Hà Nội "Thủ đô của những điều trái ngược"

Văn hóa - Ngày đăng : 11:33, 03/03/2015

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Hà Nội trở thành một phòng thí nghiệm thực sự về sự kết hợp khéo léo giữa yếu tố dân tộc truyền thống và yếu tố phương tây hiện đại trên phương diện đô thị và kiến trúc.

Từ đó, vô tình tạo nên một cảnh quan tổng thể Hà Nội với những điều trái ngược đan xen nhưng vẫn vô cùng hài hòa. Arnaud Le Brusq – một học giả phương tây, nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội là người đã có những khám phá thú vị này.

Đường Bờ Hồ (Hồ Gươm) hồi đầu thế kỷ XX


“Thủ đô của những điều trái ngược”, đó là nhận xét của Arnaud Le Brusq trong cuốn “Vietnam à travers l’Architecture coloniale” khi nói về Hà Nội. Ông đã viết rằng: Đối với du khách phương Tây, khu trung tâm thành phố Hà Nội mang nghệ thuật trang trí theo kiểu hỗn hợp. Đại lộ thẳng tắp được bao quanh bởi các toà biệt thự. Vẻ đẹp nên thơ của khu phố cổ Châu Á xen lẫn đường nét khô khan của các dinh thự kiểu Âu...
Các công trình xây dựng kết hợp với hệ thống thực vật bao phủ khắp nơi, tạo nên nét duyên dáng đặc biệt của thành phố, một nét duyên thầm như chính cuộc sống và con người nơi đây. Nhưng bên trong vẻ đẹp rực rỡ ấy lại là thực tế cuộc sống chật vật của người dân Hà Nội trong những khu nhà tập thể được xây dựng ở khu vực ngoại vi thành phố từ những năm 1970.

Trong thủ đô của những điều trái ngược này, khi trời đã về khuya, tiếng kêu vù vù của những máy móc động cơ hai thì trở nên hiếm dần rồi tắt hẳn. Vào khoảng 23 giờ đêm, những con phố trở nên vắng vẻ và yên lặng, gợi nhớ về một thời cách nay không xa, khi đó người ta còn áp đặt lệnh giới nghiêm. Một chiếc xe đạp về muộn vẫn lăn đều cùng với tiếng côn trùng rỉ rả.

Dưới bóng của bức tường thành Văn miếu, dưới ánh trăng vàng rực rỡ, những người lái xe xích lô trú chân dưới tấm bạt nhựa và ngủ ngay trên xe của mình.

Cũng trong cuốn “Vietnam à travers l’Architecture coloniale”, tác giả Arnaud Le Brusq còn mô tả khá chi tiết về phố phường và con người Hà Nội trong quá trình thay đổi dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp. Trong con mắt của vị học giả phương tây này, Hà Nội đã hiện lên như một bức tranh với sự đan xen hài hòa giữa các mảng màu đối lập: một Hà Nội cổ truyền với các công trình tôn giáo, các công trình xây dựng phục vụ hoạt động hành chính của quan lại, những ngôi làng thuần nông, 36 phố phường bên cạnh những công trình kiến trúc hiện đại kiểu Âu.

Hà Nội – thành phố cổ
Kể từ năm 1870, thời điểm mà cuộc xâm chiếm thuộc địa miền Bắc Việt Nam đang trở thành vấn đề thời sự, thành phố vẫn giữ cơ cấu tổ chức xưa cũ.

Tập trung ở phía Nam là những công trình gắn liền với hoạt động hành chính và nhà ở của quan lại. Vào cuối thế kỷ XIX, đây còn là nơi ở của Kinh lược, đại diện của nhà vua tại Hà Nội.

Trải rộng về phía Tây là những ngôi làng thuần nông và xung quanh là các ruộng lúa, vườn rau, vườn quả, nương dâu và vườn hoa.

Nằm giữa sông Hồng, Hoàng thành là khu thủ công và thương mại biến hoá dưới dạng “36 phố phường”. Việc đặt tên như vậy xuất phát từ cách thức phân cấp hành chính vào khoảng thế kỷ XV, khi đó Hà Nội được chia thành 2 huyện và mỗi huyện gồm 18 khu . Đô thị mới hình thành vẫn thấp thoáng dáng dấp của nông thôn. Giống như các làng, các phường được xây dựng xung quanh đình - nơi thờ cúng thần linh. Mỗi phường mang nét đặc trưng riêng, thể hiện qua một hoạt động mang tính chuyên biệt và các đường phố lấy tên từ những ngành sản xuất: vải, đường, đồng hay giấy... Hơn thế, Hoàng thành còn được bao quanh bằng những công trình phòng thủ. Ngoài tường đất và tường gạch còn có thêm một lớp cọc nhọn và việc ra vào đó phải thông qua các cửa, Dưới thời nhà Nguyễn có tất cả 16 cửa. Một trong số cửa này có từ thế kỷ XVIII, có thể nhìn thấy từ phố Hàng Chiếu. Các khu chợ được tổ chức ngay trước những lối vào này, tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa nông thôn và thành thị.

Mặc dù có những biến đổi và thoái triển, khu 36 phố phường là một quần thể các ngôi nhà thành thị đồng nhất kiểu Châu Á. “Hà Nội cổ” vẫn còn lưu giữ lối kiến trúc hình ô bàn cờ chằng chịt, không đều nhau bị cắt ngang qua trục Bắc-Nam từ phố Hàng Đào đến chợ Đồng Xuân, và trục Đông-Tây là các phố Hàng Bồ, Hàng Bạc. Các mảnh đất được chia thành nhiều dải mỏng tương ứng với những ngôi nhà “hình ống tre”. Cách gọi tên hình tượng này là do quy mô gây ấn tượng mạnh của các công trình xây dựng có mặt trước rộng 2-4 mét trong khi nó có thể sâu tới 60 mét. Các ngôi nhà “nhiều ngăn” được phỏng theo kiểu nhà ở nông thôn. Qua cửa vào chính và sân là điểm tiếp đón đầu tiên và phòng của người chủ gia đình. Phía sau khu sân-vườn là các căn phòng, đây cũng là nơi đặt bàn thờ cúng tổ tiên, tiếp đến là phòng ngủ của cha mẹ sinh thành, vợ, con cái và của đầy tớ trong nhà.

Khi chuyển lên thành phố, cách sắp xếp vẫn được duy trì theo sơ đồ trên nhưng mặt trước lại bị thu hẹp một cách đáng kể. Các ô nhà hướng ra mặt phố trở thành quán hàng, khi trời tối, người ta đóng lại bằng những chiếc cửa gỗ, dần dần thay thế bằng những chấn song. Một vách ngăn, đôi khi chỉ là một bức mành ngăn cách quán bán hàng với nơi ở của người chủ. Khoảnh sân-vườn kết nối phần đầu này với phần còn lại của nhà ở. Hiếm có ngôi nhà nào được xây thêm một tầng mà chỉ có gác xép để chứa hàng hoá và những gác xép thường bị biến thành phòng ngủ do số người ở quá đông. Một hành lang kế bên rất hẹp cũng được sử dụng làm nơi để xe hai bánh và đảm bảo việc thông sang các phòng. Để lưu thông không khí, các tấm vách ngăn chỉ cao ngang đầu người lớn chứ không chạm đến trần nhà. Bếp và nhà vệ sinh nằm ở cuối sân trong. Ngoài ra, một số nhà ở còn có lối ra phía sau trên một con hẻm.

Hà Nội – đô thị kiểu Âu
Trước khi diễn ra công cuộc khai thác thuộc địa, những người Pháp hay lui tới Bắc Kỳ đều nhận thức rõ tính chất khác biệt giữa Hà Nội với các thành phố ở phương Tây, điều đó được quy định bởi nền văn minh. Mặc dù vậy, họ vẫn nỗ lực tái tổ chức thành phố theo kiểu châu Âu, hệ quả của việc làm chủ các thiết chế về mặt chính trị. Tuy nhiên, với vai trò của mình trong lịch sử Việt Nam và cơ cấu đô thị vững chắc, Hà Nội chịu được trật tự mới này tốt hơn thành phố Hồ Chí Minh.

Trái với Sài Gòn – nơi mà lưới sắt thuộc địa phủ lên toàn bộ các ngôi làng cổ, thành phố Hà Nội lại được hình thành từ sự liền kề giữa các khu phố cũ và mới. Hiện tượng này đã góp phần thu hút du khách thời nay, họ ngạc nhiên bởi nghệ thuật lồng ghép ngôi chùa trong những toà nhà kiểu Pháp, trường học với ngôi làng có những mái tranh.

Đầu năm 1883, đội quân của Tư lệnh Rivière chiếm hai điểm đầu mút của con phố Incrusteurs (phố Tràng Tiền ngày nay) cách nhau khoảng 2km. Từ một con đường ban đầu bị làm chủ theo giờ, sau đó là hoàn toàn, người Pháp mở rộng quyền kiểm soát của mình trên toàn khu đô thị. Người Âu nhanh chóng tiến hành nhiều hoạt động thương mại trên phố Incrusteurs, trước tiên là dựng các quán cà phê trên lối đi của quân lính đồn trú tại Hoàng thành và các quan chức sống trong khu nhượng địa. Được đặt tên là Paul Bert vào năm 1886, con phố đã được mở rộng, rải nhựa, có vỉa hè và được trồng cây trước khi có xe ngựa kéo phục vụ giao thông trên suốt chiều dài quãng đường vào năm 1888. Từ chỗ là một con đường binh thuần tuý, cùng với các khách sạn và cửa hiệu, phố Paul Bert trở thành tuyến phố buôn bán chính của Hà Nội, có thể so với đường Catinat của Sài Gòn. Về sau con phố được đặt tên lại là phố Tràng Tiền, còn gọi là “phố Đúc tiền” để nhớ về điểm đến thời kỳ tiền thuộc địa. Ngày nay, phố Tràng Tiền là địa điểm trưng bày các phòng tranh và hiệu sách. Buổi tối, thanh niên tụ tập trước các cửa hàng kem tạo thành một điểm đi lại ồn ã.

Đường Bờ Hồ (Hồ Gươm) sau một lần biến đổi


Vào năm 1888, người Pháp cho mở một lối đi ở đại lộ Gambetta song song với phố Paul-Bert, xác lập khu 4 công sự ở phía nam Hồ Hoàn Kiếm với mục đích biến chúng trở thành “khu phố kiểu Pháp”.

Bị hạn chế phạm vi bởi một số nhà sàn và đền miếu, Hồ Hoàn Kiếm được các nhân chứng đầu tiên miêu tả là một cảnh quan đẹp mắt. Cái tên Hồ Hoàn Kiếm của người Việt bắt nguồn từ một trong những truyền thuyết của Bắc Kỳ, gắn liền yếu tố huyền diệu. Vào đầu thế kỷ XV, một vị chúa người Thanh Hoá có tên Lê Lợi chỉ huy cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của người Hoa đã nhận được gươm vàng - biểu tượng siêu nhiên chỉ đích danh ông đứng lên chống quân Minh. Sau 10 năm chiến tranh, ông trở thành hoàng đế vào năm 1428, lấy niên hiệu là Lê Thái Tổ. Trong khi vị chúa này vái lạy tổ tiên, thanh gươm bật ra khỏi bao và bay lên trời, biến thành hình một con rồng bằng ngọc thạch trước khi đậu vào con rùa màu nâu. Từ câu chuyện này, vào thế kỷ XVIII, người ta cho xây dựng một một cây cầu gỗ đỏ tươi trên đảo Rùa, dẫn vào đền Ngọc Sơn để kỷ niệm sự kiện.

Bao quanh phía bắc là khu phố thủ công của người bản xứ, phía đông là các toà nhà hành chính của người Pháp, phía nam là khu nhà ở và phía tây là trụ sở hội truyền giáo. Thêm vào đó là nét quyến rũ của công viên cùng với sự tĩnh lặng của mặt nước và đường cong của những mái chùa. Theo ký ức thời gian, khung cảnh là sự sàng lọc những nét quy phạm mang dáng dấp đô thị được kết hợp giữa cách bố trí hợp lý của phương Tây với nét duyên dáng của châu Á.

Vào năm 1873, trụ sở hội truyền giáo chỉ là một nhà thờ đơn giản được làm bằng gỗ, bao quanh nó là một số ngôi nhà của các tín đồ đạo Cơ đốc. Người ta có thể vào làng bằng một con đường chẻ đôi phố Incrusteurs về phía tây Hồ Hoàn Kiếm. Dưới sự lãnh đạo của cha Landais, khu vực này được mở rộng đáng kể vào những năm sau đó.

Cuối cùng, việc cải tổ thành phố kéo sự phá huỷ và các quy định mà trước tiên nó đụng chạm tới các công trình quân sự và trang thiết bị gắn liền với cách thức tổ chức hành chính theo kiểu truyền thống. Năm 1886, Paul Bert cho dỡ bỏ các cửa ngõ của thành phố. Sau đó, năm 1893, người ta tiến hành phá huỷ các bức tường thành được xem là không phù hợp cho việc bảo vệ địa điểm này. Chính quyền mới trân trọng các công trình tôn giáo do chúng không gây trở ngại cho các dự án của họ và chấp nhận sự tồn tại của khu 36 phố phường.

Tuy nhiên, năm 1888, chính quyền thành phố Hà Nội ra lệnh cho những người sống ở ven đường xây dựng hành lang và rải đá cho các con đường, phá huỷ những địa điểm cư trú bao quanh trục đường công cộng. Ban đầu, ý muốn áp đặt những nguyên tắc của người Âu được thể hiện qua việc cấm xây dựng bằng các vật liệu nhẹ. Các nghị định quyết định thay thế các ngôi nhà tranh bằng nhà xây bằng gạch và lợp ngói trong các khu phố chính nhằm mục đích ngầm là xua đuổi những người bản xứ nghèo nhất. Kinh lược Nguyễn Hữu Độ làm mọi cách để phản đối tình trạng này bằng cách cho lập một ngôi làng gần nơi ông ta ở. Tuy nhiên, những ngôi nhà này của người bản xứ bị đẩy lùi dần rồi đi đến nhường chỗ hẳn cho thành phố thuộc địa.

Nằm xa chính quốc, xã hội thuộc địa tự tạo cho mình một bản sắc riêng theo điều kiện sống, hoạt động hàng ngày và những lễ hội của nó. Việc tham gia vào một dự án chung không làm mất đi những nét đặc sắc riêng của Hà Nội. Chính điều đó đã tạo nên một Hà Nội khác biệt và hấp dẫn.


Nguyễn Hồng Nhung