Lễ hội Gióng đền Sóc: Vinh danh, quảng bá văn hóa truyền thống
Văn hóa - Ngày đăng : 07:27, 24/02/2015
Lễ hội Gióng tại đền Sóc. Ảnh: Hoàng Minh |
Là một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, ngài phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Đây được coi là một trong những hình tượng đẹp và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam. Để tưởng nhớ công đức của ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi về trời, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hằng năm, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng.
Lễ hội đền Sóc năm nay được UBND huyện Sóc Sơn tổ chức trong niềm hân hoan, khi quần thể khu di tích đền Sóc vinh dự là một trong 14 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 5 (Quyết định số 2408/QĐ-CP ngày 31-12-2014). Cùng với lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, BTC sẽ thực hiện nghi thức đón Bằng chứng nhận Tượng đài Thánh Gióng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng lớn nhất Việt Nam". Hai sự kiện này được tổ chức gắn liền với hoạt động lễ hội truyền thống, vừa vinh danh giá trị di tích, vừa mang ý nghĩa giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa độc đáo của khu di tích, những tiềm năng, thế mạnh của huyện Sóc Sơn với du khách trong và ngoài nước. Mục tiêu của BTC là thông qua các hoạt động giàu ý nghĩa này để tôn vinh các giá trị văn hóa giàu truyền thống và "khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước" - như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hữu Mạnh khi xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội.
Để có thể thực hiện mục tiêu ấy, điều quan trọng là khâu tổ chức phải được chuẩn bị thật chu đáo, bảo đảm an toàn, vui, lành mạnh và tiết kiệm - đúng chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015.
Từ trước Tết Nguyên đán, UBND huyện Sóc Sơn đã thống nhất phương án, kế hoạch tổ chức lễ hội. Bên cạnh các hoạt động chuẩn bị lễ phẩm, lễ vật phục vụ nghi lễ rước (rước giò hoa tre, rước voi, rước trầu cau, rước ngà voi…); đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân tham gia lễ rước thực hiện nghiêm túc các quy định của BTC.
Quần thể khu di tích đền Sóc thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh (Sóc Sơn, Hà Nội), bao gồm 6 công trình: Đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), Tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống như lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa… Theo kế hoạch, phần lễ của hội đền Sóc sẽ được mở đầu bằng lễ dâng hương, sau đó là lễ rước truyền thống của 8 đoàn rước thuộc các thôn, xã lân cận khu vực đền Sóc. Ở phần hội, sẽ tổ chức hát quan họ tại hồ trước đền Mẫu, nhà Bát Giác từ mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng. Ngoài ra, còn có nhiều trò chơi dân gian như chơi đu, đập niêu, bắt vịt…, giải bóng chuyền, biểu diễn võ thuật… được Trung tâm TDTT huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trong dịp lễ hội này.
Theo BTC, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội đền Sóc 2015 đã hoàn tất từ trước Tết Nguyên đán. Tuy vậy, Lễ hội đền Sóc có diễn ra an toàn, trật tự, văn minh hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động nhập cuộc của nhà quản lý và quan trọng hơn cả là ý thức của mỗi người dân khi tham dự lễ hội.