Thí điểm việc cấp đổi GPLX qua mạng: Tăng tiện ích, giảm phiền hà
Đời sống - Ngày đăng : 07:45, 23/02/2015
Thay vì phải đi lại nhiều lần, người dân chỉ cần đến trụ sở cơ quan chức năng một lần và chờ khoảng 2 giờ để nhận GPLX mới.
Thực tế sau gần 2 tháng triển khai cho thấy tín hiệu đáng mừng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đường bộ, mang lại sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả người dân cũng như cơ quan giải quyết.
Áp dụng công nghệ thông tin: 5 ngày, chỉ còn 2 giờ
Theo số liệu từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau gần 2 tháng thực hiện thí điểm cấp đổi qua mạng, đến nay đã có gần 700 GPLX được cấp. So với việc người dân đến làm thủ tục cấp đổi trực tiếp tại Tổng cục, số lượng GPLX cấp đổi từ việc làm thủ tục qua mạng vẫn ít hơn, song kết quả triển khai cho thấy những tiện ích rõ rệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt thủ tục phiền hà cho cả người dân và cơ quan giải quyết. Hầu hết những người đến làm thủ tục tại Phòng cấp đổi GPLX (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc đăng ký trước qua mạng được thực hiện khá nhanh chóng. Bà Nguyễn Bích Cầm (số 45 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) cho biết: Sau khi lên mạng kê khai tại nhà, bà được hẹn đến làm thủ tục. Chỉ cần cầm theo GPLX, chứng minh nhân dân và giấy khám sức khỏe; sau khoảng 10 phút kiểm tra hồ sơ, chụp ảnh thẻ, bà nhận được giấy hẹn trong vòng 2 tiếng đến nhận GPLX mới. Theo bà Cầm, không ngờ mọi chuyện được xử lý nhanh gọn như vậy, rất thuận lợi cho người dân.
Trước đó, người dân có nhu cầu cấp đổi GPLX từ thẻ giấy sang vật liệu PET phải mất 2 lần đến xếp hàng làm thủ tục, chờ đợi, chưa kể những lần đi lại vì hồ sơ chưa hợp lệ và khoảng 5 ngày sau mới nhận được GPLX mới, thì việc cấp đổi GPLX qua mạng sẽ rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn một lần. Sở dĩ vậy là phương pháp cấp đổi mới ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, rất thuận lợi bởi người dân ngày càng sử dụng những thiết bị vi tính hiện đại, giao dịch qua mạng điện tử ngày càng nhiều. Đặc biệt, ông Vũ Minh Tuấn - Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Việc thực hiện cấp đổi GPLX qua mạng còn chú trọng đến việc đặt người dân vào vị trí trung tâm. Không còn cảnh chầu trực, chờ đợi, thay vào đó người dân được chủ động đặt lịch hẹn giải quyết hồ sơ. Cụ thể, sau khi được thông báo hồ sơ hợp lệ, người dân sẽ được chủ động đăng ký thời gian đến đổi GPLX tại cơ quan quản lý. Nếu vì lý do nào đó không thể đến đúng hẹn, người dân có thể báo lại với cơ quan quản lý để đăng ký lịch hẹn khác. Đây được coi là một bước tiến đáng kể trong quá trình giải quyết hồ sơ hành chính từ trước đến nay, ngay cả khi cải cách hành chính được đề cập nhiều, thì người dân vẫn bị động với lịch hẹn nhận và trả hồ sơ từ các cơ quan chức năng, thậm chí phải mất thời gian đi lại nhiều lần với các trường hợp đến ngày hẹn chưa có kết quả giải quyết.
Giảm phiền hà, giảm tiêu cực
Chỉ cần máy tính có kết nối internet, người có nhu cầu đổi GPLX đăng nhập vào trang web http://drvn.mt.gov.vn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chọn mục “Dịch vụ công GPLX” và đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn. Chậm nhất sau 3 ngày đăng ký, nếu đối chiếu với hồ sơ dữ liệu lưu trữ đúng và đủ, người dân sẽ được hẹn đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm GPLX. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, người dân sẽ được thông báo lý do và hướng dẫn xử lý. Khi đến hẹn, người dân mang đầy đủ hồ sơ gốc (GPLX, chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe theo quy định) để được xác thực hồ sơ, chụp ảnh tại chỗ và chờ khoảng 2 giờ để nhận GPLX mới. Không chỉ giảm chi phí đi lại cho người dân, việc cấp đổi GPLX qua mạng, công khai đầy đủ trình tự thủ tục còn ngăn chặn phiền hà và phát sinh tiêu cực.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mức phí cho cấp đổi GPLX qua mạng không cao hơn mức cấp đổi trực tiếp (135.000 đồng), vừa giải quyết một dịch vụ theo cách mới, vừa ngăn chặn tiêu cực. Đây cũng là thời điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉnh sửa hoàn thiện quy trình hoặc bổ sung thủ tục cần thiết, hợp lý. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đang cân nhắc hình thức đặt lịch hẹn qua tin nhắn (SMS) cho phù hợp với loại hình công việc của người lái xe là luôn lưu thông trên đường chứ không ngồi một chỗ tại văn phòng, có thể cập nhật thông tin kịp thời. Nếu dịch vụ này được ứng dụng, chỉ mất thêm phí nhắn tin (từ 2.000 đến 3.000 đồng) không đáng kể so với việc làm dịch vụ qua “cò mồi”.
Hiện nay, việc thực hiện cấp đổi GPLX qua mạng đang thực hiện ở một địa điểm duy nhất là Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ông Tuấn cũng thừa nhận, bên cạnh nhiều ưu điểm tích cực của phương pháp này thì chỉ có chút phiền hà nho nhỏ liên quan đến việc cung ứng dịch vụ của đơn vị khác là đường truyền internet và nguồn điện. Đôi lúc sẽ có sự gián đoạn do sự cố của hai đơn vị truyền dẫn này nhưng hy vọng với tốc độ giải quyết sự cố ngày càng nhanh sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công việc của các cơ quan cấp đổi GPLX. Một vấn đề khác liên quan đến công tác cấp đổi GPLX qua mạng cũng được đề cập tới, đó chính là ý thức của chính người dân. Mặc dù cách làm mới đặt người dân lên vị trí trung tâm, mang đến sự thuận tiện cho người dân, song đã có một số trường hợp người dân được hẹn đến làm thủ tục nhưng không… xuất hiện.
Theo kế hoạch, trong năm 2015, việc cấp đổi GPLX qua mạng sẽ được thực hiện đại trà ở các tỉnh, thành; trong đó TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ là hai thành phố đi đầu. Các công việc chuẩn bị hệ thống trang thiết bị, đường truyền và nhân lực, tập huấn, chuyển giao việc cấp đổi GPLX qua mạng cũng đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam sắp xếp thực hiện. Dự kiến cuối tháng 2, đầu tháng 3-2015, TP Hà Nội sẽ áp dụng theo phương pháp mới này.