội - xã Vân Nội (thuộc đoạn 2, diện tích khoảng 7-9ha), thôn Ngọc Chi - xã Vĩnh Ngọc (thuộc đoạn 3, diện tích khoảng 10-12ha).

Chiều cao dọc tuyến được tổ chức lấy tòa tháp tài chính Phương Trạch làm điểm nhấn trọng tâm (108 tầng), hướng thấp dần về phía sân bay. Cụ thể, đoạn 1 tầng cao điển hình từ 3-7 tầng; đoạn 2 tầng cao điển hình 9 - 20 tầng; đoạn 3 là tháp tài chính với tầng cao tối đa 108 tầng.

Khu vực triển khai đồ án quy hoạch có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại như tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài; đường vành đai 3; đường 5 kéo dài; Các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị đi qua.

Về cơ chế chính sách đầu tư các dự án thành phần khu vực phát triển đô thị 2 bên đường Nhật Tân- Nội Bài, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phân chia thành 8 dự án thành phần phát triển đô thị và thành lập Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị để triển khai thực hiện; cho phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, khả năng ứng vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khung, có năng lực xây dựng và vận hành quản lý khai thác sau đầu tư, có đề xuất dự án khả thi, đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội hoàn thiện quy hoạch để có đô thị Bắc Hà Nội xứng tầm Thủ đô

Về quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân-Nội Bài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Đây là một đồ án quy hoạch, không phải là một dự án đầu tư. Chính phủ đồng ý về chủ trương, nguyên tắc phát triển khu đô thị, đề nghị Hà Nội tiếp thu ý kiến đóng góp của các Phó Thủ tướng, các vị Bộ trưởng, các đại biểu và có thể lấy ý kiến thêm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể để hoàn thiện quy hoạch, phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền. Đặc biệt phải quản lý cho tốt “để rồi 20 năm nữa, hoặc 15 năm nữa, chúng ta vui mừng thấy rằng đô thị Bắc Hà Nội thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm với Thủ đô”.

Về cơ chế chính sách đặc thù và quản lý đầu tư phát triển hai bên đường Nhật Tân, Thủ tướng nhấn mạnh phải chủ động thu hồi đất, nhà nước đứng ra thu hồi đất, thực hiện tốt chính sách đền bù, tái định cư, tinh thần là tái định cư tại chỗ và “trách nhiệm của Chính phủ, cùng các Bộ, ngành chức năng và Hà Nội phải tính cho ra được nguồn vốn dự kiến phục vụ giải phóng mặt bằng khoảng 11 nghìn tỷ; tiếp đó tiến tới xây dựng hạ tầng theo nguyên tắc đa dạng nguồn vốn, nguồn nào ODA, nguồn nào vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ, nguồn của địa phương, nguồn BOT…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, khi có mặt bằng, có hạ tầng; việc thu hút đầu tư cũng phải đa dạng hình thức, “cái nào đấu thầu, cái nào chào thầu, cái nào lựa chọn nhà thầu,… phải xác định rõ và phải tùy theo dự án”. Cuối cùng về giá đất, Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc là giá thị trường, tính theo mục đích sử dụng, nhưng cũng phải linh hoạt, tùy từng dự án.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số Bộ, ngành chức năng đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với trên 10 đề xuất, kiến nghị của TP Hà Nội trong 5 nhóm vấn đề về: tài chính ngân sách; hỗ trợ doanh nghiệp; đầu tư phát triển; quy hoạch, đô thị và về tổ chức bộ máy.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý với kiến nghị của Hà Nội về xem xét điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách 2016-2020; cho phép Hà Nội được huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng; đồng ý với chủ trương để lại số tiền cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để có nguồn tái cơ cấu doanh nghiệp và cấp vốn pháp định cho Công ty Đường sắt đô thị đã được Chính phủ cho phép thành lập; đồng ý thực hiện chính sách ưu đãi đối với Khu công nghiệp Nam Hà Nội để tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư; đồng ý với đề xuất tiếp tục cho phép đầu tư xây dựng khu liên cơ hành chính của thành phố Hà Nội tại khu đất Đông Nam Trần Duy Hưng; đồng ý với với đề xuất của Hà Nội về việc thành lập Sở Du lịch Hà Nội nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế về du lịch...

Lan Hương