Giải tỏa nhiều băn khoăn

Giáo dục - Ngày đăng : 06:53, 04/03/2015

(HNM) - Ngày 3-3, Báo Hànộimới tổ chức giao lưu trực tuyến về “Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015” nhằm cung cấp thông tin toàn cảnh cũng như giải đáp các thắc mắc liên quan kỳ thi.

Gần 300 câu hỏi của các thí sinh, phụ huynh và người quan tâm đã được gửi tới các chuyên gia gồm PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT); Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục Ngô Văn Chất (Sở GD-ĐT Hà Nội); Trưởng phòng Giáo dục Trung học Phạm Hữu Hoan (Sở GD-ĐT Hà Nội); PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú Nguyễn Thị Nhiếp (Hà Nội).

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Bá Hoạt


Băn khoăn về đề thi

Trong số các câu hỏi gửi tới cuộc giao lưu, nội dung nhận được sự quan tâm rất lớn của thí sinh năm nay liên quan đề thi. Các em băn khoăn đề thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ có khác biệt gì so với 2 kỳ thi của các năm trước; nội dung đề thi tập trung vào chương trình nào? Một học sinh Trường THPT Phan Huy Chú đặt câu hỏi: Đề thi THPT quốc gia năm nay phục vụ cho 2 mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Vậy cấu trúc của đề thi cho các môn năm nay như thế nào, liệu sẽ giống với cấu trúc đề thi tốt nghiệp hay giống với cấu trúc của đề thi ĐH, CĐ năm 2014 hơn? Với câu hỏi này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết, về cơ bản, cấu trúc đề thi gần giống đề thi tuyển sinh ĐH 2014 và có 2 nhóm câu hỏi. Nhóm thứ nhất có độ khó tương tự các câu hỏi ở đề thi tốt nghiệp năm 2014 có xét đến chương trình giáo dục từ xa để bảo đảm học sinh trung bình cũng có thể làm được và đủ điều kiện tốt nghiệp. Nhóm thứ hai gồm các câu hỏi tương tự các câu hỏi dùng để phân hóa thí sinh trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Không ít thí sinh vẫn tưởng rằng đề thi cho cụm thi dành riêng cho thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp thì sẽ khác đề cho cụm thi để xét cả vào ĐH, CĐ. Các chuyên gia khẳng định: Đề thi tại 2 cụm thi giống hệt nhau và cách thức tổ chức thi tại 2 cụm thi về cơ bản cũng sẽ giống nhau theo quy định của Quy chế thi. Nhóm học sinh lớp 12D1, Trường THPT Việt - Đức, gửi câu hỏi khá cụ thể: Xin hỏi các thầy cô, ngành sư phạm Văn có phải thi thêm bài riêng hay không? Khi nào có cấu trúc đề thi hay đề thi mẫu? Ông Trần Văn Nghĩa đã trả lời: "Việc thi thêm bài thi riêng căn cứ vào quy định từng trường, tuy nhiên theo tôi được biết, các trường ĐH sư phạm không đặt ra bài thi riêng". Với câu hỏi thứ hai, ông Nghĩa cho biết: Nhiều năm nay Bộ GD-ĐT đã không ban hành cấu trúc đề thi.

Trước câu hỏi chung của nhiều bạn đọc: Với quy chế thi THPT quốc gia năm nay, thí sinh nên ôn thi như thế nào để đạt kết quả tốt?, Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - và các chuyên gia khác đều đưa ra lời khuyên: "Nếu chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT, em nên tham khảo các dạng ôn tập và đề thi tốt nghiệp THPT của những năm trước. Tương tự, nếu em muốn dùng kết quả thi THPT để tham gia xét tuyển ĐH, CĐ thì em nên tham khảo nội dung ôn tập và đề thi ĐH, CĐ các năm trước, đặc biệt là năm 2014. Ngoài ra, bộ sách ôn tập kỳ thi quốc gia của Bộ GD-ĐT ban hành là một tài liệu tham khảo thiết thực, giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi". Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp cũng nhấn mạnh: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nội dung thi hoàn toàn nằm trong chương trình THPT, tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12. Những năm gần đây, đề thi có xu hướng giảm yêu cầu thí sinh phải thuộc lòng, thí sinh không cần nhớ các dữ liệu trong sách giáo khoa mà thường được cho sẵn dữ liệu để phân tích, bình luận, cảm nhận.

Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 đang là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Ảnh: Viết Thành


Thi cụm Sở vẫn có cơ hội vào trường tuyển sinh riêng

Mặc dù Quy chế thi đã nêu rõ về việc quy định các cụm thi song vẫn có phụ huynh thắc mắc: Thí sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp có nhất thiết phải thi với nhau tại cụm riêng do Sở GD-ĐT tổ chức hay được phép lựa chọn hoặc thi riêng ở cụm Sở hoặc thi chung ở cụm trường ĐH cùng các thí sinh có nguyện vọng thi ĐH? Cũng có phụ huynh hỏi: Theo hướng dẫn của Quy chế mới, con tôi chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT nên sẽ dự thi ở cụm do Sở GD-ĐT chủ trì. Tuy nhiên, sau khi có kết quả, nếu điểm số cao, gia đình chúng tôi lại có nguyện vọng cho cháu tham gia xét tuyển ĐH-CĐ thì có được không? Ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) trả lời: Theo quy định của Quy chế, nếu có các thí sinh chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT, Sở GD-ĐT sẽ căn cứ tình hình cụ thể để đề nghị với UBND tỉnh (thành phố) và Bộ GD-ĐT thành lập các cụm thi tại tỉnh cho các thí sinh này. Về nguyên tắc, những thí sinh chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT không được dùng kết quả thi ấy để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, các em vẫn còn cơ hội để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có đề án tự chủ tuyển sinh và có quy định sử dụng kết quả học tập phổ thông để xét tuyển. Hiện nay, có hơn 100 trường ĐH, CĐ có phương thức xét tuyển này.

Liên quan việc xét tuyển của các trường ĐH, CĐ, độc giả Nguyễn Bích Thảo tại địa chỉ email n4m.y0shi@gmail.com hỏi: Khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung có phải cộng thêm điểm để xét như thi vào lớp 10 hay không? Nếu trường thuộc nguyện vọng bổ sung bị hết chỉ tiêu sau khoảng thời gian 20 ngày chờ kết quả của nguyện vọng trước thì chúng em phải làm thế nào ạ? PGS.TS Trần Văn Nghĩa trả lời: "Nguyện vọng bổ sung không phải cộng thêm điểm. Tuy nhiên, Bộ quy định điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ không thấp hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1. Về vấn đề hết chỉ tiêu, em yên tâm hoàn toàn vì từ trước đến nay, điểm trúng tuyển của các trường rất khác nhau, từ điểm rất cao đến điểm ở mức vừa phải. Nếu khả năng điểm trúng tuyển của em ở các trường nhóm trên không có, thì em phải lựa chọn các trường nhóm dưới".

Ban tổ chức đã nhận được nhiều câu hỏi của độc giả. Ảnh: Bá Hoạt


Đăng ký thi quá nhiều môn, ảnh hưởng kết quả ôn tập

Nhiều độc giả bày tỏ sự quan tâm tới câu hỏi của Dinh Can Luu ở địa chỉ boy_l0v3_nhox_9x@yahoo.com.vn: Chúng em cần lưu ý điều gì khi làm hồ sơ đăng ký dự thi để tránh bị sai sót? Chúng em có phải đăng ký môn xét tuyển ĐH luôn không? Nếu em muốn thi khối A (toán - lý - hóa) thì có thể xét ĐH khối A1 (toán - lý - Anh) được không? Ông Trần Văn Nghĩa trả lời: Theo Quy chế thi THPT quốc gia, thời gian kết thúc đăng ký dự thi là 30-4 và như vậy, dự kiến thời gian đăng ký dự thi là ngày 1-4-2015. Khi làm hồ sơ, để tránh sai sót, thứ nhất, các em phải cân nhắc kỹ về mục đích tham dự kỳ thi. Các em có thể lựa chọn một trong ba lựa chọn: Thi để xét tốt nghiệp THPT, thi để tuyển sinh vào ĐH, CĐ và thi nhằm cả hai mục đích, rồi đánh dấu vào ô tương ứng trong phiếu đăng ký dự thi. Thứ hai, các em phải lựa chọn môn thi hợp lý. Để xét tốt nghiệp phải đăng ký 4 môn thi (trong đó có môn bắt buộc và môn tự chọn). Còn để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì các em phải đăng ký các môn thi phù hợp với yêu cầu của các trường ĐH, CĐ. Thứ ba, các em lưu ý các thông tin về chế độ ưu tiên phải chính xác, vì các trường sẽ căn cứ vào đăng ký dự thi của các em để xét tuyển. Sau này, nếu các trường phát hiện ra sai sót trong đăng ký chế độ ưu tiên thì em có thể bị hủy kết quả trúng tuyển. Nếu em đăng ký thi các môn khối A cùng với các môn thi tốt nghiệp, ví dụ các môn thi đăng ký là toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, em có thể sử dụng kết quả của các khối D1, A1, A để xét tuyển. Cần lưu ý các em có thể đăng ký tối đa 8 môn và sẽ có rất nhiều cơ hội xét tuyển. Tuy nhiên, nếu đăng ký quá nhiều môn thi thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả ôn tập của các em.

Quan tâm "đầu ra"

Các thí sinh Hà Nội ngày càng quan tâm cơ hội việc làm khi cân nhắc việc đăng ký học vào trường nào, ngành nào, thể hiện qua các câu hỏi: "Sở GD-ĐT có thể cho biết thống kê những năm qua thí sinh Hà Nội thường chọn những ngành "hot" nào, và triển vọng nghề nghiệp của những ngành đó ra sao?", hay "Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có những ngành gì mà xã hội có nhu cầu nhưng khó tuyển sinh? Những ngành nào có các chính sách ưu đãi để thu hút sinh viên?". Theo Trưởng phòng Giáo dục Trung học Phạm Hữu Hoan (Sở GD-ĐT Hà Nội): Trong 5 năm gần đây, học sinh thường chọn các trường, ngành Tài chính, Ngoại giao, Ngoại thương, Ngân hàng... nhưng các ngành này đã trở nên bão hòa. Các em nên chọn các ngành kỹ thuật và công nghệ để đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong thời gian tới.

Còn PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đưa ra thông tin: Nhà trường có một số ngành có nhu cầu tuyển dụng rất cao hiện nay nhưng không thuộc danh mục những ngành "hot" như Kỹ thuật dệt, Kỹ thuật vật liệu kim loại, silicat...

Kết thúc cuộc giao lưu, hơn 140 câu hỏi đã được các chuyên gia giải đáp trong tổng số gần 300 câu gửi về chương trình. Trong đó cũng còn một số vấn đề chưa có ngay câu trả lời và dự kiến cơ quan chức năng sẽ có văn bản hướng dẫn trong thời gian tới đây, như hướng dẫn ôn luyện của Sở GD-ĐT Hà Nội, quy định về cách tính điểm trong bài thi, quy chế đào tạo liên thông, quy định về thi liên thông... Ông Trần Văn Nghĩa cũng cho biết: Bộ GD-ĐT đang tập hợp thông tin tuyển sinh của các trường để công bố công khai trên trang thông tin của Bộ. Dự kiến Nhà xuất bản của Bộ sẽ phát hành cuốn Những điều cần biết, giúp các em có thông tin để đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển.

Vấn đề được nhiều người quan tâm

* unthjnn1275@gmail.com:Xin các chuyên gia cho biết môn ngoại ngữ sẽ có phần trắc nghiệm và phần viết như năm 2014 hay không?

* PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Hình thức thi môn ngoại ngữ sẽ được quy định trong văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, dự kiến môn ngoại ngữ sẽ có cả phần trắc nghiệm và phần tự luận giống như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

* nguyenanhcuong 1909@gmail.com:Những năm trước, nếu đạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi thành phố thì sẽ được cộng điểm thi tốt nghiệp. Nhưng năm nay gộp 2 kỳ thi thì sẽ cộng như thế nào ạ?

* Ông Phạm Hữu Hoan: Nếu em đạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố thì vẫn được cộng điểm ưu tiên để xét tốt nghiệp nhưng không được cộng điểm ưu tiên để xét tuyển ĐH.

* Anh Cường 221 Tôn Đức Thắng:Xin hỏi năm nay Bộ, Sở GD-ĐT có kế hoạch cho các trường THPT tổ chức cho học sinh ôn luyện thi vào tháng 6 được không ạ?

* Ông Phạm Hữu Hoan: Từ nay đến 31-5, các trường THPT sẽ thực hiện kế hoạch giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT. Còn thời gian từ ngày 1-6 đến thời điểm thi, việc tổ chức ôn tập và quản lý học sinh như thế nào, Sở sẽ có công văn hướng dẫn cụ thể.

* Giang Hoàng Mạnh - Hà Nội:Trước đây, với những học sinh thi 2 khối A và D điểm thi được đồng thời xét tuyển nên có thể đỗ cả hai hoặc trượt cả hai. Tuy nhiên, với Quy chế mới này, thí sinh chỉ được xét tuyển ở một trường với việc thi nhiều tổ hợp. Như vậy liệu có đạt được hiệu quả tương ứng hay không?

* PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Theo Quy chế tuyển sinh hiện hành, ngay cả khi em đăng ký thi nhiều khối thi thì em cũng chỉ được cấp 1 giấy xác nhận kết quả thi đợt 1 và 3 phiếu xác nhận kết quả thi giống nhau dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Như vậy, sẽ không xảy ra khả năng em trúng tuyển cả hai trường. Tuy nhiên, khi đăng ký nhiều khối thi thì em sẽ có nhiều cơ hội để trúng tuyển hơn, vì khi có kết quả thi của nhiều khối, em có thể chọn được nhiều ngành của một trường để đăng ký xét tuyển. Hoặc khi rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác thì em có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn trường nộp hồ sơ. Ví dụ, nếu em có nguyện vọng học ngành y mà chỉ đăng ký thi các môn khối B (toán, hóa, sinh) thì khi không đủ điểm để trúng tuyển vào trường y, em chỉ có thể chuyển sang đăng ký xét tuyển ở các ngành khối nông, lâm, ngư. Còn nếu như em có thêm kết quả thi của khối A (toán, lý, hóa) thì em có thể đăng ký xét tuyển ở các trường khối kỹ thuật và kinh tế...

Hiệu quả, thiết thực

PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục:
Chuẩn bị chu đáo, câu hỏi chất lượng

Cuộc giao lưu trực tuyến do Báo Hànộimới tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo thí sinh, phụ huynh và các giáo viên. Các chuyên gia đã nhận được nhiều câu hỏi có chất lượng, giúp giải đáp những thắc mắc của thí sinh cũng như cung cấp các thông tin cần thiết. Các câu hỏi có tính thực tế và trúng vấn đề cho thấy thí sinh đã được phổ biến các thông tin liên quan và Quy chế thi khá kỹ.

Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội:
Nhanh nhẹn, sắc bén, thực sự là cầu nối

Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chưa đầy một tuần, Báo Hànộimới đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với HS lớp 12 các trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội về các vấn đề liên quan đến kỳ thi này cho thấy, sự nhanh nhạy, sắc bén của tập thể Báo Hànộimới đối với một vấn đề có sức ảnh hưởng rất lớn đối với người dân. Dù thời gian không nhiều, song công tác chuẩn bị cho chương trình rất chu đáo, tỉ mỉ. Với vai trò là cơ quan truyền thông, Báo Hànộimới đã chủ động cập nhật thông tin và tuyên truyền tới giáo viên, HS các nhà trường, từ đó làm cầu nối giúp cho các cấp quản lý ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương có thêm thông tin để làm tốt nhiệm vụ của mình.

Tôi được biết, chương trình đã nhận được gần 300 câu hỏi của giáo viên, HS các nhà trường gửi đến, thể hiện sự quan tâm không nhỏ đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Cá nhân tôi cho rằng, quá trình tham gia tìm hiểu về quy chế thi, đặt câu hỏi và nhận được những hồi âm chính xác, đầy đủ từ phía cơ quan quản lý ngành đã góp phần đáng kể nâng cao nhận thức của cả giáo viên và HS trong việc thực hiện quy chế mới. Mỗi nhà trường, giáo viên cũng thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức cho HS học tập quy chế sao cho hiệu quả để sẵn sàng bước vào kỳ thi với tâm thế tốt nhất.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Đức:
Có ý nghĩa thiết thực, nên tổ chức thường xuyên

Được mời tham gia chương trình giao lưu về kỳ thi THPT quốc gia, hầu hết HS của Trường THPT Việt - Đức rất hào hứng. Trước thời gian diễn ra chương trình, các em đã chủ động tìm đọc quy chế, viết ra những chỗ chưa rõ để tìm lời giải đáp. Giáo viên các bộ môn cũng tích cực tìm hiểu quy chế, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc tổ chức dạy học, hướng dẫn ôn tập hiệu quả nhất cho HS. Đó là lý do tôi tin rằng, cách làm của Báo Hànộimới có ý nghĩa thiết thực và nên triển khai thường xuyên hơn, vừa tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc với một chủ trương lớn của toàn xã hội, vừa góp phần cùng ngành GD-ĐT và các nhà trường làm tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú:
Đo mức độ “ngấm” của quy chế mới

Với một số lượng lớn câu hỏi gửi đến chương trình giao lưu của Báo Hànộimới đã khẳng định tính thiết thực, ý nghĩa của chương trình đối với chủ trương lớn của xã hội. Điều này càng khẳng định sự nhanh nhạy, kịp thời, chắc chắn việc làm của tập thể Báo Hànộimới trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Từ các câu hỏi gửi đến chương trình, cá nhân tôi cho rằng các cấp quản lý, ban giám hiệu các nhà trường có thể phần nào “đo” được mức độ ngấm của những quy định mới tới học trò của mình, từ đó kịp thời có giải pháp triển khai hiệu quả. Sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT đã góp phần đáng kể giải đáp những băn khoăn, khúc mắc từ phía giáo viên, HS các trường THPT trên địa bàn thành phố, góp phần quan trọng để tổ chức thành công kỳ thi, tạo nền tảng vững chắc trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Quỳnh - Hạnhghi

Quỳnh Phạm