Tạo khung pháp lý quản lý, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo

Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 27/02/2015

(HNM) - Trong phiên họp ngày 26-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về phương án phân bổ vốn trái phiếu chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015; một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.



Chính phủ đề nghị dành 7.500 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015 phân bổ cho một số dự án, công trình trọng điểm. Cơ bản đồng tình với đề xuất trên, UBTVQH đề nghị xem xét, làm rõ công trình, dự án nào thực sự cần thiết, đang dang dở để việc triển khai bảo đảm tính chính xác, hiệu quả.

Với dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các ý kiến thống nhất quan điểm về sự cần thiết ban hành luật, phạm vi điều chỉnh, các nội dung về đảo; ranh giới trên biển, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo bám sát mục tiêu ban hành luật là quản lý, khai thác hợp lý các vùng biển, bao gồm các dạng tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Việc xây dựng luật này cùng các luật chuyên ngành hiện có phải là chìa khóa để các ngành quản lý, phát triển biển, đảo một cách bền vững. Theo nhận định của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH, việc quy định công cụ, cơ chế điều phối, phối hợp các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển Ban soạn thảo đề xuất phù hợp với Luật Biển Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Thông tin đáng lưu ý là sẽ không đóng dấu "mật" các tài liệu có liên quan ngân sách nhà nước, ngoại trừ các vấn đề liên quan quốc phòng - an ninh, bí mật quốc gia.

Về chi ngân sách, ý kiến giữa Ban soạn thảo (Bộ Tài chính) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) có sự khác biệt. Để tránh trùng lặp, lãng phí, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị quy định ngân sách trung ương bảo đảm các khoản chi về đối ngoại, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, chi đầu tư cơ sở hạ tầng có tính liên kết vùng về giao thông, thủy lợi... Song, Bộ Tài chính nêu quan điểm đề xuất này mâu thuẫn với các luật chuyên ngành về phân cấp quản lý kinh tế - xã hội hiện thời, nếu triển khai sẽ vướng mắc trong tổ chức thực hiện…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan chức năng lấy ý kiến rộng rãi, tạo sự đồng thuận giữa các ngành, địa phương về các vấn đề có ý kiến khác nhau, bảo đảm mỗi đề xuất đều có tính khả thi; nếu cần, có thể đề nghị Quốc hội kéo dài thêm thời gian thảo luận, tiếp thu...

Hồ Bách