Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khi trồng phật thủ: Hậu quả khôn lường

Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 02/03/2015

(HNM) - Việc sử dụng thuốc bảo vệ tùy tiện với tần suất quá lớn, khiến môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, đất đai ngày càng bạc màu.



Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ tùy tiện với tần suất quá lớn, khiến môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, đất đai ngày càng bạc màu. Nguy hiểm hơn khi lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hằng ngày thẩm thấu xuống lòng đất, hòa vào mạch nước ngầm...

Ảnh minh họa từ internet


Anh Tạ Hữu Quân một công nhân được thuê trông nom vườn phật thủ cho một hộ dân trong xã Đắc Sở (Hoài Đức) tiết lộ, cây phật thủ sống được nhờ vào... thuốc trừ sâu. Không có thuốc trừ sâu thì quả không thể mỡ màng, bóng đẹp được, bởi nó rất hay bị nhiễm bệnh. Các bệnh thường gặp trên phật thủ là nhện đỏ, bọ rầy…, khiến quả bị tì vết như xi măng bám hoặc trông giống như bị rỉ sắt. Theo anh Quân, thông thường mỗi vườn phật thủ, 1 tháng phải phun thuốc trừ sâu 3 lần; nếu phát hiện sâu nhiều thì phải phun 4 lần, thậm chí nhiều hơn. Do phải phun thuốc trừ sâu cho diện tích phật thủ lớn, lại thường xuyên nên chủ vườn đã đầu tư máy phun thuốc sâu hiện đại có giá 3 triệu đồng. Khi được hỏi về việc sử dụng thuốc BVTV, nguồn gốc, xuất xứ của từng loại thuốc, anh Quân cho biết do chủ vườn mua sẵn, bảo phun loại nào thì phun loại thuốc đó, chứ cũng không biết là thuốc gì.

Ông Nguyễn Doãn Hùng ở xã Đắc Sở có 1,7 mẫu trồng phật thủ đang cho thu hoạch và 1,6 mẫu mới trồng cho biết, vụ phật thủ thu lớn nhất trong năm là vụ Tết. Tuy nhiên, các vụ thu rải rác trong năm cũng rất nhiều. Theo ông Hùng, trồng phật thủ phải phun thuốc thường xuyên để trừ nhện đỏ, hạn chế nhện chăng lá, nhện ăn khiến cây cằn không lớn được. Phật thủ có quả quanh năm nên hằng tháng gia đình đều có phật thủ bán ra thị trường. Ngoài những quả đẹp bán làm quả thờ, những quả phật thủ "kém sắc" được gia đình sấy khô, bán cho các thương lái. Không biết để làm gì nhưng có thông tin cho rằng họ mua về để làm thuốc, e ngại dư lượng thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (?!). Hiện xã Đắc Sở là nơi có diện tích trồng phật thủ lớn nhất vùng với diện tích rộng hơn 300ha...

Nằm sát Đắc Sở, xã Yên Sở không có nhiều hộ trực tiếp trồng phật thủ nhưng lại có tới 75% diện tích đất bãi ven sông Đáy cho người dân xã Đắc Sở thuê để trồng phật thủ với diện tích lên tới 90ha. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Khoa cho biết, việc trồng phật thủ phun quá nhiều thuốc trừ sâu khiến môi trường bị ô nhiễm, người dân đã kiến nghị nhiều, làm đau đầu chính quyền địa phương. Ông Khoa cho biết thêm, khoảng 5 năm gần đây, cây phật thủ bắt đầu phát triển mạnh trên đất màu và khoảng 2 năm gần đây tiếp tục phát triển thay thế đất cấy 2 vụ lúa. Tuy không thống kê hết nhưng có thể khẳng định, trồng phật thủ cho hiệu quả rất cao, 1ha trồng phật thủ cho giá trị khoảng 900 triệu đồng. Hiện khu vực vùng bãi xã Yên Sở có 160 vườn phật thủ. Gia đình nhiều trồng hơn 1 mẫu; gia đình ít cũng trồng 5 sào; riêng xã Yên Sở có khoảng 30 hộ trồng. Bên cạnh nguồn lợi lớn từ những vườn phật thủ đem lại, người dân sống trong vùng trồng phật thủ đã và đang gánh chịu những hậu quả nhất định, những hôm các chủ vườn phun thuốc trừ sâu, mùi thuốc nồng nặc theo làn gió lùa vào bầu không khí trong xóm khiến người dân rất khổ sở.

Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, việc sử dụng thuốc BVTV quá nhiều, trong thời gian dài còn khiến đất sản xuất ngày càng trở nên cằn cỗi do đất chết đi hệ vi sinh và mất ôxy. Không chỉ làm đất đai bạc màu, nhiều hộ còn lo ngại lượng thuốc BVTV thẩm thấu xuống mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Đình Khoa cho biết, địa phương đã tính đến vấn đề này, song trước nguồn lợi quá lớn, việc mở rộng sản xuất của người dân quá nhanh, nhiều hộ trồng phật thủ bất chấp lợi ích lâu dài, chạy theo cái lợi trước mắt. Hơn nữa, phần lớn diện tích trồng phật thủ ở xã Yên Sở là của các hộ dân xã Đắc Sở sang thuê đất nên việc mời họ đến tập huấn về kỹ thuật và quy trình trồng phật thủ an toàn là rất khó. Đây cũng là khó khăn chung của các xã và huyện lân cận trong khu vực ven sông Đáy như Hiệp Thuận, Liên Hiệp (Phúc Thọ); Sài Sơn, Yên Sơn (Quốc Oai) có diện tích đất nông nghiệp lớn cho các hộ dân xã Đắc Sở thuê trồng phật thủ. Do đó rất cần sự vào cuộc, hướng dẫn, kiểm tra và nhắc nhở cũng như tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng để người trồng cây này có thêm kiến thức và quy trình, kỹ thuật mới về trồng cây phật thủ an toàn.

Nguyễn Mai