Sửa đổi Bộ luật Dân sự: Nhiều ý kiến bàn luận về hình thức sở hữu toàn dân

Chính trị - Ngày đăng : 16:57, 27/02/2015

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, chuyên gia pháp luật, nhà khoa học, trong đó một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là việc quy định rõ các hình thức sở hữu trong dự thảo Bộ luật này.

Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu, gồm: Sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu chung; sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở vận dụng nguyên tắc việc xác định các hình thức sở hữu cần phải dựa vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu, dự thảo Bộ luật Dân sự quy định 3 hình thức sở hữu bao gồm: Sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.

Sở hữu toàn dân là sở hữu đối với tài sản công, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý. Sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân. Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. (Ảnh minh họa. Nguồn: TH).



Về vấn đề này, ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp, thành viên Tô Biên tập cho biết hiện có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật vì: Điều 53 Hiến pháp đã quy định về sở hữu toàn dân và BLDS cần ghi nhận hình thức sở hữu toàn dân để phù hợp với Hiến pháp. Ý kiến này cũng cho rằng, đối tượng của sở hữu toàn dân là những tài sản có giá trị lớn, là tư liệu sản xuất chủ yếu của đất nước; do đó, sở hữu toàn dân là hình thức sở hữu rất quan trọng cả về mặt kinh tế và chính trị. Vì vậy, sở hữu toàn dân cần được coi là một hình thức sở hữu độc lập.

Những người ủng hộ quan điểm thứ nhất cũng cho rằng, cơ chế thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu toàn dân có nhiều điểm đặc thù so với các hình thức sở hữu khác, do chỉ có Nhà nước mới có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân và có chế độ pháp lý riêng cho Nhà nước thực hiện quyền này. Do vậy, cần quy định hình thức sở hữu toàn dân trong BLDS.

Loại ý kiến khác đề nghị, quy định hai hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân là một dạng đặc biệt của sở hữu chung (sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý).

Theo ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam: Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định 3 hình thức sở hữu, bao gồm: Sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 53 của Hiến pháp. “Việc xác định rõ hình thức sở hữu toàn dân không chỉ có ý nghĩa pháp lý đơn thuần mà còn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phù hợp với định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân” - ông Lê Minh Tâm nói.

Phân tích cơ chế thực hiện quyền sở hữu tài sản thuộc sở hữu toàn dân có đặc thù riêng, không giống như các tài sản chung khác, vì vậy, theo ông Lê Minh Tâm, cần có cơ chế để bảo đảm cho Nhà nước thực sự là đại diện chủ sở hữu của sở hữu toàn dân, nhưng đó là quyền do nhân dân ủy quyền và phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dân chủ và hiệu quả để chống lạm dụng, tham nhũng...

Đồng quan điểm, ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng: Hiến pháp 2013 đã quy định rõ hình thức sở hữu toàn dân. Do vậy, việc đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hình thức sở hữu toàn dân là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật cần cân nhắc quy định sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu hay nằm trong sở hữu chung.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp lại cho rằng, cần bỏ quy định “sở hữu toàn dân”, bởi: “Về hình thức sở hữu, có vấn đề là chúng ta đang nhầm lẫn giữa chế độ sở hữu và hình thức sở hữu”.

Theo ông Nguyễn Xuân Thu, sở hữu toàn dân được quy định trong Hiến pháp (Điều 53) nên được hiểu là chế độ sở hữu. Trong sở hữu toàn dân thì không tồn tại chủ thể là toàn dân mà chỉ Nhà nước mới có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản công (với tư cách đại diện toàn dân). Do đó, nên hiểu sở hữu toàn dân là chế độ sở hữu, còn hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước.

Cho rằng, quy định về sở hữu toàn dân ở một góc độ nào đó sẽ giúp Luật không trái với Hiến pháp, nhưng Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa lại chỉ ra, trên thực tế, không có sở hữu toàn dân với tư cách là người đại diện chủ sở hữu mà chỉ có sở hữu riêng, sở hữu chung và sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương lại lập luận, nếu nói sở hữu toàn dân gây ra sự mù mờ về chủ sở hữu là không đúng, vì trên thực tế có một số quyền không thể thực hiện đồng nhất với quyền sở hữu nhà nước được như: Quyền hưởng lợi từ tài sản thuộc sở hữu toàn dân, quyền kiểm tra, giám sát đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Theo Thu Hằng