Bài 2: “Làm tiền” từ chính sách ưu đãi

Kinh tế - Ngày đăng : 05:52, 01/03/2015

(HNM) - Hiện nay, những cơ sở pháp lý để kết luận việc doanh nghiệp (DN) có chuyển giá hay không chưa rõ ràng. Trong khi đó, các hành vi chuyển giá ngày càng trở nên tinh vi, thậm chí có sự biến tướng gây hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế.


Những lỗ hổng...

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khác biệt trong chính sách điều tiết lợi ích của Nhà nước đối với việc thu hút đầu tư, cơ sở pháp luật để xác định việc DN có chuyển giá hay không khá mong manh. Trước đây, DN thường thực hiện hành vi chuyển giá thông qua những giao dịch liên kết như công ty mẹ - con hay thông qua một quy trình hoặc công đoạn sản xuất nào đó. Hiện nay, hành vi chuyển giá có thể được thực hiện ngay trong quá trình triển khai xây dựng dự án và mở rộng ra ở nhiều khâu, nhiều công đoạn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN với quy mô ngày càng lớn hơn. Các hình thức chuyển giá này thông qua việc đẩy giá các hợp đồng xây dựng chuyển giao công nghệ, hợp đồng với nhà thầu, nhượng quyền thương mại… với mục đích để được khấu hao trong quá trình hoạt động dự án. Ngay sau đó, chuyển giá tiếp tục diễn ra ở các khâu đầu tiên của hoạt động đầu tư như nâng giá trị đầu vào, hạ giá trị đầu ra. Trong trường hợp này, vốn đầu tư sẽ "đội" lên rất lớn trong tài sản cố định để được khấu hao trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án. Chính vì vậy, những DN có khoản hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) lớn, DN được hưởng các ưu đãi về đầu tư, DN phải chịu thuế nhà thầu và thường khai báo lỗ... rất có khả năng nằm trong "danh sách đen" chuyển giá.

Quy định cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá thị trường - một giải pháp hiệu quả trong chống chuyển giá. Ảnh: Bá Hoạt


Như vậy, có thể thấy rằng, việc tháo gỡ hàng rào thuế quan giữa các quốc gia vô hình trung tạo điều kiện cho DN chuyển giá. Bởi trước đây, DN không dám cơi giá cao vì sợ đánh thuế, bây giờ họ thoải mái cơi giá bao nhiêu cũng được. Có không ít trường hợp rất khó để kiểm soát việc chuyển giá, do đối tượng giao dịch là sản phẩm độc quyền từ công ty mẹ ở nước ngoài nên rất khó xác định giá thị trường để so sánh.Với việc cơ quan thuế không có cơ sở để so sánh về giá để kiểm soát giao dịch, DN FDI có thể chuyển lợi nhuận về nước một cách công khai.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập gần như không còn rào cản về biên mậu. Điều này giúp hàng hóa của chúng ta dễ dàng xâm nhập vào các thị trường lân cận, đổi lại, hàng hóa của các nước cũng tràn vào thị trường nội địa, tạo ra một thị trường phong phú, đa dạng, đem lại nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh của các DN cũng lớn hơn rất nhiều. Nhằm mục đích tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận, nhiều DN, nhà đầu tư đã luồn lách, tận dụng kẽ hở của pháp luật để trốn thuế, trong đó phổ biến nhất là hình thức chuyển giá với vô vàn thủ đoạn tinh vi, khó lường.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển giá hiện nay không loại trừ ở loại hình DN nào, thậm chí DN quốc doanh cũng có chuyển giá. Ví dụ chuyển giá thông qua hình thức và cơ chế quản lý giữa công ty mẹ - con. Công ty mẹ được sự bao cấp của Nhà nước thông qua các định mức lợi nhuận, hao hụt. Khi công ty mẹ phân xuống đại lý cấp 1, đại lý bán lẻ lại không tuân thủ cách thức này. Các đại lý bán lẻ có lãi nhưng công ty mẹ lại bị lỗ. Lỗ thì Nhà nước gánh, còn lời thì nằm lại đại lý - Luật sư Hạnh phân tích.

... và việc lợi dụng chính sách ưu đãi

Theo một số chuyên gia, các công ty thường dựa vào chính sách ưu đãi đầu tư đối với các vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được miễn giảm thuế TNDN. Theo quy định của pháp luật "DN thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; DN thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo…"(Điều 14 Luật thuế TNDN). Với chính sách ưu đãi này, không ít DN thành lập các công ty con tại các địa bàn, lĩnh vực được miễn giảm thuế TNDN với mục đích chuyển giá.

Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, một tập đoàn nước chấm nổi tiếng hiện nằm trong "tầm ngắm" của cơ quan thuế do nghi vấn chuyển giá thông qua việc thành lập nhiều công ty con tại nhiều địa phương vào những thời điểm khác nhau để hưởng ưu đãi thuế. Các công ty khác trong tập đoàn sẽ dồn doanh thu cho công ty được hưởng ưu đãi thuế nhằm giảm số thuế phải nộp. Nhiều DN khác "lách luật" bằng cách ngừng hoạt động hoặc giải thể khi hết ưu đãi, sau đó lập công ty khác để hưởng ưu đãi từ đầu. Còn theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Phước, các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp của tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các huyện như Đồng Phú, Phước Long, Chơn Thành, Bình Long là các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế TNDN theo quy định. Vì vậy nhiều DN ở các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… đến thành lập DN, đầu tư dự án… Một DN đã có doanh thu và lợi nhuận nhất định. Thế nhưng, Cục Thuế Bình Phước lại không thu được đồng thuế nào vì DN đang hoạt động trong thời hạn được miễn giảm thuế TNDN theo quy định về ưu đãi đầu tư. Chẳng hạn, một số DN tại tỉnh Bình Phước có mối liên kết với công ty ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... hay được chính những công ty này thành lập để thu gom các mặt hàng nông lâm sản, sau đó bán lại cho công ty để xuất khẩu với giá cao nhằm mục đích chuyển lợi nhuận về địa bàn ưu đãi đầu tư về thuế TNDN. Công ty tại địa bàn này có lãi nhưng lại không phải đóng thuế. Như vậy, họ đã hợp thức hóa được các khoản lợi nhuận mà không phải đóng một đồng thuế nào cho Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, nghi vấn chuyển giá từ các công ty ở địa bàn không được ưu đãi đầu tư sang các công ty đang hoạt động ở địa bàn ưu đãi, đầu tư còn thời hạn miễn giảm thuế TNDN chắc chắn là có. "Như vậy, từ một chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào các địa bàn kinh tế khó khăn, góp phần phát triển các địa bàn này đã bị các DN lợi dụng, trở thành công cụ để trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước", Luật sư Nguyễn Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Nguyễn Lê - Đặng Loan