Sáng tạo - nguồn động lực phát triển
Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 23/02/2015
Từ trái tim mỗi người Việt Nam đều có thể khẳng định: Những thành tựu phát triển đất nước trong gần ba mươi mùa xuân thực hiện công cuộc đổi mới là rất đáng tự hào. Nhưng bên cạnh việc so sánh Việt Nam hôm nay với gần ba mươi năm trước, có thể nhìn sang một số quốc gia có cùng điều kiện gần như chúng ta, xem họ thế nào? Sau cùng khoảng thời gian như vậy, họ đang đứng ở đâu? Từ đó cùng suy nghĩ về câu hỏi: Chúng ta đang đứng ở đâu? Đâu là nguồn động lực để phát triển đất nước, là điểm tựa để Việt Nam vững bước trước những thử thách mới trên con đường hội nhập và phát triển?
Trước hết, nhân loại đang sống trong kỷ nguyên thông tin, kỷ nguyên của kinh tế tri thức - nơi mà thông tin - tri thức được tích tụ, chuyển hóa thành những thành tựu khoa học - công nghệ, những sáng tạo mang lại lợi ích thiết thực con người. Nói cách khác, tri thức là kết quả của quá trình sáng tạo, là kết tinh của trí tuệ con người..., do vậy, tri thức chính là giá trị cao nhất cần được tích tụ, trao đổi... Trong nền kinh tế tri thức, việc tạo ra kho tri thức có ý nghĩa quyết định và nhìn vào kho tri thức lớn hay nhỏ ấy sẽ thấy năng lực, tầm vóc của một quốc gia. Còn sự sáng tạo chính là hạt nhân, là công cụ để tạo ra tri thức mới. Nhiều quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp… đã xây dựng cho mình những nền tảng để trở thành tổ chức sáng tạo. Chúng ta không thể đứng ngoài xu thế phát triển tất yếu đó.
Một vấn đề nữa, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ… không còn là lợi thế, thậm chí không còn nữa. Vì vậy, nếu không tìm được những động lực tăng trưởng mới phù hợp với thời đại, Việt Nam sẽ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", không thể phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của hội nhập. Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra những khuyến cáo rất đáng lưu tâm: Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng khi tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, trong khi đó, tình hình kinh tế quốc tế đang ngày càng trở nên kém sôi động... Ở một điểm nhìn khác, mặc dù đã mở rộng, đa dạng hóa cơ cấu ngành hàng xuất khẩu, nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chúng ta chưa có nhiều hàng hóa, dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Theo Giám đốc Khoa học, Kỹ thuật và Đổi mới sáng tạo của OECD - ông Andrew Wyckoff, để tránh rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước...
Từ những vấn đề nêu trên có thể khẳng định: Tri thức và đổi mới, sáng tạo chính là nguồn động lực phát triển. Có lẽ chưa bao giờ yêu cầu về đổi mới, sáng tạo trở nên cấp thiết như hiện nay và đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định góp phần nâng cao năng lực, tạo sức cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Từ đây, có thể đặt câu hỏi: Vậy đâu là trung tâm trong hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam?
Doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, trong thời đại trí tuệ mang lại những giá trị kinh tế cao nhất thì điều đáng nói là: Hoạt động nghiên cứu của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi nghiên cứu phát triển - thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Có một thực tế khác, trong khi việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đang gia tăng thì số lượng đăng ký sáng chế quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất thấp (trên dưới vài chục sáng chế mỗi năm)... Nói thế để thấy, hoạt động đổi mới sáng tạo và năng lực nghiên cứu, phát triển trong doanh nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề (từ năng lực thiết kế, tới chế tạo, marketing, công nghệ thông tin đến nghiên cứu sáng tạo). Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng, việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo các chuyên gia WB và OECD, Việt Nam cần đặt việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng kết quả nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, phải đổi mới thể chế kinh tế, tạo điều kiện cho khoa học công nghệ phát triển, các nhà khoa học sống bằng chính sản phẩm của họ và gắn sản phẩm ấy với đời sống thực tiễn. Đồng thời phải giải đáp những vướng mắc trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm với chi phí chất xám cao hơn, nguyên liệu đầu vào rất ít nhưng giá trị bán ra sản phẩm rất lớn. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế cho phù hợp với điều kiện mới, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo những động lực mới, xung lực mới cho phát triển đất nước là một trong những vấn đề hết sức cấp bách hiện nay... Như vậy, để đổi mới sáng tạo thật sự trở thành động lực phát triển, còn nhiều việc phải làm.
Trở lại với câu chuyện về sự sáng tạo, có rất nhiều cách hiểu về khái niệm này: Sáng tạo là một ý tưởng mới, phù hợp với thời đại, không gian sinh ra nó và ý tưởng đó mang lại giá trị; là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần, mới về chất; là luôn suy nghĩ, tìm tòi và học hỏi để tìm ra cái mới, cách giải quyết tốt nhất để đạt được hiệu quả tốt nhất... Sáng tạo có được từ những người thật sự có niềm tin và tình yêu với công việc. Sáng tạo cũng chỉ có được từ những con người tự do, biết suy nghĩ và có suy nghĩ độc lập. Sáng tạo không đòi hỏi, không bị lệ thuộc vào việc có hay không có cái này, cái kia... Do vậy, tính sáng tạo, sự sáng tạo chân chính hoàn toàn thoát ly khỏi tâm lý so sánh nhỏ nhen, so đo, đố kỵ...
Tuy nhiên, để tạo ra một không gian sáng tạo, nói cách khác để phát huy cao độ tính sáng tạo trong mỗi con người, ở mỗi vị trí công việc, cần ngăn chặn, triệt tiêu những yếu tố cản trở sự sáng tạo như: Lối tư duy theo các giải pháp có sẵn trong quá khứ, khư khư với lối mòn, lề thói cũ, trong khi mỗi vấn đề phát sinh đều có những khác biệt nhất định đòi hỏi thay đổi cách nghĩ cách làm. Hay như quá sùng bái kinh nghiệm đã tích lũy, giải quyết vấn đề bằng những giải pháp quen thuộc... Sâu xa hơn là loại bỏ lối "học gạo", học để có bằng cấp, học nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc cụ thể trong thực tiễn... Bởi lẽ không có nền tảng tri thức, tư duy sẽ chết cứng và đương nhiên sẽ không thể có sáng tạo... Từ đây cũng có thể đặt câu hỏi: Phải chăng đã đến lúc phải thay đổi triết lý giáo dục, thay đổi cách sử dụng, trọng dụng nhân tài để kích thích đam mê sáng tạo trong mỗi con người?
Sáng tạo là một năng lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công việc và trong đời sống. Đó là khả năng tìm thấy những điều mới mẻ để có thể nhạy bén và sâu sắc hơn trong việc tìm kiếm ý tưởng, giải quyết vấn đề. Một nhà khoa học trẻ đặt câu hỏi: Nếu như người Nhật Bản thường được nhắc đến bởi thái độ làm việc nghiêm túc, tính tiết kiệm và sự trung thành, người Mỹ nổi tiếng về tính tự lập, đề cao quyền tự do cá nhân... Tại sao người Việt Nam chưa thể tự hào về đức tính chăm chỉ, sáng tạo của mình? Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi năng lực cạnh tranh vượt trội của mỗi quốc gia. Việt Nam có tiềm năng về khoa học công nghệ, nhiều nhà khoa học có khả năng sáng tạo nhưng lại chưa thể biến lợi thế này thành động lực phát triển. Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ.