Vì sao Cánh diều vàng bị ghẻ lạnh?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 05/03/2015
Cánh diều vàng là giải thưởng điện ảnh hằng năm của Hội Điện ảnh, dành cho những tác phẩm sản xuất trong năm trước đó, vốn là giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh nước nhà, được kỳ vọng là một "Oscar của Việt Nam". Vì sao một giải thưởng như vậy lại bị chính "người trong làng" ghẻ lạnh, và phía sau điều đó là gì?
Theo các nhà tổ chức, kinh phí luôn là khó khăn lớn đối với Hội Điện ảnh Việt Nam. Nói một cách thực tế hơn, Cánh diều vàng chủ yếu tồn tại bằng nguồn tài trợ của giới doanh nghiệp. Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp tất tả, nguồn tài trợ cho các sự kiện văn hóa nghệ thuật đương nhiên là cả vấn đề. Giới "làm ăn" không thể "vung tay quá trán", nhưng họ hiểu hơn ai hết việc bỏ tiền vào đâu để mang lại lợi nhuận. Từ đây, có thể đặt câu hỏi: Vì sao giới kinh doanh lại không mặn mà với một sự kiện điện ảnh như vậy? Vì sao Cánh diều vàng "danh giá" lại không mang đến lợi ích cho doanh nghiệp, chí ít là "đánh bóng thương hiệu"? Rõ ràng "thương hiệu Cánh diều vàng" đang có vấn đề và sự "mẫn cảm" vốn có của các nhà kinh doanh không "cho phép" họ đầu tư vào sự kiện này.
Khó khăn trong thu hút tài trợ là "chuyện thường ngày" với những "Oscar của Việt Nam" trong nhiều năm qua. Thế nhưng, việc nhiều diễn viên, nghệ sĩ... thờ ơ với sự kiện trao giải thưởng danh giá nhất của làng điện ảnh nước nhà là vấn đề rất đáng phải nghĩ. Phải chăng Cánh diều vàng đang chứa đựng nhiều nghịch lý như cách nói của giới nghề? Hay vì những "tranh cãi" dường như bất tận xung quanh những bộ phim đoạt giải, không đoạt giải đã khiến nhiều người mệt mỏi? Có thể nói, việc những bộ phim giàu tính nghệ thuật từng đoạt giải cao ở Cánh diều vàng như "Người đàn bà mộng du", "Thời xa vắng", "Chuyện của Pao", "Đừng đốt"... không thể đấu nổi phim "hàng chợ" với tên tuổi của các hotboy, hotgirl về mặt có doanh thu ngoài rạp; hay việc một hotgirl bất ngờ "ăn giải" nữ diễn viên truyền hình xuất sắc, sau đó lặn mất tăm trong vai trò diễn viên... cho thấy rất nhiều vấn đề. Cánh diều vàng là tấm gương phản chiếu của điện ảnh nước nhà, phải chăng vì thế cũng chịu nhiều tác động, mất đi nhiều giá trị?
Rõ ràng hiện tượng "mỳ ăn liền" trong điện ảnh đang lên ngôi, điện ảnh - truyền hình đang chạy theo lợi nhuận và yêu cầu của các nhà sản xuất. Dòng phim giải trí, thương mại giật gân, câu khách, với những kịch bản phim nhạt nhẽo xoay quanh các mối tình éo le, những màn bạo lực, tình dục lấn lướt dòng phim nghệ thuật đích thực là một thực tế. Nguy hiểm hơn, nó tác động tiêu cực đến thị hiếu của giới trẻ, tạo ra không ít hệ lụy cho xã hội. Và chính sự dễ dãi, hạ thấp chất lượng nội dung, nghệ thuật, chiều theo thị hiếu đám đông đã khiến: "Cánh diều vàng không thể cất cánh" - như nhận xét của người làm nghề đích thực.
Những gì đang diễn ra với Cánh diều vàng cho thấy, đã đến lúc những người "cầm cân nảy mực" trong làng điện ảnh phải có những động thái mạnh mẽ để hướng con thuyền điện ảnh Việt Nam vào quỹ đạo của nó. Không có chuyện "cấm" với những bộ phim mang tính chất giải trí, nhưng giải trí không đồng nghĩa với sự dễ dãi và thiếu nhân văn. Hơn hết, điện ảnh nước nhà cần có những bộ phim mang tính nghệ thuật đích thực, mang đậm hơi thở cuộc sống, thời đại; có tác dụng tích cực trong giáo dục thẩm mỹ, lối sống; vun đắp bản sắc văn hóa, tinh thần nhân ái nhân văn của dân tộc. Đặc biệt, không để cho công chúng có cái nhìn dễ dãi, nhạt nhòa về điện ảnh - truyền hình Việt Nam. Bởi một khi công chúng quay mặt, người làm nghề ghẻ lạnh thì không thể nói đến chuyện cất cánh của Cánh diều vàng.