Mai Động rộn ràng mở hội vật

Thể thao - Ngày đăng : 07:36, 23/02/2015

(HNM) - Sáng mùng 4 Tết Ất Mùi, đình Mai Động (phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) lại rộn tiếng trống hội. Giải vật có truyền thống bậc nhất đất kinh kỳ này sẽ còn kéo dài đến mùng 6 tháng Giêng.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàng Mai Trần Thị Thanh Ngà, cùng với lễ hội vật cầu ở đình Thúy Lĩnh, Lĩnh Nam, hội vật Mai Động là hoạt động văn hóa thể thao lớn nhất của quận Hoàng Mai mỗi dịp Tết Nguyên đán. Chính quyền, nhân dân địa phương luôn nỗ lực tối đa để đáp ứng được sự mong đợi của du khách.

Những câu chuyện về lễ hội vật Mai Động mỗi năm một dày thêm. Trong nhiều sách và bài viết nói về hội thi vật Mai Động, có lẽ, sự miêu tả của nhà văn Vũ Bằng trong "Thương nhớ mười hai" khiến người ta thích thú hơn cả: "Tôi thích mơ về một thuở thanh bình xưa cũ đi về Mai Động xem thi vật. Bây giờ ngồi nghĩ lại những tay đô ấy, thực quả tôi không biết bắt đầu từ đâu và nói thế nào cho hết được cái mê say, cảm phục của tôi hồi đó. Tôi chỉ biết rằng: Nếu tôi nhắm mắt lại, đến tận bây giờ tôi vẫn còn mường tượng được cái màu da đỏ như táo tàu của họ, những bắp thịt ở tay lúc thường mà chạy đi chạy lại như con chuột và cái bụng lép kèm kẹp cũng có những bắp thịt chạy dọc chạy ngang và tôi nhớ cả nữ đô Tô Thị Hằng vật nhau một buổi với chín đô đàn ông bằng những phép "cuốn chỉ", "vào tay tư", "bắt bò"… biến hóa như thần mà đến lúc lĩnh giải vẫn cười nói thong thả như một người mới đi chơi về"…

Gốc tích của lễ hội vật Mai Động được kể lại rằng, vào những năm đầu Công nguyên, nhà Hán thống trị nước Việt. Cuộc khởi nghĩa mùa xuân năm 40 của Hai Bà Trưng đã tác động đến những thôn xóm hẻo lánh, sản sinh ra anh hùng hào kiệt: Sóc Sơn có Đổng Nghi, Bà Y; Đông Anh có Đào Kỳ - Phương Dung, Đông Bảng; Gia Lâm có Thành Công, Đô - Hiền - Lang, Khỏa Ba Sơn, Thanh Trì có Nàng Tía. Ở trên miền đất ngày nay đã thành các quận nội đô, có Đào Kỳ (Ba Đình), Hiền Hựu, Quý Minh, Phương Dung, Bảo Hoa (Đống Đa) và đô tướng Tam Trinh (Hoàng Mai)... Tướng Tam Trinh chính là một "anh hùng địa phương". Ở Mai Động, nhân dân đã xây dựng ngôi đình và nghè để tôn thờ ông làm thành hoàng làng ngay sau khi ông mất. Cuốn thần phả hiện còn lưu giữ ở đình, do Hàn lâm viện học sĩ Nguyễn Bính viết năm 1572 cho biết công tích của tướng Tam Trinh như sau: "…Tam Trinh ngày đêm tôi luyện quân sĩ được hơn 5.000 người, lập đội quân tại Mai Động. Các bô lão ở trong trại thấy thế liền làm lễ xin ông nhận họ làm bày tôi, được ông nhận lời, dân cả trang Mai Động nhộn nhịp chuẩn bị. Ông đã chọn trong số dân binh Mai Động lấy 30 người mạnh khỏe làm bảo vệ, đến ngày làm lễ khao quân để theo về hội quân với Trưng nữ xin được đánh giặc. Trưng nữ thấy ông tài giỏi, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý bèn giữ lại để bàn việc quốc sự, lại phong cho ông chức "Đô úy" và cử làm tiên phong đánh thành Luy Lâu đuổi giặc Tô Định. Sau đó, theo lệnh của Trưng nữ, lính lắp 65 thành trì, khôi phục lại bờ cõi nước Nam. Trưng nữ ở ngôi được 3 năm, trong thời gian này, ông ở tại Mai Động.

Mã Viện đem quân sang chiếm lại nước ta. Trưng nữ gia phong chức Liệt Hầu được mạnh quyền làm Chưởng bố chính quân cơ. Ông đem quân ra biên ải đánh giặc. Đánh nhau ở đây một thời gian không phân thắng bại. Ông liền lui quân về Mai Động. Quân Mãn tràn tới Mai Động. Quân giặc đông, vũ khí và phương tiện hiện đại tấn công ồ ạt, ông vẫn cưỡi ngựa cự chiến rất mãnh liệt. Đến bên bờ đường, chỗ có nhiều gò đống, ông nghe tin Trưng nữ chủ đã mất, bèn ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Than ôi! Cơ đồ vua Trưng đã mất, nên ta bày tôi cũng chỉ có về trời, nói xong bèn cưỡi ngựa lên núi mà mất".

Ở Mai Động, tướng Tam Trinh được coi là "Ông tổ lò vật". Hằng năm, từ ngày mùng 4 đến 6 tháng Giêng, lễ hội vật được tổ chức ở đình Mai Động để ghi nhớ công ơn của "Ông tổ lò vật". Đô vật từ khắp nơi tụ về đây để tranh tài trong suốt 3 ngày tết. Theo lệ, sau khi khai hội và dâng hương lễ Thánh, từ chiều mùng 4 tháng Giêng, tại sân đình, ban tổ chức sẽ đổ cát ra sân và tổ chức giải đấu vật dân tộc truyền thống. Chiều ngày mùng 4, các cháu thiếu nhi sẽ đấu giải lèo, sau đó các đô vật từ nhiều nơi sẽ đấu để chọn các giải ba, chiều mùng 5 sẽ đấu chọn các giải nhì và mùng 6 sẽ tranh giải nhất.

Từ năm 2013 đến nay, hội vật Mai Động được nâng lên cấp quận với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của UBND quận. Nhờ vậy, sức hút của hội vật lớn hơn, nét truyền thống được duy trì, bảo tồn tốt hơn.

Cũng trong ngày mùng 4 tháng Giêng Ất Mùi, lễ hội vật cầu truyền thống đình Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai) đã khai mạc, kéo dài đến ngày mùng 6. Lễ hội vật cầu liên quan mật thiết tới hình thức luyện quân của Linh Lang Đại vương - Hoàng tử thứ tư của Vua Lý Thánh Tông. Từ năm 2013, Giải vật cầu truyền thống làng Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam được nâng lên thành giải vật cầu cấp quận.

Minh An