Hình thành mặt bằng giá mới?

Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 27/02/2015

(HNM) - Những ngày sau Tết, dù giá thực phẩm chỉ tăng nhẹ ở một số mặt hàng, nhưng giá các dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các hàng quán nhỏ vẫn nằm ở mức cao với lý do


Thực phẩm tăng giá nhẹ

Sau ngày mùng 6 Tết, các hoạt động ở TP Hồ Chí Minh đã trở lại bình thường, các chợ, siêu thị cũng đã mở cửa trở lại. Ghi nhận ở một số chợ lẻ cho thấy giá cả vẫn như những ngày trước Tết, chỉ rau xanh, trái cây, thủy hải sản có nhích nhẹ. Tăng giá nhiều nhất là trái cây, đơn cử quả doi hiện khoảng 17.000 - 20.000 đồng/kg (tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg); na khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg (tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg); xoài cát Hòa Lộc 60.000 đồng/kg… Theo chị Thương, tiểu thương bán hàng ở chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) thì giá trái cây đắt là do lượng hàng tập trung vào trước Tết, hiện hàng về ít hơn trong khi nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt để cúng, lễ, vẫn cao nên giá tăng. Các loại rau như khổ qua (mướp đắng), cải ngọt, bắp cải, bầu, bí… có giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, tăng nhẹ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với trước Tết. Các loại cá dao động mức 60.000 - 130.000 đồng/kg: cá lóc nuôi khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg, cá điêu hồng 50.000 - 60.000/kg tùy trọng lượng; tôm thẻ chân trắng 180.000 - 190.000 đồng/kg, tôm đất 200.000 - 220.000 đồng/kg…

Giá trái cây tại TP Hồ Chí Minh tăng nhẹ sau Tết.



Trong khi giá ở các chợ lẻ có dao động thì hàng hóa ở các siêu thị vẫn tương đương giá bán ngày thường. Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, thịt bò các loại giá dao động ở mức 150.000 - 300.000đồng/kg, thịt gà ta khoảng 87.000 đồng/kg, các loại cá quanh mức 30.000 - 120.000đồng/kg… Nhiều mặt hàng tươi sống ở siêu thị này cũng đang được giảm giá 10% - 20%. Còn tại hệ thống siêu thị Big C, theo ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng, giá tất cả mặt hàng vẫn như trước Tết đúng như đơn vị này đã cam kết bình ổn giá trong suốt thời gian trước và sau Tết.

Giá dịch vụ ăn uống tăng vọt!

Trong khi giá thực phẩm chỉ nhích nhẹ thì các dịch vụ ăn uống, nhất là các hàng quán nhỏ, quán ăn đường phố đã tăng giá rất cao, thậm chí có nơi tăng đến 50%, ví như một tô bún chả cá Nha Trang ở làng đại học Thủ Đức trước Tết là 20.000 đồng thì những ngày trong và sau Tết là 30.000 đồng.

Không tăng đến 50% nhưng rất nhiều hàng quán nhỏ đã "phụ thu" khoảng 15% - 40% từ trước Tết cho đến ngày mùng 6 hoặc mùng 10 Tết. Chị Thơ (nhà quận 8) cho biết, ngày mùng 1 Tết chị phải trả thêm gần 40.000 đồng cho 2 ly cà phê ở Coffee Bean (Đồng Khởi, quận 1) vì nơi này phụ thu 15%. Quán bún bò trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) gần siêu thị Big C tăng giá từ 30.000 đồng ngày thường lên 40.000 đồng. Quán hủ tiếu Nhân Quán ở đường Bàu Cát (quận Tân Bình) "phụ thu" 5.000 đồng, từ 30.000 đồng/tô trước Tết tăng lên thành 35.000 đồng. Quán hủ tiếu nam vang bình dân ở đường Phạm Thế Hiển (quận 8) tăng trung bình khoảng 5.000 đồng/món. Quán bánh canh Huế ở góc đường Nguyễn Thông - Kỳ Đồng thông báo "phụ thu" 2.000 đồng/tô…

Không như năm trước là gần như tất cả nhà hàng quán ăn "phụ thu" thì năm nay tình trạng này chủ yếu xảy ra ở các hàng quán nhỏ, còn các quán cà phê, tiệm ăn lớn vẫn giữ nguyên giá như trước Tết, thậm chí cả các chương trình giảm giá. Theo các chủ quán, lý do tăng giá là do giá thực phẩm tăng, đồng thời tiền công trả cho nhân viên trong những ngày này phải tăng gấp hai so với ngày thường. Vì lý do đó, theo chị Thiên, chủ quán gà trên đường Tô Ký (quận 12), ngày Tết có thể tăng giá, nhưng chỉ hợp lý ở mức 15% - 30%, còn tăng đến 40% - 50% là quá cao, bởi mức tăng này chủ yếu để "bù" vào tiền công, tiền thưởng cho nhân viên, còn giá thực phẩm vì chỉ tăng nhẹ nên không tác động đáng kể vào giá thành.

Trong khi nhiều người tiêu dùng phản ứng việc tăng giá, cũng có người đồng tình. Anh Đức (ở quận Tân Bình) cho rằng, việc tăng giá 5.000 - 7.000 đồng/món ăn trong ngày Tết là hợp lý, vì hàng quán phải phục vụ trong ngày nghỉ. "Tuy nhiên, Tết đã qua thì phải trở lại với mặt bằng giá cũ chứ không thể nhân đó thiết lập một mặt bằng giá mới", anh Đức nói.

THÙY LINH