Âm sắc mới trên xứ Mường Khánh Thượng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 26/02/2015
Tiếng cồng từ tâm thức
Đường vào thôn Khánh Chúc Bãi đi qua chợ Chẹ sầm uất đã được rải đá dăm, rộng đến 5m, dễ đi hơn nhiều so với con đường đất đá lởm chởm, nhỏ hẹp 2 năm về trước. Nhà văn hóa thôn Khánh Chúc Bãi có sân bãi rộng tới mấy nghìn mét vuông ăm ắp không khí Tết, rộn ràng tiếng cồng chiêng. Khu vực trung tâm, cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay trong gió xuân, hàng trăm người, rộn ràng háo hức quanh các sân bóng đá, bóng chuyền, bắn nỏ, ném còn, kéo co... một không khí lễ hội ấm áp báo hiệu một năm mới đủ đầy, hạnh phúc. Trưởng thôn Nguyễn Xuân Sứng hào hứng khoe: "Năm 2014 huyện Ba Vì và xã Khánh Thượng quan tâm đầu tư cho thôn một bộ cồng chiêng đủ 12 chiếc. Bà con vui lắm, cùng nhau hăng say tập luyện đêm ngày, hôm nay là buổi biểu diễn chính thức đầu tiên của đội trước dân làng". Ông Nguyễn Xuân Sứng dẫn chúng tới gặp bà Đinh Thị Hoa, một trong những thành viên nòng cốt của đội cồng chiêng làng Khánh Chúc Bãi. Bà Hoa kể: "Xưa kia, cứ mỗi dịp lễ tết hay có việc của thôn chúng tôi đều phải đi mượn cồng chiêng, vừa phiền hà, vừa không chủ động công việc. Từ khi Nhà nước đầu tư cho bộ cồng chiêng mới, từ các cụ già đến cháu nhỏ đều hăng hái tham gia luyện tập, vừa để phục vụ bà con, vừa góp phần bảo tồn được những điệu múa, điệu hát cổ xưa của dân làng".
Đội cồng chiêng thôn Khánh Chúc Bãi. |
Thôn Khánh Chúc Bãi đã thành lập 2 đội cồng chiêng, gồm đội của chi hội phụ nữ và đội của người cao tuổi. Theo những người cao tuổi ở thôn Khánh Chúc Bãi, trong mọi hoạt động tín ngưỡng, lễ hội của người Mường đều không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng. Cồng chiêng không chỉ là một loại nhạc cụ mà đã trở thành một giá trị văn hóa tinh thần thiêng liêng của đồng bào nơi đây. Tiếng cồng chiêng gắn bó với đồng bào Mường từ lúc sinh ra cho đến khi về với Mường ma. Những dịp lễ, tết, tiếng cồng chiêng vang động khắp bản Mường. Với người Mường, tiếng cồng chiêng vừa thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc, vừa có vai trò thúc đẩy năng lực lao động sản xuất trong mỗi con người. Vì vậy, tiếng cồng, tiếng chiêng là đại diện cho "âm thanh may mắn", khi vang lên sẽ thấm sâu trong mỗi con người và hòa vào thinh không cùng âm sắc bản làng. Ông Đinh Văn Khương, một trong những người cao tuổi của thôn Khánh Chúc Bãi cho biết: "Từ tối giao thừa đến ngày chúc thọ các cụ cao niên trong làng - mùng 4 tháng Giêng vừa qua, chúng tôi đã chơi cồng chiêng để chào mừng năm mới, chào mừng những niềm vui trong bản làng". Kể về nét truyền thống văn hóa đặc sắc của bản Mường mình, cụ Đinh Thị Dùng giọng rành rọt: "Bộ cồng chiêng hoàn chỉnh có 12 chiếc, chia đều ra làm 3 bộ, gồm chiêng dàm, chiêng bồng và chiêng tlé. Ngoài ý nghĩa mang từng âm thanh khác nhau, mỗi chiếc cồng chiêng còn đại diện cho 12 tháng trong năm". Người Mường có tới hơn 20 lễ hội sử dụng cồng chiêng như, giao thừa, mừng thọ, mừng nhà mới, lễ thành hôn, lễ khai hạ...
Theo những người cao niên trong làng Khánh Chúc Bãi, ở Tây Nguyên, người chơi cồng chiêng chủ yếu là nam giới thì với người Mường lại là nữ giới. Cụ Đinh Thị Dùng cho biết, so với trước, cách thức trình diễn cồng chiêng hiện nay linh hoạt, cởi mở, từ dàn chiêng nhỏ tới dàn chiêng lớn hàng trăm chiếc, đều có thể phối hợp giai điệu chuẩn mực, giàu mỹ cảm với không gian văn hóa đặc sắc của người Mường. Nói thêm về cồng chiêng, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng đánh giá không gian văn hóa cồng chiêng Mường có giá trị cao, nâng đỡ sự cộng cảm, bồi dưỡng tinh thần cộng đồng và lòng tự hào dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt trong mỗi bản làng người Mường ở mảnh đất Khánh Thượng.
...Và những âm sắc mới
Thôn Khánh Chúc Bãi là một dải đất nằm ngoài đê bao, được bao bọc ba bề bởi dòng Đà giang vừa hùng vĩ, vừa chứa đựng nhiều bí ẩn. Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng thôn Nguyễn Xuân Sứng, miêu tả Đà giang là "một dòng sông "cá tính" bậc nhất trên dải đất hình chữ S". Vì thế mỗi người Mường ở đây vừa mang trong người lòng tự hào, nhưng cũng vừa phải thích nghi với điều kiện địa lý khi họ gần như nằm trọn trong lòng sông Đà luôn chông chênh. Ông Sứng cho biết thêm: "Người Mường Khánh Chúc Bãi sống bên sông Đà hàng trăm, hàng nghìn năm qua đã được dòng sông chở che, bao bọc. Dòng sông đã rèn dũa nên những con người bản lĩnh, dạn dày". Sinh sống trên một địa bàn không mấy thuận lợi, (bên kia sông Đà là địa phận tỉnh Hòa Bình , cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 80km) nên qua bao thế hệ, người Khánh Chúc Bãi đã tôi luyện được một tinh thần không lùi bước trước thử thách, khó khăn.
Xã Khánh Thượng tổ chức bóng đá vui xuân Ất Mùi. |
Hiện nay thôn có 134 hộ dân với hơn 600 khẩu, trong đó có 90% là người Mường. Cuộc sống của người Khánh Chúc Bãi dựa chủ yếu vào nông nghiệp, trong đó trồng lúa, trồng ngô và trồng rừng là nguồn thu chính. Dù đại đa số các hộ gia đình đều chưa được khá giả nhưng cuộc sống no đủ đã hiển hiện, nhất là từ sau khi việc dồn điền đổi thửa thành công, sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi hơn. Ông Sứng cho biết, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (22,4ha) của thôn đã được dồn điền đổi thửa, mỗi hộ gia đình giờ chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng, rất thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Thêm nữa, việc làm đất giờ đây không còn phải trông cậy vào sức trâu, sức bò như trước, thay vào đó là 5 chiếc máy bừa, hoạt động hết công suất trong 4 đến 5 ngày là hoàn thành khâu làm đất. "Nhờ việc này mà năm nay bà con đón năm mới vui hơn vì việc cấy hái đã xong theo đúng lịch gieo cấy của xã từ trong năm"- ông Sứng vui vẻ nói. Tìm hiểu thêm việc này tại nhà chị Hoa, chúng tôi được biết, gia đình có 8 sào lúa nhưng chỉ với 2 lao động làm trong 5 ngày đã hoàn thành. Chi Hoa nói: "Nếu trước kia, với diện tích này tôi phải làm quần quật mất nửa tháng trời, vừa không bảo đảm tiến độ lịch gieo cấy của xã, vừa tốn sức lao động, cây trồng cũng không có năng suất cao. Giờ thì mọi thứ đã khác nhiều, một năm canh tác được 3 vụ (2 vụ lúa, một vụ ngô), tăng một vụ so với trước nhưng vẫn có nhiều thời gian để làm việc khác".
Ngoài trồng lúa, người dân Khánh Chúc Bãi còn trồng ngô, trồng cây thuốc và trồng 35ha rừng keo, bạch đàn cho nguồn thu nhập ổn định. Thêm một niềm vui khác là kể từ khi nhận danh hiệu làng văn hóa vào năm 2012 đến nay, những hủ tục rườm rà, lạc hậu như rượu chè, cờ bạc... đã không còn, thay vào đó là những hoạt động văn hóa truyền thống như cồng chiêng, trang phục, các trò chơi dân gian... mang lại một khí thế vui tươi, cuộc sống lành mạnh trong bản làng. Số hộ nghèo cũng giảm xuống, chỉ còn 3 hộ so với hàng chục hộ trước kia và nhiều hộ dân đang vươn lên làm giàu từ trồng rừng, nuôi lợn, nuôi bò.
Trước khi chia tay bản Mường, ông Nguyễn Xuân Sứng đã dẫn chúng tôi ra xem cổng làng vừa được khánh thành. Ông Sứng nói: "Công trình chưa hoành tráng nhưng đó là công sức của cả làng, là tấm lòng của những người con xa quê góp sức. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đặt kế hoạch nâng cấp nhà văn hóa, đường thôn xóm để cuộc sống người dân nơi xa nhất Thủ đô từng bước đàng hoàng, khang trang hơn". Rời Khánh Chúc Bãi trong lòng chúng tôi cũng rộn ràng cùng tiếng cồng, tiếng chiêng nơi núi rừng Khánh Thượng.