Nhạc sĩ Phú Quang: Vẫn mải miết với một Hà Nội yêu kiều, thổn thức
Văn hóa - Ngày đăng : 09:42, 21/02/2015
Phú Quang mở công ty hơn chục năm, năm nào cũng làm hai chương trình lớn, một vào tháng 3 - dành tặng chị em phụ nữ; một vào độ "thu chớm đông sang" rõ đặc trưng Hà Nội, đặc trưng nhạc của ông, cứ thế "hút" khán giả. Xem danh mục, đêm nhạc nào cũng thấy những bài hát quen: "Em ơi, Hà Nội phố", "Dương cầm lạnh", "Khúc mùa thu", "Lãng đãng chiều đông Hà Nội", "Hà Nội ngày trở về", "Tình khúc 24", "Khúc mưa", "Im lặng đêm Hà Nội"... Hiếm hoi lắm Phú Quang mới giới thiệu một bài hát mới.
Thế là lâu nay Phú Quang chẳng viết mấy ư, chỉ nhấm nháp những tác phẩm cũ? Nhạc sĩ cười: "Tôi làm chẳng ít đâu, nhạc sĩ thì ngoài sáng tác còn làm gì nữa, nhưng có phải cái gì mình cũng khoe? Ngoài ca khúc, tôi viết giao hưởng, nhạc dân tộc, độc tấu nhạc cụ, nhạc múa, nhạc xiếc, nhạc sân khấu, nhạc phim, cả chèo, bài chòi, cải lương… Như con vịt ấy, bay tí, bơi tí, chạy tí. Âm nhạc mới sáng tác của tôi lên đài, lên truyền hình, sân khấu suốt!". Nhạc sĩ chẳng ngại ngần nhận rằng mình sáng tác đủ thể loại để kiếm sống, "tay làm hàm nhai". Nhưng có một điều đặc biệt: Phú Quang không viết theo đặt hàng mà theo cảm xúc.
Chẳng mấy ai bắt được Phú Quang viết điều gì. Nhạc sĩ thú nhận rằng mình sẽ thua ngay nếu bị đặt vào áp lực viết bài đặt hàng, đến hẹn phải nộp. Ông chỉ viết được khi cảm xúc dâng đầy, nốt nhạc tràn ra. Chẳng thế, nhạc sĩ đã nổi nóng khi phóng viên cứ cố hỏi: "Hà Nội đang chuyển mình đổi mới thì nhạc Phú Quang cũng phải vận động như thế nào chứ?". "Sáng tác âm nhạc không phải ngày một ngày hai, mà đòi hỏi phải có cảm xúc. Không phải cái gì chuyển thì mình cũng chuyển". Nhưng rồi ông cũng dịu khi nghe giải thích cái ý "đổi mới". "Tôi đã đi một con đường và chẳng có ý định rẽ đường khác, càng không phải là người chạy đua cho theo kịp người ta. Tôi viết ra những gì là chính mình".
Ông yêu Hà Nội như mọi người yêu quê hương, một tình yêu đích thực, tự nhiên. Chỉ khi nào Hà Nội cạn kiệt thì ông mới dừng sáng tác. Với Hà Nội, ông có quá nhiều điều để suy nghĩ, biết bao điều để yêu thương. Ca khúc mới đây nhất "Hà Nội và em khi thu chớm đông sang" của ông vẫn vậy, da diết, trầm nồng khiến bao trái tim thổn thức về tình cảnh một người nghệ sĩ nghèo đã chọn cách ra đi gọn nhẹ trong cuộc tình đẹp như mùa thu Hà Nội, để người đàn bà của mình đỡ bận lòng. Rồi cả bài ông vừa viết xong - "Mai rồi xa sông Thương" dựa trên lời thơ Hoàng Nhuận Cầm mà nhạc sĩ hát cho phóng viên nghe, mỗi câu hát thủ thỉ, tự sự mà sao thấy xao động. Một điều khác lạ, một sự đột phá hẳn nhiên sẽ đem lại sự tươi mới, nhưng làm âm nhạc, với Phú Quang, chỉ sự rung động từ đáy lòng khán giả đã là rất nhiều rồi. Điều đó cũng lý giải tại sao mọi show diễn của nhạc sĩ Phú Quang đều "cháy vé" mà chẳng phải rùm beng quảng cáo. Thế nhưng, ít ai biết, để "một nửa khán giả rơi nước mắt", nhạc sĩ đã phải lao động cật lực, đưa ra yêu cầu khắt khe đến cực đoan trong công tác tổ chức. Ông tự làm tất cả, từ chọn ca khúc, đặt tên, hòa âm, phối khí, chỉ huy dàn nhạc, chọn ca sĩ và điều tiết tất cả theo ý mình.
Nhạc sĩ bảo, trời cho ông một trái tim dễ rung động, nên lúc nào cũng có việc. Mang cả đống bệnh trong người, có lần tai biến tưởng đã quật ngã ông, vẫn không thấy nhạc sĩ lùi show diễn. Giờ ngơi sáng tác ra là ông cảm thấy ốm. Mặc mọi thị phi, rằng ông chỉ lao đầu vào kiếm tiền, ông vẫn mải miết trên con đường mà ông yêu.
Nếu ông ngừng sáng tác, có thể Hà Nội vẫn rộn rạo chuyển động cùng với ca khúc về nó vang lên, nhưng một Hà Nội yêu kiều, thổn thức hiện hữu trong từng câu hát, là tiếng gọi trở về như nhạc Phú Quang, sẽ hiếm đi.