Đã là hủ tục, phải sớm loại bỏ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 04/03/2015
Sự việc trên đã cơ bản giải quyết cuộc tranh luận kéo dài về lễ hội Chém lợn ở phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh sau khi có đề nghị chấm dứt nó của Tổ chức Bảo vệ động vật Châu Á vì nghi thức chém lợn giữa sân đình là một hủ tục, thể hiện thái độ vô cảm, nuôi dưỡng tính ác trong con người, nhất là với trẻ em. Việc loại bỏ nghi thức chém lợn lấy máu hiến tế ở lễ hội này, đồng thời cũng là sự lên án nhiều hủ tục rải rác ở một số lễ hội khác như chọi trâu (cả trâu thắng trận và trâu thua trận đều bị mổ thịt, thịt trâu chiến thắng giá đắt hơn rất nhiều), lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên (săn tìm, hành hạ con vật "đầu cơ nghiệp" đến chết, trong khi đang thiếu sức kéo), giết gà, bôi máu gà lên tường và nhiều nghi thức khác như tranh cướp, xô đẩy lộn xộn, ẩu đả nhau đang làm giảm giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống nhân văn của các lễ hội cũng là của dân tộc ta.
Thái độ đúng đắn và kiên quyết của người đứng đầu Chính phủ chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân, góp phần đưa việc quản lý lễ hội vào nền nếp, đề cao những giá trị nhân ái, những nét đẹp truyền thống và tinh thần nhân văn của dân tộc.
Tuy nhiên, thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả mong muốn, không đơn giản. Lễ hội là của cả cộng đồng, là hành vi tự nguyện, xuất phát từ tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương. Khẳng định vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức lễ hội là cần thiết. Nhiều người dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương gìn giữ, phát huy giá trị cao đẹp của các lễ hội gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư; được tổ chức tiết kiệm, trật tự an ninh, vui tươi, lành mạnh… Nhưng mặt khác, việc quản lý của chính quyền cần tôn trọng phong tục và ý nguyện của cộng đồng dân cư, tránh mệnh lệnh, gò ép, theo ý chủ quan, nóng vội, thiếu hiểu biết của người này, người nọ. Qua thực tiễn một số lễ hội, tình trạng bạo lực, đặc biệt là lợi dụng lễ hội để tư lợi diễn ra không ít. Điều này đã khiến cho nhiều lễ hội khô cứng, mang tính hình thức, bị tẩy chay.
Lễ hội đều là của người dân. Lễ hội ở Ném Thượng cho thấy khi chưa có sự đồng thuận của người dân thì sự việc đơn giản sẽ trở thành phức tạp, chuyện nhỏ sẽ trở thành chuyện lớn. Một tục lệ, khi không còn phù hợp nữa với giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn của cả cộng đồng cần phải loại bỏ. Dân tộc ta không bảo thủ, cố chấp, và thực tế đã từng bỏ hoặc đang bỏ rất nhiều phong tục đã trở thành hủ tục như tục gọt đầu bôi vôi thả trôi sông, tục chồng chết phải lấy chồng khác trong họ, tục bón cơm cho người chết, tục cải táng, tục ăn trầu thuốc, tục nhuộm răng đen... Vấn đề là cần tuyên truyền, giải thích, nâng cao dân trí chứ không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính để áp đặt.