VĐV điền kinh Bùi Thị Thu Thảo: Gánh nặng huy chương
Thể thao - Ngày đăng : 10:05, 21/02/2015
Khuôn mặt bầu bĩnh, làn da ngăm mịn màng, miệng cười tươi rói, đối đáp rất nhanh, Thu Thảo dễ gây cảm tình với mọi người. Một vẻ đẹp trẻ trung, mạnh mẽ… rất thể thao. Chúng tôi “vào” chuyện dễ dàng. Mở đầu là câu chuyện về gia đình thương yêu – mối quan tâm hàng đầu của cô gái trẻ. “Nhà em ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì. Bố mẹ em đều làm nghề nông, nhà có ba anh em, em là út, là người duy nhất theo nghiệp thể thao. Gia đình em nghèo, bố bị thấp khớp nặng 15-16 năm nay rồi. Vài năm gần đây bệnh càng ngày càng nặng, một năm đi viện 5-6 lần. Nói chung là rất khó khăn”.
Giọng Thu Thảo đều đều, theo kiểu chuyện có thế nào nói thế ấy. Nhớ lại buổi đầu rèn tập chuyên nghiệp theo kiểu ăn - ở tập trung, cô gái trẻ bật cười hồn nhiên: “Hồi năm 2007, em học lớp 8 Trường Đồng Thái. Đi thi giải học sinh cấp huyện, các thầy cô thấy em có năng khiếu, cho tập huấn ở Hà Đông. Ở đó cách xa nhà những 60 cây số, mỗi tháng chỉ được 50.000 đồng tiền bồi dưỡng, trong khi đó, nhà em nghèo quá. Bản thân em ban đầu đâu có thích thể thao, lại thêm suy nghĩ đơn giản nhà đang cần tiền, thế là mới tập được hơn tháng, em trốn luôn, theo các anh chị cùng làng đi làm phụ hồ xây dựng ở một khu nhà 32 tầng, đối diện tòa Kangnam bây giờ. Làm ở đó được “bao” ăn ở, mỗi ngày có thêm độ 15.000 đồng, mỗi tháng dành được dăm trăm gửi về nhà. Nhưng sau các thầy cô về tận nhà thuyết phục, bố mẹ em thấy bảo cho con theo tập thể thao chuyên nghiệp được Nhà nước nuôi, liền tìm em về, dặn theo tập cho đến nơi đến chốn. Kể từ đó, em mới xác định theo nghiệp điền kinh”.
Cuối năm 2009, Thu Thảo được gọi vào tuyển trẻ điền kinh quốc gia ở nội dung 7 môn phối hợp, đến 2011 mới chính thức được nhấc sang tổ nhảy xa, và chuyên tập nội dung này từ đó đến nay. Cô kể: “SEA Games 26-2011, em tham gia mà không được giải gì. Năm 2012, em bị chấn thương ở lưng, đầu gối, rách cơ đùi trái, ngay đến Giải VĐQG cũng phải bỏ. Bước ngoặt đầu tiên chính là SEA Games 27-2013, em được HCĐ nhảy xa nữ với 6m14. Bắt đầu có thành tích, em gắng tập nhiều hơn. Tại Giải Điền kinh TP Hồ Chí Minh mở rộng tháng 7-2014, em nhảy đạt 6m46, giành HCV, được gọi bổ sung vào danh sách dự ASIAD 17”.
Tại ASIAD 17, cô gái trẻ Hà Nội đã gây bất ngờ khi giành được tấm HCB quý giá sau bước nhảy 6m44. Thu Thảo thiếu chút nữa đã giành HCV, thể thao luôn tiềm ẩn những điều không thể dự đoán. VĐV sinh năm 1992 người Indonesia - Londa Maria Natalia được thực hiện lần nhảy cuối cùng đã bất ngờ vượt qua mức 6m55.
Sau thành công ở ASIAD 17, Thu Thảo còn giành 1 HCB Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á Beach Games 2014, 1 HCB Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á. Đặc biệt, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7-2014, Thảo “ẵm” trọn 1 bộ huy chương vàng, bạc, đồng, trong đó, HCV ở nội dung nhảy xa, HCB chạy tiếp sức 4x200m, HCĐ nhảy ba bước. Xem ra, với tố chất thể thao, cô gái đất Ba Vì có thể làm nên chuyện ở khá nhiều “mặt trận”.
Trả lời cho câu hỏi “theo tập thể thao chuyên nghiệp, em nghĩ gì?”, Thu Thảo thoáng trầm giọng: “Em theo tập trên đội tuyển quốc gia, cái may là ăn uống được Nhà nước lo. Nhưng bản thân em muốn lo cho bố mẹ và gia đình, chỉ biết trông vào tiền công tập luyện, mỗi tháng tất tật chỉ được chừng 3,6 – 3,7 triệu đồng. Hiện tại, em vừa theo tập, vừa theo học năm thứ ba chuyên khoa huấn luyện điền kinh của Đại học TDTT Từ Sơn – Bắc Ninh. Thành thử, dù dành dụm hết mức cũng chỉ đỡ được cho bố mẹ 2-3 triệu đồng/tháng. Vì vậy, em luôn nghĩ phải cố gắng phấn đấu, nỗ lực giành huy chương để có thể dành dụm chút tiền thưởng gửi thêm về cho bố mẹ”.
Chia sẻ về tương lai, cô gái trẻ trả lời đơn giản: “Trước mắt, em sẽ gắng tập nhảy xa ổn định qua mức 6m50 - 6m55, để có thể chuyển màu huy chương từ bạc sang vàng ở SEA Games 28-2015. Em sẽ chuyên tâm và gắng hết sức, bởi đây cũng là một mức chuẩn giúp em có cơ hội dự Olympic 2016”.