Cần quan tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 23/02/2015
Chỉ số sẵn sàng cho TMĐT được xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tiễn ứng dụng TMĐT của gần 3.500 doanh nghiệp (DN) trong cả nước và dựa trên việc đánh giá mức độ ứng dụng TMĐT theo phương pháp của Trung tâm phát triển quốc tế thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Phương pháp này xem xét mức độ ứng dụng TMĐT dựa trên 4 nhóm tiêu chí lớn: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông; giao dịch giữa DN và người tiêu dùng; giao dịch giữa DN với DN; giao dịch trực tuyến giữa cơ quan nhà nước với DN. Điểm trung bình của các địa phương năm 2014 là 56,5 điểm, cao hơn gần 1 điểm so với năm 2013, cho thấy TMĐT tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, chỉ số TMĐT cho thấy có sự chênh lệch lớn về sự phát triển TMĐT giữa các địa phương. Cụ thể, trong khi điểm trung bình của các tỉnh là 56,5 điểm thì điểm trung bình của nhóm 5 địa phương dẫn đầu là 68,3 điểm, trung bình của nhóm 5 địa phương đứng cuối là 48 điểm. Hà Nội dẫn đầu cả nước về sự sẵn sàng cho TMĐT với 72,6 điểm; tiếp theo là TP Hồ Chí Minh với 72,5 điểm; các vị trí sau đó lần lượt thuộc về Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Dương… 5 địa phương đứng "bét" bảng xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho TMĐT với các vị trí từ 59 đến 63 lần lượt là: Điện Biên, Sơn La, Đăk Nông, Hà Giang, Lai Châu… Công bố này cũng cho thấy tại các thành phố lớn nơi tập trung đông đúc dân cư với mức sống cao hơn có chỉ số TMĐT cao là chính xác. Một điểm đáng lưu ý là TMĐT trên nền tảng di động đã hình thành, thâm nhập và phát triển khá nhanh với 10% DN đã khai thác các ứng dụng di động để phục vụ kinh doanh, 15% DN đã có website riêng cho biết đã có phiên bản di động. Đặc biệt, các DN đã lựa chọn việc kinh doanh qua mạng xã hội ngày càng nhiều và mạng xã hội trở thành một nền tảng giúp TMĐT phát triển; 24% các DN chọn kinh doanh trên mạng xã hội, trong đó có 16% cho biết thu được hiệu quả cao.
Chính sách bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực sẵn sàng cho thương mại điện tử cần được giải quyết để thúc đẩy phát triển. |
Bên cạnh những ưu điểm từ việc kinh doanh TMĐT thì vẫn còn tồn tại một số vấn đề mà đáng chú ý nhất là hoạt động chuyển phát. Chẳng hạn, dịch vụ chuyển phát các đơn hàng giao dịch qua TMĐT vẫn chưa đạt yêu cầu khi tới 10% khách hàng được hỏi cho rằng dịch vụ này kém chất lượng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt và những cam kết nỗ lực của ngành bưu chính mà nòng cốt là Tổng Công ty Bưu điện - vốn có thế mạnh về mạng lưới, nguồn lực rộng khắp trong cả nước, hy vọng từ năm 2015 trở đi, lĩnh vực chuyển phát sẽ có những cải thiện đáng kể. Ngoài ra, không thể không kể đến đó là vấn đề quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến qua mạng. Báo cáo TMĐT cũng nêu rõ, người tiêu dùng chưa được bảo vệ quyền lợi khi thực hiện các giao dịch này ở hai khía cạnh. Trước hết là việc bảo vệ thông tin cá nhân, phần nhiều khách hàng bày tỏ sự lo lắng khi thực hiện các giao dịch qua mạng như tên, tuổi, địa chỉ, giới tính, tài khoản thẻ ATM, số điện thoại… và theo như công bố có tới 42% người tiêu dùng còn lo lắng vì tính bảo mật của các DN kinh doanh. Thực tế cho thấy những lo ngại này không phải không có cơ sở khi mà trên các phương tiện truyền thông từng đề cập chuyện rao bán thông tin cá nhân công khai trên mạng…
Cũng theo báo cáo, các DN lớn kinh doanh trực tuyến có chính sách quan tâm tới việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng hơn những DN nhỏ. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm mới là điều được quan tâm nhiều hơn khi tới 81% khách hàng lo ngại chất lượng sản phẩm mua trực tuyến thấp hơn so với quảng cáo và đây là trở ngại lớn nhất cho việc thúc đẩy giao dịch TMĐT loại hình (hình thức giữa DN với người tiêu dùng). Vì vậy, Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng cần phải xây dựng chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch trực tuyến trong thời gian tới, vì đây được coi là "mấu chốt" thực hiện các giao dịch qua mạng. Hiêp hội TMĐT cũng cho rằng, thời gian tới các giao dịch online sẽ tiếp tục phát triển và thị trường này sẽ thu hút ngày càng nhiều các DN tham gia.