Xây dựng sân bay Long Thành: Có cần sử dụng đến 5.000 ha đất?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:28, 26/02/2015

Sáng nay (26/2), Thường vụ Quốc hội tiếp tục bàn về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Thường trực Ủy ban Kinh tế khẳng định việc đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết. Tuy nhiên, Ủy ban này đề nghị rà soát, tính toán lại diện tích của dự án xem có cần thiết phải sử dụng đến 5.000 ha đất không vì một phần lớn diện tích không liên quan trực tiếp đến dự án là 2.250 ha. Có ý kiến đề nghị tách khu dành cho quân sự và khu công nghiệp hàng không ra khỏi phạm vi dự án.

Ông Nguyễn Văn Giàu trình bày quan điểm của Ủy ban Kinh tế tại phiên họp


Qua làm việc và làm việc, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, không nên sử dụng sân bay quân sự Biên Hòa để kết hợp khai thác hàng không dân dụng với cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Việc mở rộng và cải tạo cảng hàng không Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm nhưng phải đầu tư kinh phí rất lớn giải tỏa, đền bù, tái định cư (tương đương 9,1 tỷ USD), đồng thời nhìn về dài hạn nếu nhu cầu vượt quá 50 triệu khách/năm thì cũng không thể tiếp tục mở rộng.

“Có ý kiến đề nghị nếu cần thiết phải sử dụng đến 5.000 ha đất thì Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu hồi đất một lần để tạo quỹ đất thực hiện quy hoạch cả 3 giai đoạn. Đối với phần đất chưa sử dụng, Nhà nước giao cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục sử dụng trồng cao su để tránh lãng phí” – ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải trình thêm về tính khả thi trong các phương án huy động vốn vì phương án Chính phủ đưa ra là chưa thuyết phục. Có ý kiến cho rằng, suất đầu tư của dự án cao hơn so với suất đầu tư cảng hàng không quốc tế các nước trong khu vực.

Chính phủ đã tiến hành rà soát lại đơn giá và mức đầu tư, qua rà soát cho thấy tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 1 là 5.236 triệu USD giảm khoảng 2.601,6 triệu USD so với dự toán trình Quốc hội với cơ cấu vốn là: ODA 1.389,4 triệu USD (chiếm 26,53%), vốn NSNN 578 triệu USD (chiếm 11,5%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP… 3.268,8 triệu USD (62,42 %).

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác của tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công. Chỉ sử dụng vốn Ngân sách nhà nước vào những hạng mục đầu tư không thể huy động vốn từ doanh nghiệp.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần làm rõ 3 vấn đề lớn: Diện tích sử dụng dự án nhiều hay ít; Phương án sử dụng vốn, huy động vốn, phân kỳ; Bồi thường tái định cư…/.

Theo VOV