Đổi mới vì sự bình yên của thành phố

Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 01/03/2015

(HNM) - Là địa bàn cửa ngõ trung tâm thành phố, thời gian qua quận Cầu Giấy có bước chuyển mạnh mẽ trong quá trình đô thị hóa, tuy nhiên bên cạnh đó là những nét đặc thù phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Năm 2014, với những cách làm sáng tạo, hiệu quả theo phương châm "đổi mới, bền vững và phát triển", Công an quận Cầu Giấy đã vinh dự được Bộ Công an tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc cấp cơ sở". Để hiểu thêm những bài học kinh nghiệm đã được vận dụng, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Trưởng công an quận Cầu Giấy - Đại tá Nguyễn Văn Sơn.

Đặt vấn đề an dân lên hàng đầu

- Thưa ông, Cầu Giấy là địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua với hàng loạt dự án trọng điểm được triển khai. Điều đó tác động như thế nào tới tình hình an ninh trật tự địa bàn?

- Muốn dự án được triển khai phải có mặt bằng, điều đó liên quan đến hàng loạt vấn đề như công tác đền bù, bồi thường cho người dân, rồi việc đo đạc nhà cửa, đất đai, hỗ trợ tái định cư… Đây đều là những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi và cuộc sống của người dân, do đó luôn “nóng” và đặc biệt phức tạp. Vì lẽ đó, Quận ủy, HĐND, UBND quận Cầu Giấy xác định, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng gắn với quá trình xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn. Riêng năm 2014, quận Cầu Giấy có tổng số 68 dự án phải GPMB, với diện tích đất phải thu hồi là trên 83ha, liên quan đến gần 4.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, trong đó phải bố trí tái định cư cho trên 1.200 hộ gia đình. Và để thực hiện công tác GPMB ổn thỏa, vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an từ quận tới các phường là rất quan trọng, nếu không sẽ dẫn đến những phức tạp về tình hình an ninh trật tự như khiếu nại, khiếu kiện đông người hoặc xảy ra những vụ việc chống người thi hành công vụ như từng có ở một số địa phương khác.

- Vậy lực lượng công an cơ sở đã thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào?

- Thực hiện công tác GPMB đối với mọi dự án, chúng tôi luôn đặt vấn đề an dân lên hàng đầu. Trên quan điểm đó, chúng tôi đã trực tiếp tham mưu cho lực lượng chức năng và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu và ủng hộ các chủ trương lớn của thành phố và quận. Bên cạnh đó là phải công khai, dân chủ, minh bạch mọi vấn đề và chú trọng bảo vệ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

- Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Việc triển khai từng dự án đều được niêm yết công khai các văn bản có liên quan mang tính pháp quy của Nhà nước, rồi vấn đề đền bù, giải quyết tái định cư cho người dân và các đơn vị, tổ chức khi GPMB, các chế độ, chính sách triển khai, vận dụng… Cùng với đó, phải chủ động nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để tham mưu giúp các cấp có giải pháp tháo gỡ những phát sinh, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện.

- Với một số nơi, lực lượng công an chỉ là “khách mời” tham gia Hội đồng GPMB, do đó vai trò trong công tác này thường mờ nhạt. Chỉ khi xảy ra sự cố hoặc phải tổ chức cưỡng chế GPMB mới thường thấy sự xuất hiện của lực lượng công an. Cách làm nêu trên của công an quận có tác dụng như thế nào trong thực tế?


- Đồng chí Giám đốc CATP đã nhấn mạnh trong nhiều hội nghị nghiệp vụ, mọi việc làm của lực lượng công an Thủ đô đều hướng đến một mục tiêu duy nhất, đó là bảo đảm sự bình yên cho nhân dân. Thực hiện việc GPMB mà không để xảy ra “điểm nóng”, khiếu nại, khiếu kiện đông người; hạn chế tối đa việc tổ chức cưỡng chế; bảo đảm cho người dân công bằng về lợi ích; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực… đó cũng chính là trách nhiệm của chúng tôi.

Những nét đặc thù của địa bàn

- Thưa ông, là địa bàn cửa ngõ trung tâm thành phố, đâu là những nét đặc thù, trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an quận?

- Trước hết, quận Cầu Giấy có 22 trường đại học, cao đẳng, 75 trường mầm non, tiểu học, trung học với gần 8,1 vạn học sinh, sinh viên thường xuyên ăn ở, đi lại trên địa bàn. Điều này có những tác động trực tiếp tới việc bảo đảm tình hình an ninh trật tự. Lấy ví dụ như hồi tháng 5 năm ngoái, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tình hình học sinh, sinh viên trên địa bàn quận Cầu Giấy luôn sôi sùng sục. Các em, các cháu đều muốn làm một việc gì đó để thể hiện lòng yêu nước. Trách nhiệm của chúng tôi là phải phối hợp tốt với các trường trong việc quản lý, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên không để kẻ xấu kích động, lôi kéo tham gia tuần hành, biểu tình tự phát, có những hành vi gây mất trật tự nơi công cộng, ảnh hưởng đến môi trường ổn định phục vụ công cuộc phát triển của thành phố và đất nước. Nói gọn lại là như thế, nhưng thực sự hàng tháng trời, ngày đêm anh em chúng tôi đã phải lăn lộn với địa bàn, đóng góp cùng thành phố trong việc giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ở những khía cạnh khác, Cầu Giấy luôn có trên 2.500 người nước ngoài với hơn 30 quốc tịch đang sinh sống, làm việc trên địa bàn. Rồi hàng loạt “địa chỉ” kinh doanh nhạy cảm, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự như hơn 80 cơ sở kinh doanh karaoke; 370 khách sạn, nhà nghỉ; hơn 100 cơ sở kinh doanh vàng bạc; hơn 110 hiệu cầm đồ; hơn 2.000 phòng cho thuê trọ bình dân…

- Chúng tôi còn được biết, địa bàn quận hiện có 150 tòa nhà chung cư đã đưa vào hoạt động, song dân cư chưa ổn định?

- Vâng! Nhìn chung, dân cư trên địa bàn quận Cầu Giấy luôn biến động, trong đó đặc biệt là số lượng học sinh, sinh viên, người nước ngoài, người ngoại tỉnh tập trung làm ăn, sinh sống, khiến cho công tác quản lý hành chính vô cùng khó khăn. Điều đó cũng là những nguyên nhân khách quan dẫn đến hoạt động của các loại tội phạm rất phức tạp, rõ nét nhất là số đối tượng hoạt động liên tuyến cũng như hoạt động tại các khu vực giáp ranh.

- Ông có thể dẫn chứng cụ thể về sự phức tạp ở một phường trên địa bàn?

- Quận Cầu Giấy có phường Trung Hòa được thành phố xác định là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Đây là địa bàn phức tạp toàn diện cả về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và trật tự đô thị; là địa bàn có nhiều người nước ngoài tạm trú, có 562 trọng hộ trong đó có 47 chi nhánh ngân hàng, 11 cơ sở sản xuất kinh doanh vàng bạc, thường xuyên phải triển khai các phương án bảo vệ; đặc biệt trên địa bàn còn có hàng trăm cơ sở kinh doanh có điều kiện như karaoke, nhà nghỉ… Ấy là chưa kể tới siêu thị, trung tâm thương mại, hàng ăn, chợ tạm, chợ cóc…

Không để xảy ra đột xuất, bất ngờ

- Như ông đã nêu, trách nhiệm của lực lượng công an nói chung là bảo đảm sự bình yên cho nhân dân. Điều chúng tôi muốn tìm hiểu là sự khác biệt trong cách làm của Công an quận Cầu Giấy và thực tế đã mang lại những hiệu quả cụ thể?

- Trong thực hiện công tác nghiệp vụ, phương châm của chúng tôi là “đổi mới, bền vững và phát triển”. Đây đều là những vấn đề không mới, nhưng sự khác biệt là trong cách thức chúng tôi thực hiện. Trong xã hội, một đầu việc, một cách làm, một biện pháp thực hiện được cho là “đổi mới” để báo cáo, nói chung là không quá khó. Tuy nhiên “đổi mới” kiểu như vậy, phần nhiều không mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt nhiều khi “đổi mới” như thế chỉ có giá trị hoặc “ghi điểm” trong một khoảng thời gian nhất định, bởi sau đó không còn phù hợp, không phát huy được tác dụng trong thực tế.

- Ý ông là, sự đổi mới phải gắn với bền vững và phát triển?

- Đúng là như vậy. Lãnh đạo công an quận chúng tôi cho rằng, thực hiện đúng phương châm “đổi mới, bền vững và phát triển”, mỗi đơn vị nghiệp vụ của quận hay công an các phường chịu khó tìm tòi, đầu tư và thực hiện được một vài đầu việc thực sự… mới thì hiệu quả thu được đã là rất khả quan.

- Chúng tôi muốn tìm hiểu những cách làm cụ thể?

- Trên cơ sở các kế hoạch, chỉ đạo của Bộ Công an và Giám đốc CATP Hà Nội, chúng tôi đã đặt ra hai yêu cầu cụ thể đối với chỉ huy các đơn vị. Thứ nhất, là phải lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là điều kiện bắt buộc đối với cán bộ công an quận, nhưng mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ là mảng việc đơn vị mình phụ trách hoặc phần việc đơn vị mình quản lý không được để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Trong bất cứ một vụ việc cụ thể đều có các yếu tố chủ quan và khách quan, những yếu tố khách quan thì chúng ta không thể lường trước và phòng ngừa được, nhưng về phía chủ quan thì hoàn toàn chúng ta có thể chủ động đối phó với các tình huống. Tôi lấy ví dụ, đối tượng đi ngang qua một địa bàn, thấy chiếc xe máy sơ hở không khóa, có thể dễ dàng thực hiện hành vi trộm cắp. Về phía khách quan, đối tượng không phải người ở địa bàn, bất ngờ xuất hiện, thực hiện hành vi phạm tội, ở khía cạnh này, công an địa phương không thể chịu trách nhiệm về công tác quản lý đối tượng trên địa bàn. Song nếu chúng ta chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, người dân nêu cao cảnh giác, không tạo ra sơ hở để đối tượng nảy sinh ý định phạm tội thì vụ việc trên không thể xảy ra.

Tương tự như thế, để hàng quán bán quá giờ quy định, khách ăn nhậu rồi mâu thuẫn dẫn đến xô xát xảy ra trọng án hay những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân vì việc này việc nọ để âm ỉ kéo dài dẫn đến trọng án thì ở trong đó đều có những yếu tố mà chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa.

- Cách làm đó đã mang lại kết quả ra sao?

- Năm 2014, bước đầu tội phạm hình sự trên địa bàn quận Cầu Giấy đã được kìm chế; số vụ việc cũng như các loại tội phạm nghiêm trọng (ví dụ như trộm cắp xe máy, đột nhập nhà dân…) có chiều hướng giảm; tỷ lệ điều tra phá án đạt trên 77%, trong đó xảy ra 2 vụ trọng án, tỷ lệ khám phá đạt 100%. Không để hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân, không để hình thành “điểm nóng” về hình sự, kinh tế, ma túy… Nhìn chung, với những chỉ tiêu CATP đã giao, Công an quận Cầu Giấy đều hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu. Trong các đợt cao điểm phòng chống tội phạm, nhiều tập thể, cá nhân đã được thành phố và các cấp khen thưởng.

- Với địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự như phường Trung Hòa, tình hình như thế nào, thưa ông?

- Năm qua, ở đây không để xảy ra các vụ việc liên quan đến các trọng hộ, các chi nhánh ngân hàng, cơ sở kinh doanh vàng bạc. Trên địa bàn xảy ra 116 vụ phạm pháp hình sự (giảm 11 vụ so với năm trước), điều tra khám phá 87 vụ đạt tỷ lệ 75%... Nhìn chung việc chuyển hóa địa bàn đã có những chuyển biến tích cực.

- Trong triển khai những biện pháp, cách làm, công tác kiểm tra, giám sát và xác định trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo, chỉ huy từng cấp là đặc biệt quan trọng. Ông có cho rằng như vậy?

- Về vấn đề này, dù thành phố chưa yêu cầu nhưng chúng tôi đã thống nhất trong toàn công an quận việc đánh giá thi đua hằng tháng đối với cán bộ chiến sĩ và chỉ huy các cấp dựa trên đầu việc, chỉ tiêu cụ thể. Chỉ có như vậy mới có thể đánh giá đúng năng lực và hiệu quả công việc của cán bộ, chiến sĩ để quản lý và phân công, sắp xếp phù hợp.

- 2015 là một năm Thủ đô và đất nước có nhiều sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng. Công an quận Cầu Giấy sẽ duy trì những biện pháp, cách làm đã thu được hiệu quả trong năm 2014 như thế nào?

- Về cơ bản, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện phương châm “đổi mới, bền vững và phát triển”. Công an quận sẽ tổ chức đánh giá những biện pháp đã triển khai đồng thời có sự bổ sung và điều chỉnh nhằm nhân lên những việc đã làm tốt, hiệu quả và để phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm 2015 đã được Bộ Công an và CATP xác định.

- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!

Thái Sơn