Ám ảnh những dư âm

Thế giới - Ngày đăng : 07:00, 22/02/2015

(HNM) - Khi dư âm của những màn pháo hoa rực rỡ, những ly champagne ngọt ngào và những lời chúc năm mới vẫn còn vương trên từng con phố, từng ngôi nhà của Paris hoa lệ thì cũng là lúc thành phố yên bình này chấn động bởi các hành động khủng bố liên tiếp.


Cuộc chiến chống IS và chủ nghĩa khủng bố là thách thức lớn toàn cầu.


Với chuỗi sự kiện tại Paris, nhân loại thêm một lần quay trở về với một thách thức cũ tưởng như đã lắng xuống sau cái chết của thủ lĩnh Al-Qaeda Osama Bin Laden năm 2011, đó là chủ nghĩa khủng bố. Thậm chí, "lời tuyên chiến" với nước Pháp của những kẻ cực đoan thế hệ mới đã báo hiệu một cuộc quyết đấu gay gắt hơn, gian khó hơn. Với những kẻ thù có xuất xứ bản địa, thông thạo công nghệ và hiểu rõ "địa bàn hoạt động", cuộc chiến chống khủng bố thứ hai mà thế giới phải đương đầu chỉ trong vòng hơn một thập kỷ đang đòi hỏi những cách ứng phó, những phương án khác biệt. Do vậy, đã có không ít sự hoài nghi về tính hiệu quả của đề án không kích tiêu diệt các cơ sở và tiễu trừ các tay súng thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - nhóm khủng bố hiện được xem là mạnh nhất và đáng sợ nhất thế giới. Đành rằng, sức mạnh của nhóm khủng bố không giống với bất kỳ một hình mẫu "tiền nhiệm" nào trước đó đã bị hao tổn sau những làn hỏa lực dữ dội của các trận không kích - nhưng với việc đang "xưng hùng xưng bá" tại một vùng lãnh thổ có diện tích tương đương Vương quốc Anh với thể chế và tài chính riêng thì việc tấn công trên không khó có thể mang đến thắng lợi. Thậm chí, việc triển khai bộ binh theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Barack Obama để mặt đối mặt với đội quân cờ đen cũng tiềm ẩn vô vàn rủi ro. Câu hỏi lớn nhất là liệu việc đưa lính Mỹ trở lại Trung Đông một lần nữa sau những nhọc nhằn rút chân khỏi vũng lầy Afghanistan và Iraq có phải là đáp án cho mối nguy hiểm vẫn có chiều hướng lan rộng?

Thực tế đã mang đến câu trả lời khiến chúng ta phải suy ngẫm. Sự thật là cái chết của Osama Bin Laden chỉ đánh dấu cho sự thoái trào của Al-Qaeda chứ không phải là sự lụi tàn của các phong trào cực đoan. Đi sâu tìm hiểu sự "nổi tiếng" nhanh chóng của IS có thể thấy rằng, nếu như những bất ổn tại Syria, sự yếu kém của một nhà nước tham nhũng, phân biệt tôn giáo tại Iraq đã đặt nền móng cho sự bén rễ của IS thì những hỗn loạn tại Trung Đông đang tạo thời cơ cho tổ chức này "mở mang" sức mạnh. Do vậy, cuộc chiến chống IS và chủ nghĩa khủng bố khó khăn một thì việc tìm ra một chính sách Trung Đông mới, công bằng hơn để loại trừ những mầm mống khủng bố khó gấp mười. Sự cấp thiết của việc phải làm suy yếu và loại bỏ IS vì sự bình yên của nhân loại được kỳ vọng sẽ dẫn tới một sự chuyển hướng trong việc xử lý các vấn đề tại điểm nóng Trung Đông trong năm nay (từ giải quyết những tồn đọng trong hồ sơ hạt nhân Iran, nối lại hòa đàm Israel - Palestine đến việc củng cố những nhà nước đã bị rung chuyển trong Mùa xuân Arab).

Dẫu vậy, một sự phối hợp trên quy mô toàn cầu về chính sách và hành động, đặc biệt giữa các nước lớn đang gặp trở ngại bởi sự phân rã Đông - Tây qua cuộc khủng hoảng Ukraine. Người dân quốc gia bên bờ Biển Đen vừa kỷ niệm một năm ngày cuộc cách mạng Maidan nổ ra, đưa nước này tới gần với các thỏa thuận liên kết với Châu Âu nhưng đồng thời cũng châm ngòi cho một cuộc nội chiến chia cắt lãnh thổ. Hàng nghìn người đã thiệt mạng vì bom đạn, cả triệu người phải tha hương đi lánh nạn vì xung đột vũ trang - những con số đau lòng tại một đất nước từng sung túc, thịnh vượng dường như vẫn chưa dừng lại. Mọi niềm hy vọng đang được đặt vào thỏa thuận ngừng bắn Minsk II vừa được Nga, Ukraine, Đức và Pháp ký kết để chấm dứt chiến sự, khởi đầu cho những đối thoại tiếp theo nhằm lập lại hòa bình ở Ukraine. Thế nhưng, nỗi ám ảnh từ sự sụp đổ của thỏa thuận Minsk I, sự vi phạm của cam kết tôn trọng ngừng bắn những ngày qua chưa thể đem lại một niềm tin. Đặc biệt, với bản chất là một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược giữa phương Tây và Nga, sự kiên quyết bảo toàn lợi ích của cả hai phía sẽ không dễ dàng dẫn tới một sự thỏa hiệp. Không có những nhận định về khả năng xảy ra cuộc chiến trực diện, nhưng chừng nào cuộc thương lượng quyền lợi chưa đạt kết quả thì chừng đó, đất nước Ukraine vẫn chìm sâu trong bất ổn.

Bạo lực, xung đột, đối đầu, cạnh tranh quyền lực… khởi nguồn từ những thời khắc đầy biến cố tiếp tục đẩy thế giới đến những thử thách mới. Song, lịch sử nhân loại đã cho thấy bài học rõ ràng là, không có hòa bình sẽ không có thịnh vượng. Sự hợp tác và đối thoại trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích của các quốc gia là cánh cửa duy nhất để khép lại mọi tranh chấp, bất đồng. 

Vân Khanh