Viện Viễn đông Bác cổ: Nhịp cầu kết nối học thuật Việt Nam với thế giới
Văn hóa - Ngày đăng : 07:22, 24/02/2015
Thuyết minh, giới thiệu các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. |
Thành lập năm 1900, EFEO là cơ quan nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học, địa vật lý và địa lý nhân văn ở phương Đông của nước Pháp, bảo đảm việc bảo tồn và gìn giữ các công trình lịch sử ở Đông Dương. Hai tháng sau ngày thành lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tháng 11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 thiết lập "Đông Dương Pháp Cổ Học viện để thay thế cho "Pháp quốc Viễn đông Bác cổ Học viện - EFEO". Trong sắc lệnh nhấn mạnh: "Những luật lệ về việc bảo tồn cổ tích vẫn để nguyên như cũ". Theo GS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH& NV, sắc lệnh này trước hết thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đến vấn đề văn hóa, đồng thời khẳng định những giá trị khoa học không thể chối bỏ mà Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã đóng góp cho Việt Nam.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê cũng cho biết hiện ông vẫn còn giữ làm kỷ niệm thẻ đọc sách của Thư viện EFEO cũng như ký ức lần đầu được tiếp xúc với EFEO khi từ vùng kháng chiến trở về Thủ đô năm 1954. Ông đặc biệt có ấn tượng với công tác thu thập và bảo quản di sản Hán Nôm của Viện: "Đi vào nghiên cứu cổ sử Việt Nam, nguồn tư liệu chủ yếu mà tôi tiếp cận là các loại sách Hán Nôm tập trung tại Ban Hán Nôm, từ năm 1979 chuyển thành Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây chính là Phông Hán Nôm do EFEO chuyển giao cho Việt Nam từ năm 1957. Theo thống kê, Phông này mang ký hiệu bắt đầu chữ A gồm: 8.368 đầu sách cùng 20.979 thác bản văn bia. Về phương diện này tôi và giới sử học Việt Nam rất cảm ơn EFEO đã dày công thu thập và bảo quản một bộ phận quan trọng di sản Hán Nôm của Việt Nam (...) Tôi nghĩ rằng nếu không có công việc thu thập của EFEO thì di sản Hán Nôm của Việt Nam sẽ bị tổn thất nặng nề đến như thế nào và có những tư liệu vĩnh viễn bị xóa bỏ".
EFEO còn có công lớn trong việc xây dựng những bảo tàng đầu tiên của Việt Nam: Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam), Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm), Bảo tàng Blanchard de la Brosse ở Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử tại TP Hồ Chí Minh). Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam từ năm 1900 đến 1959, EFEO đã góp phần tạo ra và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền khoa học xã hội Việt Nam, giữ vai trò quan trọng tạo nên bước chuyển biến từ nền học thuật cổ truyền sang nền khoa học hiện đại dựa trên một hệ thống quan điểm và phương pháp luận mới. Cùng với sử học, các ngành khoa học mới ra đời như khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, bảo tàng học, văn bản học…
Theo GS Nguyễn Văn Khánh, EFEO góp phần xây dựng một đội ngũ các nhà Việt Nam học quốc tế (chủ yếu là học giả Pháp), đồng thời tạo điều kiện đào tạo một thế hệ các nhà khoa học xã hội Việt Nam hiện đại trong thế kỷ XX. Một thế hệ vàng các nhà nghiên cứu người Việt trưởng thành nhờ sự hợp tác và cộng tác với EFEO trong các hoạt động học thuật, tiêu biểu như: Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Trần Hàm Tấn, Nguyễn Văn Huyên… Không khí học thuật của EFEO góp phần trực tiếp vào sự hình thành một nền giáo dục Âu hóa và hiện đại ở Việt Nam, từ đó góp phần đào tạo những tri thức tiêu biểu của khoa học xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, từ thế hệ khai khoa như Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, đến thế hệ những nhà khoa học được đào tạo và trưởng thành sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn… Đó là những thế hệ trí thức đã thu lượm, phát triển và phối kết hài hòa tinh hoa của nhiều nền khoa học và giáo dục lớn đương thời gồm Hán học, Pháp học và Nga…
Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 1959 đến 1992, tới năm 1993 EFEO đã trở lại hoạt động tại Việt Nam với quan hệ hợp tác được thiết lập trên nền tảng mới của hai quốc gia độc lập. EFEO đã tích cực triển khai nhiều chương trình nghiên cứu và xuất bản nhiều tác phẩm có tiếng vang, tiêu biểu như: Đại lý hành chính Kinh Bắc (1996), Chữ húy Việt Nam qua các triều đại (1997), Văn thơ Đông kinh nghĩa thục (1997), L'Univers des Truyện Nôm (1998), Những vấn đề văn bản học quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi (1999), Đặc danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc kỳ (1999)… Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu liên ngành quy mô về làng xã Việt Nam, cuốn chuyên khảo Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ được xuất bản năm 2002. Trong vài năm gần đây, EFEO đã đầu tư nhiều tâm sức và kinh phí vào dự án nghiên cứu Trường Lũy ở Quảng Ngãi và đã có những xuất bản bước đầu.
Cùng với việc nối lại các hoạt động trong khu vực Đông Nam Á đầu những năm 90 của thế kỷ trước, EFEO đã tiếp tục các cuộc khai quật lớn ở đền Angkor, các nghiên cứu ở Lào, mở thêm nhiều chi nhánh tại Hongkong, Đài Bắc, Bắc Kinh (Trung Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul (Hàn Quốc).
Trong hơn một thế kỷ hiện diện ở Việt Nam, mặc dù có lúc thăng lúc trầm nhưng EFEO vẫn luôn luôn là nhịp cầu vững chắc trong nhiều nhịp cầu tri thức kết nối nền học thuật của Việt Nam với thế giới, đặc biệt là với nền học thuật Pháp và Châu Âu.