Không để bị động trong mọi tình huống
Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 03/03/2015
(HNM) - Trận đánh đầu tiên của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn Không quân 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân) trong cuộc đối đầu với không quân Mỹ ngày 3-4-1965 đã đánh dấu bước ngoặt thành công ở mặt trận trên không của bộ đội Không quân Việt Nam.
Thắng lợi đầu tiên ấy luôn là niềm tự hào, là động lực để các thế hệ phi công của Sư đoàn 371 không ngừng nâng cao ý chí, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Các chiến sĩ Trung đoàn Không quân 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371 chuẩn bị cho chuyến bay huấn luyện. Ảnh: Bá Hoạt |
Trong hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của Sư đoàn Không quân 371 không thể thiếu những buổi giao lưu, tọa đàm với lớp phi công đầu tiên trong chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Đó là Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Hanh; Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân; Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Lan; Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Nhật Chiêu… Những câu chuyện giản dị, chân thành và sống động của thế hệ cha anh kể lại đã giúp lớp phi công trẻ của Sư đoàn hiểu thêm về ý chí chiến đấu gan dạ, anh dũng của Sư đoàn nói riêng cả quân chủng nói chung. Ý chí, bản lĩnh của cha anh đã làm nên chiến thắng trận đầu lẫy lừng để 50 năm sau, Không quân Mỹ vẫn chưa lý giải được vì sao họ được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại hơn gấp nhiều lần mà vẫn phải chịu thua Không quân Việt Nam. Trong niềm tự hào về Không quân Việt Nam, Thượng úy phi công Nguyễn Trọng Tuyển (Trung đoàn Không quân 916) cho biết: "Được giao lưu với những người trực tiếp làm nên chiến thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam, chúng tôi càng thêm hiểu hơn về ý chí dám đánh, quyết đánh, biết tìm ra những cách đánh phù hợp, khai thác và vận dụng sáng tạo kho tàng nghệ thuật quân sự của dân tộc. Qua câu chuyện của các bác, các chú, chúng tôi thấy mình phải cố gắng học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để làm chủ vũ khí và sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Tại Trung đoàn Không quân 921, tinh thần kỷ niệm 50 năm Ngày đánh thắng trận đầu và 60 năm Ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam là động lực lớn tiếp thêm sức mạnh nâng cánh bay cho các phi công. Ba năm gần đây, thực hiện nhiệm vụ quân đội giao phó, Trung đoàn đã tiếp nhận máy bay Su 22 thay cho máy bay MiG-21. Vì vậy, công tác huấn luyện luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Trung tá Phạm Anh Tuấn, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Không quân 921 cho biết: "Xác định rõ nhiệm vụ của đơn vị là phải làm chủ được máy bay mới, nên trong thời gian qua, chúng tôi đã cử phi công đến các trung đoàn bạn để học tập, huấn luyện. Hiện tại, công tác huấn luyện chuyển loại bay ban ngày đã được các phi công thực hiện thuần thục và đang tập trung chuyển loại bay đêm". Kết quả đó đã thể hiện tinh thần cố gắng của toàn thể cán bộ, nhân viên và phi công trong đơn vị để xứng đáng với truyền thống của đơn vị đánh thắng trận đầu.
Sư đoàn Không quân 371 là lực lượng nòng cốt của bộ đội Không quân. Cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển được phân công, đơn vị còn có nhiệm vụ bay chuyên cơ, tìm kiếm cứu nạn… nên được biên chế, trang bị các loại máy bay, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, trong đó phải kể đến máy bay Su30-MK2. Để làm chủ trang bị, vũ khí hiện đại, tất cả các đơn vị của Sư đoàn đều đặt mục tiêu huấn luyện làm chủ vũ khí lên hàng đầu và nhiều năm liền đạt thành tích cao trong công tác huấn luyện. Các đơn vị của Sư đoàn đã làm chủ được vũ khí, khí tài mới, tổ chức trực ban sẵn sàng chiến đấu tốt, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống trên không; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đột xuất trên giao… Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Chính ủy Sư đoàn Không quân 371 cho biết: "Cùng với việc chú trọng đến công tác huấn luyện, chỉ huy sư đoàn còn đặc biệt quan tâm đến giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đội ngũ phi công, nhân viên kỹ thuật trẻ không chỉ cần được bồi đắp lòng yêu nước, truyền thống sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời xác định cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng. Vì vậy, tinh thần chiến đấu của cha anh, truyền thống của đơn vị luôn là bài học lịch sử quý giá để đội ngũ phi công, nhân viên kỹ thuật tự soi, tự rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng để nhận và hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là đơn vị nòng cốt của bộ đội Không quân trong thời chiến và cả thời bình".
Dưới chân núi Sóc, trong khuôn viên của Sư đoàn, tượng đài Không quân với hình ảnh người phi công tượng trưng cho sức mạnh làm chủ bầu trời hiên ngang như đang nhắn nhủ những người lính Không quân nơi đây rằng, đây không chỉ đơn giản là công trình kiến trúc văn hóa mà còn là niềm tự hào, là tài sản vô giá của Bộ đội Không quân Việt Nam.