Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Văn hóa - Ngày đăng : 07:10, 22/02/2015

(HNM) - Đầu xuân Ất Mùi 2015, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng đã chia sẻ cùng bạn đọc Báo Hànộimới về thành tựu cũng như thách thức trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hiện nay.



Đầu xuân Ất Mùi 2015, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng đã chia sẻ cùng bạn đọc Báo Hànộimới về thành tựu cũng như thách thức trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hiện nay.

- Thưa giáo sư, trong những năm qua, khó có thể tưởng tượng khối lượng công việc "khổng lồ" của Hội đồng trong hoạt động tư vấn trên hàng loạt lĩnh vực về di sản văn hóa. Giáo sư có thể chia sẻ vài điểm nhấn trong hoạt động của Hội đồng?

- Theo tôi, việc tổ chức đóng góp ý kiến thẩm định hồ sơ di tích, di vật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, công nhận Bảo vật quốc gia và cho phép trình UNESCO vinh danh di sản tiêu biểu của Việt Nam là Di sản thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và cần bảo vệ khẩn cấp… là hoạt động nổi bật nhất. Dù Thường trực Hội đồng và Văn phòng Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nhưng các phiên họp của Hội đồng thẩm định hồ sơ di sản đều được tổ chức nghiêm túc, khoa học. Với mỗi hồ sơ, chúng tôi đều phân công người phản biện, cung cấp tài liệu để các thành viên Hội đồng nghiên cứu, viết nhận xét, đánh giá như một đề tài nghiên cứu khoa học và trực tiếp đóng góp ý kiến thẩm định tại phiên họp toàn thể của Hội đồng. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng, Thường trực Hội đồng tổng hợp, đề nghị cơ quan chuẩn bị hồ sơ chỉnh sửa, bổ sung và sau đó, Thường trực Hội đồng xem xét lại một lần nữa trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, Hội đồng đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xếp hạng 52 Di tích quốc gia đặc biệt, 79 hiện vật và nhóm hiện vật đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia, 6 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 4 di sản đã được UNESCO vinh danh, 3 di sản văn hóa và thiên nhiên, trong đó 1 di sản đã được UNESCO vinh danh, những di sản còn lại sẽ được xem xét vào năm tới.

Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh


Một "điểm nhấn" khác là Hội đồng đã tổ chức đi nghiên cứu, khảo sát thực tiễn ở một số địa phương và làm việc với UBND tỉnh về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Những ý kiến đóng góp và kiến nghị của Hội đồng đã được tổng hợp thành văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và gửi tới các địa phương nơi Hội đồng đến khảo sát và làm việc.

Hội đồng cũng đã phối hợp tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học lớn, đặc biệt là Hội thảo "Văn hóa biển đảo - Bảo vệ và phát huy giá trị" có giá trị lớn về mặt khoa học và chính trị. Nhiều thành viên Hội đồng đã tham gia các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, đặc biệt là Hội thảo khoa học quốc tế "10 năm thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO - Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai", Hội thảo Tiểu khu vực ASEAN "Công ước 1972 và phát triển bền vững: Hướng tới sự gắn kết Công ước 1972 và Chương trình con người và sinh quyển MAB"…

- Giáo sư nghĩ gì về nhận định năm 2014 là năm đặc biệt thành công của ngành di sản văn hóa Việt Nam?

- Có thể khẳng định năm 2014 là một năm ghi dấu nhiều sự kiện, nhiều hoạt động nổi bật cả về mặt quản lý nhà nước, cả về phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nâng cao vị thế của di sản văn hóa Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.

Trong năm 2014, đã có thêm 3 di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình), Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh) và Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Châu bản triều Nguyễn), trong đó, Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản thế giới hỗn hợp (thiên nhiên và văn hóa) đầu tiên của Việt Nam; Châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu được quốc tế hóa, là một trong những nguồn sử liệu rất quan trọng, phong phú, xác thực, thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2014, bên cạnh việc đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và từ nguồn vốn đầu tư phát triển, nhiều địa phương đã đa dạng hóa nguồn lực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích của địa phương mình; trình độ xây dựng hồ sơ khoa học về di tích và di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được nâng cao hơn trước; triển khai xây dựng nhiều đồ án quy hoạch các khu Di sản thế giới và Di tích quốc gia đặc biệt…

Từ văn bản của Bộ VH,TT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam tại các di tích, đình chùa, công sở cơ quan, đơn vị, và sau đó là cuộc triển lãm "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam", cơ quan quản lý văn hóa ở các địa phương và giới truyền thông đã vào cuộc, tạo bước đột phá trong việc chấn chỉnh sự lệch lạc, tùy tiện về sử dụng sản phẩm văn hóa ngoại lai, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

Về di sản văn hóa phi vật thể, Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25-6-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu nay của cộng đồng nghệ nhân và những người hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của cả nước, góp phần vinh danh những người có công và tài năng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản có giá trị đặc biệt này.

- Theo giáo sư, hoạt động bảo tồn di sản văn hóa nói chung hiện nay cần chú ý thêm những vấn đề gì? Trong năm 2015, chúng ta nên tập trung vào những đầu việc nào?

- Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới xác định "Di sản văn hóa và thiên nhiên là những tài sản vô giá và không thể thay thế được, không chỉ của một dân tộc, mà còn là của nhân loại nói chung. Bất kỳ di sản nào trong số đó nếu bị biến mất, do xuống cấp hoặc bị mai một, cũng sẽ làm nghèo đi kho tàng di sản của tất cả các dân tộc trên thế giới". Bởi vậy, đối với di sản thế giới, vấn đề cốt lõi là giữ gìn lâu dài giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực, tính toàn vẹn của di sản và thực hiện những cam kết của quốc gia thành viên đối với UNESCO. Nhà nước cần ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, phương pháp bảo quản, tu bổ để cơ quan quản lý trực tiếp, các doanh nghiệp và người dân tổ chức thực hiện; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tổng thể và Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới ở địa phương, cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm một cách kịp thời; tổ chức thực hiện cam kết của Nhà nước ta với UNESCO; tổ chức thực hiện và giải trình những vấn đề về bảo tồn di sản mà UNESCO khuyến nghị; phối hợp với ngành du lịch xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình du lịch bền vững, có kiểm soát…

- Vậy còn đối với di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu thì sao, thưa giáo sư?

- Cần ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích việc bảo tồn, sáng tạo và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là tạo điều kiện đầy đủ để cộng đồng tham gia vào công tác này một cách hiệu quả. Cần công bố sớm thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể để có thể xét tặng đợt đầu tiên vào năm 2015 này.

- Nói riêng về Thủ đô, nơi có số lượng di sản văn hóa rất lớn. Giáo sư đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Thủ đô?

- Hà Nội là miền đất đậm đặc các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Chỉ riêng số lượng di tích được xếp hạng cấp quốc gia đã chiếm hơn 1/4 tổng số di tích cấp quốc gia của cả nước, cũng là địa phương đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa lớn nhất. Dù còn một số di tích bị vi phạm trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trong thời gian qua nhưng, theo tôi, Hà Nội đã đi đầu trong việc giải quyết một vấn đề rất khó cả về lý thuyết và thực tiễn, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới, đó là giải quyết hài hòa, hợp lý giữa mục tiêu bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị.

- Giáo sư có thể nêu ra một vài ví dụ cụ thể?

- Có thể nêu 3 ví dụ, theo tôi là thành công, trong việc giải quyết vấn đề nan giải này: Một là, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định cho xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Mỹ Đình và cho tiến hành khai quật khảo cổ học quy mô lớn tại 18 Hoàng Diệu, và trên cơ sở kết quả khai quật khảo cổ học, xác định khu di tích này có giá trị đặc biệt, đã cho phép xây dựng dự án bảo tồn tại chỗ như là một "bảo tàng ngoài trời" để phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan du lịch. Ví dụ thứ hai, về khu Đàn Xã Tắc ở ngã năm Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Kết quả khai quật tại nơi đây xác định di tích có giá trị lớn, nhưng điều kiện bảo tồn như là "bảo tàng ngoài trời" không khả thi, sau khi lấy ý kiến các cơ quan quản lý về di sản và các nhà nghiên cứu, lãnh đạo thành phố quyết định thực hiện tư liệu hóa chi tiết và đầy đủ các hố khai quật, đưa những hiện vật có thể di chuyển được về bảo quản và trưng bày trong bảo tàng, sau đó lấp cát theo phương pháp khoa học toàn bộ hố khai quật và bàn giao mặt bằng cho chủ dự án thi công với điều kiện không đào sâu xuống tầng văn hóa trong khu vực bảo vệ di tích và làm cầu vượt trên cao. Ví dụ khác, về giải quyết các nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn, Cầu Giấy, Đội Cấn. Ở đây, mặc dù di tích có giá trị, nhưng không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, do yêu cầu giải quyết giao thông đô thị, sau khi thực hiện đầy đủ, chi tiết việc tư liệu hóa các hố khai quật khảo cổ, thì đưa toàn bộ tài liệu, hiện vật về lưu trữ, bảo quản tại bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị di tích.

Vấn đề quản lý di sản khó có thể nói hết trong một bài phỏng vấn. Tôi chỉ nêu một "điểm nhấn" như trên, coi đó là kinh nghiệm của Hà Nội trong công tác quản lý - giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư. Kính chúc giáo sư năm mới mạnh khỏe và có nhiều niềm vui!

Mai Hoa